Tiến sĩ Khoa học Nghiêm Vũ Khải và hành trình truyền cảm hứng tại Everest School

17/05/2021 14:30
Ngọc Quang (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bằng cách nâng cao chất lượng giáo viên sẽ cải thiện một cách tự nhiên kết quả học tập của học sinh", Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải chia sẻ.

LTS: Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV đã gắn bó cả cuộc đời với công tác giảng dạy đại học, nghiên cứu khoa học và xây dựng chính sách. Giờ đây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác, ông trở thành Chủ tịch hệ thống trường liên cấp Everest để tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực giáo dục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập cho Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: NVCC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập cho Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: NVCC.

- Xin chúc mừng Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải trở thành Chủ tịch hệ thống liên cấp Everest! Trong thời gian tới, ông có những dự định gì để phát triển trường Everest?

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải: Xin cảm ơn lời chúc của bạn! Cách đây mấy chục năm tôi đã trở thành cán bộ giảng dạy trẻ của một trường đại học. Nay lại được trở về với nghề giáo dục, đối với tôi là một niềm vui và hạnh phúc dâng trào!

Everest School được thành lập và vận hành theo tiêu chí một nhà trường chất lượng cao về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đội ngũ giáo viên Việt Nam và quốc tế ưu tú. Giáo viên và học sinh là nhân vật trung tâm. Các hoạt động như đầu tư cơ sở vật chất, quản lý, dịch vụ, truyền thông… đều hướng tới mục tiêu dạy tốt và học tốt.

Trước hết nói về nhà giáo, thế hệ của chúng tôi đã phải đội mũ rơm đến trường. Mặc dù khó khăn và nguy hiểm nhưng các thầy, cô đã hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn luôn nêu gương sáng, động viên, day bảo chúng tôi nên người.

Giữa lúc đất nước còn đang trong chiến tranh ác liệt, học hết phổ thông thì tôi được đi Liên Xô học đại học. Cùng với các bạn đến châu Âu và các quốc gia khác, tôi nhận thấy mình có những bỡ ngỡ ban đầu. Rồi từng bước chúng tôi tiến kịp các bạn đó và thậm chí có thể cạnh tranh được ở những vị trí cao ở lớp và trường. Những thành công đó có nguồn gốc từ một nền giáo dục sâu đậm đức tính hy sinh và cống hiến của các thày, cô.

Câu chuyện đó đã cách đây nửa thế kỷ. Nhiều điều bây giờ đã đổi khác. Nhưng những triết lý giáo dục truyền thống thì đến nay vẫn nguyên giá trị: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nữa chữ cũng là thầy); không thày đố mày làm nên”, “Một kho vàng không bằng một nang chữ”…

Đối với các cháu học sinh, tôi thấy dân tộc ta có một diễm phúc lớn là đã hình thành và nuôi dưỡng một truyền thống quý báu, đó là luôn luôn dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ban giám hiệm và các thầy cô thấm nhuần nét văn hóa đó và luôn đặt mình vào vị trí phụ huynh để đem hết tiềm lực, tâm huyết và trách nhiệm xã hội nhằm kiến tạo một môi trường giáo dục mà các cháu học sinh được hình thành nhân cách tốt; phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng sống hài hòa, thân thiện; khả năng thích ứng với một thế giới đang phát triển mau lẹ, đan xen cả thời cơ và thách thức.

Đất nước ta đang phấn đấu để 25 năm nữa thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Vậy thì sau 10 năm nữa, các cháu học sinh trung học cơ sở của Everest School sẽ trở thành những lao động trẻ, có trình độ cũng như tay nghề cao để tham gia trực tiếp vào việc xây dựng cơ đồ Việt Nam mong ước đó.

- Để có được đội ngũ thầy cô giỏi, hệ thống liên cấp Everest đã làm như thế nào?

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải: Việc đầu tiên là phải có một Ban giám hiệu đoàn kết, thích ứng linh hoạt và có năng lực xây dựng và thực hiện chiến lược và lộ trình tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu cao của một nhà trường kiểu mẫu của Thủ đô.

Chúng tôi có được may mắn là đã mời được một số thầy cô tham gia Ban giám hiệu là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy và quản lý tại các trường nổi tiếng bậc nhất của Thủ đô từ cấp tiểu học đến THPT như trường Hanoi - Amsterdam, Trường Tiểu học Thăng Long… Sau 4 năm vận hành, đội ngũ giáo viên đã từng bước hoàn thiện theo định hướng nêu trên.

