Thuê quản lý chuyên nghiệp làm lãnh đạo, các giáo sư, tiến sĩ liệu có chấp nhận?

28/10/2021 06:45
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta không thể bắt một người thầy giỏi trở thành một quản lý giỏi được, hãy nên tách bạch 2 lĩnh vực và để họ làm đúng chuyên môn của mình.

Nhà chuyên môn giỏi khác người quản lý giỏi

Thời gian gần đây, đấu thầu thiết bị y tế, giáo dục được xem là “viên đạn bọc đường” đã hạ gục một số giám đốc sở, giám đốc bệnh viện bởi liên tiếp có những sai phạm được phát hiện ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế…

Điển hình trong lĩnh vực y tế, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-CSKT-P10 ngày 13/5/2021. Nhiều bị can đã bị khởi tố hình sự, trong đó có ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, nay là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Trước đó, trong lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên ông Nguyễn Văn Kiên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng vướng vào vòng lao lý do sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị dạy học.

Mức độ và hậu quả của các sai phạm đang được cơ quan có chức năng, thẩm quyền điều tra làm rõ. Tuy nhiên, việc không ít giáo sư, tiến sĩ là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế hay những nhà giáo giỏi của ngành giáo dục bị khởi tố do sai phạm trong quản lý tài chính, đấu thầu khiến dư luận băn khoăn về cơ chế lựa chọn người lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh: “Chúng ta đừng có cái nhìn nhầm tưởng rằng, những nhà khoa học giỏi, những người thầy có tài là những người có thể làm quản lý tốt.

Vì thế, nếu cơ chế và cách làm của chúng ta không cẩn thận thì sẽ như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định trong tháng 5 vừa qua: ‘Đừng để vừa mất tiền, vừa mất người, mất giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân’. Nếu chúng ta không làm tốt, không thay đổi, đôi khi chúng ta còn mất rất nhiều cán bộ”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, để có một người thầy thuốc tốt, một người thầy giáo có tâm, một cán bộ có tài thì chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo, để bồi dưỡng, để minh chứng cho cái tốt, cả tâm và tài đó. Chính vì vậy, đừng vì những cơ chế về quản lý của chúng ta mà vừa tổn thất về kinh tế, vừa mất những người giỏi chuyên môn.

“Đối với trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn, tôi đánh giá đó là một người có tâm với nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn. Trong quản lý bệnh viện ông có những tư duy khá nghiêm khắc, cũng có thể là một bước đột phá trong quản lý ngành y. Tuy nhiên, không phải cứ giỏi về chuyên môn thì họ có thể tài ba trong quản lý.

Tôi không bàn sâu vào vấn đề ông có lỗi hay không có lỗi, vì đó là chuyện của cơ quan thực thi pháp luật. Sau khi cơ quan chức năng điều tra là có vi phạm pháp luật và đưa ra những bằng chứng cụ thể thì mọi việc sẽ được pháp luật soi chiếu.

Tôi muốn nói về cách nhìn tổng quát, nếu như chúng ta không có cơ chế riêng đối với những nhà nghiên cứu, giáo sư, bác sỹ giỏi, nhà giáo dục khi giao cho họ những vấn đề về chuyên môn quản lý thì rất dễ mắc những sai phạm không đáng có và chúng ta sẽ mất người”, ông Bảo chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, bất kỳ vi phạm nghiêm trọng hay không cũng là vi phạm pháp luật, những điều pháp luật cấm là không được làm, làm là sai. Tuy nhiên nên có cách xem xét toàn diện về động cơ thực hiện.

“Nếu động cơ là tham nhũng cá nhân, tham nhũng vì lợi ích nhóm, làm những điều tiêu cực để đạt được mục đích này, mục đích kia khác với mục đích chung của xã hội thì không thể bỏ qua.

Còn nếu mắc sai lầm trong quản lý, bản thân người sai phạm không có động cơ vụ lợi cá nhân và chỉ muốn làm công việc chung thì chúng ta cũng phải có những biện pháp giảm nhẹ, thậm chí là bảo vệ nếu họ là những người tiên phong đổi mới vì lợi ích toàn xã hội. Vừa rồi Bộ Chính trị đã nhấn mạnh thêm về cơ chế để bảo vệ người tài, những người tiên phong, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm.

Chính vì thế, cần phân rõ động cơ và trách nhiệm. Và để không có những đáng tiếc như vậy, theo tôi, những người có tài, có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực thì chúng ta nên để phát huy trong các vấn đề đó, không nên đưa họ sang lĩnh vực quản lý với quá nhiều trách nhiệm và đòi hỏi hiểu biết ngoài chuyên môn như chính sách, pháp luật, tài chính, quản trị, đấu thầu”, ông Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ.

