Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân: “Sáp nhập bộ ngành, dân được hưởng lợi”

03/06/2019 06:00
Hưng Long
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân ủng hộ việc sáp nhập bộ ngành sẽ có một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước bị tinh giảm và giảm áp lực vào ngân sách công.

Người dân được hưởng lợi khi nhiều bộ ngành sáp nhập

Trong phiên họp ngày 01/6, Chính phủ sẽ chốt phương án sắp xếp các sở ngành và sẽ có một số sở ngành phải sáp nhập, một số ngành giữ nguyên.

Bộ Nội vụ cũng đã có dự thảo hoàn chỉnh luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thảo luận giao chính phủ quy định khung các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Dự thảo hoàn chỉnh luật Tổ chức chính quyền địa phương được bàn luận về việc sửa nghị định 24 và 37 theo hướng, một số sở ngành sẽ được tổ chức cứng và thống nhất cả nước.

Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân (ảnh nhỏ). (Ảnh: H.L)
Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân (ảnh nhỏ). (Ảnh: H.L)

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân hoàn toàn ủng hộ với dự thảo hoàn chỉnh luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Nhân đánh giá, việc sắp xếp tinh gọn các cơ quan chuyên môn  thống nhất trên cả nước sẽ mang lại lợi ích cho sự quản lý của chính quyền các cấp.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận định, chỉ trừ một số ngành không thể sáp nhập được. Đơn cử: Sở Tư Pháp không thể nhập chung với Sở Văn hóa, hoặc Sở Văn – Thể - Mỹ - Du nhập chung vẫn có thể được.

Về nguyên tắc bộ máy nhà nước càng tinh gọn thì hoạt động càng hiệu quả. Hơn hết, việc sáp nhập sẽ giảm thiểu được các thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho người dân.

Đừng cực đoan đến mức nhất định phải sáp nhập Sở Giáo dục với ngành khác 

Người dân được rút ngắn thời gian khi liên hệ và thực hiện các thủ tục hành chính.

Hiện nay, tất cả các hoạt động trong xã hội đều vận dụng công nghệ 4.0 thì bộ máy nhà nước được vận hành không thể đứng ngoài sự vận động đó.

Các văn bản nhà nước đang được lưu trữ rất rườm rà nên cần thiết phải học tập và vận dụng việc lưu trữ như nhiều nước đã và đang thực hiện.

Sáp nhập bộ ngành để tiến đến thời kỳ kỷ nguyên số

Ở châu Âu và Mỹ, việc cấp giấy phép diễn ra trong vài ngày và thậm chí chỉ trong vài giờ. Để làm được điều này, bộ máy quản lý nhà nước phải được tinh gọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến để quản lý.

Kỷ nguyên của công nghệ 4.0 là không cần nhiều giấy tờ và chỉ quản lý qua hệ thống kết nối mạng. Đã hoạt động qua mạng thì cũng không nhất thiết phải tồn tại một số Bộ - Ngành như hiện nay.

Tiến sĩ Nhân hoàn toàn ủng hộ việc sáp nhập các bộ ngành nhưng việc sáp nhập như thế nào thì sẽ phù hợp.

Có một số bộ ngành chỉ có thể đứng độc lập, tách bạch để giải quyết được những vấn đề phát sinh trong xã hội. Nhưng vẫn còn đó, một số bộ ngành không cần thiết và “thừa” trong hệ thống quản lý công thì phải sáp nhập.

Thực hiện việc sáp nhập sẽ có một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được tinh giảm biên chế đáng kể.

Tiền lương dành cho việc tinh giảm biên chế cũng sẽ giảm đáng kể và giảm áp lực vào ngân sách công.

Thủ tục hành chính như đã nói thì chắc chắn được rút gọn và hơn hết, việc quy trách nhiệm ở từng bộ ngành sẽ được cụ thể hóa hơn, tránh tình trạng một vấn đề cần tháo gỡ cho người dân nhưng “cha chung không ai khóc”.

Có việc tranh thủ bổ nhiệm lúc giao thời, sáp nhập các đơn vị hành chính 

Hiện nay, có những vấn đề mà có đến 3 hoặc 4 bộ phải cùng ngồi lại chung với nhau để giải quyết thì đây cũng là một rào cản lớn về thủ tục hành chính. Và, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề trên lại không được quy định cụ thể khi xảy ra sai phạm có liên quan.

Tiến sĩ Nhân phân tích, Đoàn Đại biểu Quốc hội nên sáp nhập lại với Hội đồng nhân dân vì hai cơ quan này tồn tại song song cũng không thể giải quyết được vấn đề cụ thể hóa cho nhân dân.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nói, tôi ủng hộ dự thảo luật về các sở ngành cứng, như: Tư pháp, Lao động – Thương binh – Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục, Thanh tra, Nội vụ và Văn phòng Ủy ban nhân dân.

Tiến sĩ Nhân cũng lưu ý việc cần thiết phải rút ngắn tên gọi của một số bộ ngành để người dân dễ nhớ và tránh nhầm lẫn. Việc rút ngắn tên gọi không có nghĩa là hạn chế chức năng mà chỉ đơn giản để người dân dễ tiếp cận hơn.

Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nên chăng chỉ cần gọi là Bộ Giáo dục mà không nhất thiết phải đi kèm “và Đào tạo”; vì đã là Giáo dục thì phải có Đào tạo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tên gọi cũng phức tạp vì “Môi trường” đang được xem là “Tài Nguyên" không chỉ của một quốc gia mà còn là của thế giới.

“Và cũng còn một số bộ ngành khác cũng cần phải rút ngắn tên gọi để tiến tới sự hiện đại hóa quá trình quản lý thời kỷ nguyên công nghệ số”, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đúc kết vấn đề.

Hưng Long