Bên cạnh việc quan tâm thúc đẩy hỗ trợ giáo viên dạy giỏi thì khâu quản lý, đặc biệt là quan tâm, chăm sóc, nắm bắt cá tính, sở thích, tâm lý học sinh là yêu cầu thậm chí cao hơn dạy giỏi, nhất là đối với hệ tiểu học.

Một nhà lãnh đạo trường học giỏi là người có khả năng giúp bất kỳ giáo viên nào nâng trình độ lên một cấp độ tiếp theo: Từ một giáo viên trung bình trở nên khá, một giáo viên khá trở nên tốt và một giáo viên tốt trở nên xuất sắc.

Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và rất nhiều công sức. Bằng cách nâng cao chất lượng giáo viên sẽ cải thiện một cách tự nhiên kết quả học tập của học sinh. Đầu vào được cải thiện đồng nghĩa với đầu ra được cải thiện. Sau đây là những cách mà ban nhà lãnh đạo trường Everest thực hiện để giúp các giáo viên phát triển và nâng cao kiến thưc, kỹ năng nghề nghiệp:

- Quan sát và đánh giá lớp học của giáo viên để xác định những điểm cần và điểm yếu và lập kế hoạch cá nhân để giáo viên đó cải thiện trong những điểm đó;

- Lãnh đạo trường đưa ra nhận xét về các điểm mà giáo viên cần cải tiến, đề xuất cách cải tiến mang tính xây dựng;

- Sự phát triển và nâng cao chuyên môn liên tục là điều cần thiết đối với tất cả giáo viên và có ý nghĩa giúp giáo viên tụt hậu khắc phục các điểm yếu của họ;

- Cung cấp các nguồn lực cần thiết và bổ túc thường xuyên phương pháp sử dụng để khai thác các nguồn lực phục vụ giảng dạy: Internet, các phần mềm, giáo cụ, tài liệu;

- Phát huy kiến thức, phương pháp, nghệ thuật giảng dạy của những giáo viên cao cấp cơ hữu của trường hoắc giáo viên thỉnh giảng;

- Tao nên sự gắn kết hữu cơ, tin cậy và dân chủ giữa giáo viên – học sinh, giáo viên – phụ huynh, giưa lãnh đạo trường với các đối tượng nêu trên.

- Tạo ra động lực để tất cả nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi, muốn thay đổi, không thể không thay đổi để tất cả đều được hưởng lợi.

Ông Nghiêm Vũ Khải trong một lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Ông Nghiêm Vũ Khải trong một lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: NVCC.

- Đâu là những thuận lợi và thách thức của một trường tư thục liên cấp, thưa ông?

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải: Trường Everest được hưởng hầu như tất cả các lợi thế, đồng thời cũng chia sẻ hầu như những thách thức mà nền giáo dục Việt Nam đang được hưởng hoặc đối mặt.

Về những lợi thế cụ thể đối với Everest School, thì trước tiên nói về vị trí và quy mô diện tích thì phải nói đây là những điều kiện khá lý tưởng: khuôn viên hơn 13.000 m2 với hình dạng cân đối, tọa lạc tại khu phố văn minh, dân trí khá cao của Quận Cầu Giấy với hệ thống giao thông thuận lợi.

Thứ hai, đó là với tiềm lực tài chính, tầm nhìn và quan điểm đầu tư dài hạn nên nhà đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, kiến trúc đáp ưng tiêu chuẩn cơ sở giáo dục theo quy định cho khoảng 2500 học sinh; diện tích hoạt động ngoại khóa, thể thao, vui chơi được bố trí hợp lý, khoa học, an toàn.

Thứ ba, Ban lãnh đạo nhà trường và tập thể giáo viên, nhân viên và người lao động đều an tâm, hài lòng với điều kiện làm việc và nghề giáo dục. Đặc biệt là Ban giám hiệu được đánh giá là đẳng cấp, có tầm nhìn và cực kỳ tâm huyết với nghề; năng lực hội nhập quốc tế khá mạnh.

Còn về thách thức chủ yếu là vấn đề xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển của nhà trường tư thục kiểu mẫu của Thủ đô với số lượng học sinh tăng khá nhanh với nhiều hệ đào tạo. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nhà trường phải chủ động quản lý chất lượng với yêu cầu cao, đáp ứng đòi hỏi của cha mẹ hoặc sinh, của chính các cháu học sinh và của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.

Một thách thức không nhỏ đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và năng lực của cả hệ thống Everest School sẽ thành công trên con đường chinh phục những đỉnh cao phía trước.

Xin hẹn các đồng nghiệp, bạn bè tới thăm và chia sẻ, động viên, hợp tác cùng chúng tôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)