Quy định trong Luật Đấu thầu và thực tế đấu thầu vật tư y tế, giáo dục

Quy trình, cách thức đấu thầu tại nước ta hiện nay đã được xây dựng và quy định trong Luật Đấu thầu. Tại đó, các quy trình phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch và có sự giám sát.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, rất nhiều vụ đấu thầu mà các quy trình đầy đủ nhưng chỉ mang tính hình thức. Luật pháp đều quy định chặt chẽ về quy trình nhưng vấn đề thực hiện thì lại ở một khía cạnh khác.

“Luật Đấu thầu trên văn bản thì các quy định rất chặt chẽ, có hệ thống. Thế nhưng, ngay cả những sai phạm chúng ta phát hiện mới thấy được những lỗ hổng rất lớn.

Công tác đấu thầu đủ quy trình, đủ chữ ký các bên tham gia nhưng ở nhiều vụ việc chỉ là để hợp thức hóa. Mua thầu, bán thầu, chỉ đạo làm sao trúng thầu của nhà đầu tư… là những thực tế vẫn diễn ra.

Đó cũng là lý do theo tôi hãy để những người thầy thuốc, thầy giáo, nhà chuyên môn giỏi chỉ nên tập trung và làm đúng chuyên môn của mình. Nếu tiêu chuẩn xét chọn cán bộ quản lý, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục hay y tế mà cứ nhất nhất đòi hỏi phải là Giáo sư, Tiến sĩ hay bác sĩ chuyên khoa I, II thì rất dễ có sai phạm xảy ra”, ông Bảo nhận định.

Để có các nhà điều hành và quản trị chuyên nghiệp, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương chủ trương cho phép đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng vì sao trong thực tế chưa thấy đơn vị nào áp dụng, về vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ:

“Chúng ta có cơ chế quy định nhưng ai là người được làm và ai là người muốn cho người khác làm là câu chuyện khác.

Nếu các nhà chuyên môn giỏi ở các đơn vị sự nghiệp công lập đồng ý chỉ làm chuyên môn, còn phần quản lý lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập để tổ chức thuê nhân sự chuyên nghiệp làm thì đó là một phương án vô cùng hợp lý.

Tuy nhiên, chuyên nghiệp đó ở nước ngoài được áp dụng rất nhiều còn ở Việt Nam đang rất hạn chế vì tâm lý chính các nhà chuyên môn không muốn bị quản lý, lãnh đạo bởi những người không giỏi chuyên môn hơn mình chứ đừng nói là những nhà quản lý nằm ngoài chuyên môn. Chính các nhà chuyên môn sẽ không phục, và có thể dẫn tới kiện cáo, khiếu nại”, ông Bảo nói.

Lấy ví dụ như ở một số nước trên thế giới, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ngay cả lãnh đạo các cơ quan vũ trang đều không phải là quân nhân vì họ cho rằng những chức vụ đó mang tính quốc gia, ngoại giao, chính khách, còn chỉ huy chuyên môn mới giao cho những quân nhân đảm nhiệm. Đó chính là sự tách bạch rạch ròi giữa lãnh đạo - quản lý một ngành, một đơn vị với công tác chuyên môn trong ngành, đơn vị đó, để vị trí nào cũng phát huy được tối đa năng lực, hiệu quả trong công việc

Đào tạo được một thầy thuốc giỏi, một nhà giáo giỏi đã khó nhưng để họ trở thành những cán bộ quản lý giỏi như chuyên môn thì khó hơn rất nhiều. Những vụ việc khởi tố, điều tra vừa qua với người đứng đầu ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế cho thấy đã đến lúc cần đánh giá nghiêm túc các tiêu chuẩn cứng của lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để làm được việc này, về mặt hành lang pháp lý cần luật hóa chủ trương thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập mà Nghị quyết 19-NQ/TW đã nêu, đồng thời về mặt tư tưởng cũng cần làm công tác "đả thông" chính các nhà chuyên môn để họ chấp nhận làm tốt công tác chuyên môn và xem công tác quản lý như một lĩnh vực khác, cần những nhân sự chuyên nghiệp để có thể phối hợp tốt nhất trong công việc.

"Chúng ta cũng không thể bắt một người thầy giỏi trở thành một quản lý giỏi được, hãy nên tách biệt và để họ làm đúng chuyên môn của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.

Cao Kim Anh