Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông TPHCM

10/04/2013 16:03
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.

Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý và phát huy lợi thế của TP Hồ Chí Minh; từng bước phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Các chỉ tiêu cụ thể:

Giao thông công cộng, gồm có xe buýt, đường sắt đô thị, taxi, thị phần đảm nhận từ 20% - 25%; Giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp) thi phần đảm nhận từ 72% - 77%; Các loại hình giao thông khác thị phần đảm nhận ở mức 3%.

TPHCM sẽ thực hiện nhiều dự án quy hoạch giao thông lớn. Ảnh minh họa, nguồn internet.
TPHCM sẽ thực hiện nhiều dự án quy hoạch giao thông lớn. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Về kết cấu hạ tầng giao thông, cơ bản đầu tư hệ thống giao thông đường bộ chính, xây dựng 1 - 2 tuyến đường bộ trên cao, các tuyến đường trục chính đô thị hiện hữu tiến hành cải tạo nâng cấp 90 - 100% phần mặt đường để tăng năng lực thông xe. Các tuyến trục đường chính đô thị xây dựng mới phải đảm bảo lộ giới quy hoạch và tiêu chuẩn cấp đường.

Thực hiện đầu tư xây dựng từ 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách; Di dời các khu bến cảng trên sông Sài Gòn, phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng; ưu tiên đầu tư các bến cảng biển chính như: khu Cát Lái, khu bến cảng trên sông Nhà Bè, khu bến cảng Hiệp Phước… để đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực.

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng được nâng cấp để đạt công suất 23,5 triệu hành khách/năm và 600 nghìn tấn hàng hóa/năm vào năm 2015. Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Định hướng phát triển sau năm 2020, GTVT TP HCM thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối thuận tiện giữa các phương thức vận tải, giữa TP HCM với các đô thị vệ tinh, với cả nước và quốc tế.

Cụ thể, giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi) đến năm 2030 thị phần đảm nhận từ 35% - 45%, sau năm 2030 từ 50% - 60%; Giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp) đến năm 2030 thị phần đảm nhận từ 51% - 61%, sau năm 2030 từ 35% - 45%; Các loại hình giao thông khác đến năm 2030 thị phần đảm nhận sẽ ở mức 4%, sau năm 2030 khoảng 5%. Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khác theo quy hoạch.

Đối với quy hoạch đường bộ cũng nêu rõ sẽ phát triển các trục cao tốc có năng lực thông xe lớn như: Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, chiều dài khoảng 55km, quy mô 6-8 làn xe; Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, chiều dài khoảng 69km, quy mô 6-8 làn xe; Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, chiều dài khoảng 55km, quy mô 4-6 làn xe; Cao tốc Bến Lức – Long Thành, chiều dài khoảng 58km, quy mô 6-8 làn xe; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, chiều dài khoảng 76km, quy mô 6-8 làn xe; Nâng cấp, mở rộng quy mô 8 làn xe tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, chiều dài khoảng 40km.

Ngọc Quang