Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quyết liệt với kế hoạch tổng tấn công Covid-19

05/06/2021 11:05
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Thái Trường Giang (Đại biểu Quốc hội khoá XIV) nhận định, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quyết liệt với kế hoạch tổng tấn công dịch Covid-19.

Đoàn kết là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam

Dịch Covid-19 đã quay trở lại nước ta lần thứ 4 với biến chủng nguy hiểm, lây lan nhanh hơn, xuất hiện ở nhiều địa phương (trong đó tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất). Trong hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu rộng tới mọi hoạt động trong đời sống của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế.

Trong cuộc họp Chính phủ hôm 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nêu rõ, phải kết hợp hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công trong phòng, chống dịch; thực hiện tốt “5k + vaccine”.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kế thừa những kinh nghiệm hay từ ba lần chống dịch trước đây, đồng thời các ngành, các cấp, địa phương huy động các nguồn lực để xét nghiệm COVID-19 chủ động; thực hiện “chiến lược vắc-xin”, tìm kiếm nguồn vắc-xin vaccine; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin; tổ chức tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có hiệu quả.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam (Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Bộ Tài chính quản lý) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến cần mua khoảng 150 liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 70% dân số, với tổng kinh phí ước tính hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Bộ Y tế cho biết, hơn 120 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021. Ngoài vắc xin AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm 5 triệu liều vắc-xin của Moderna, 31 triệu liều của Pfizer và 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga.

Trước đó, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vắc xin COVID-19 qua nguồn COVAX, trong đó lô thứ nhất với 811.200 liều đã về Việt Nam vào ngày 1/4 và lô thứ 2 có hơn 1,682 triệu liều đã về ngày 16/5.

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp quan trọng nhất phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: baochinhphu.vn

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp quan trọng nhất phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: baochinhphu.vn

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về ý nghĩa của việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhân dân đồng hành cùng Chính phủ trong việc chia sẻ kinh phí vắc-xin, ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: “Đây là một việc làm có ý nghĩa vô cùng lớn, cho thấy rằng nguồn lực toàn dân đối với hoạt động của Chính phủ rất quan trọng.

Không chỉ đến thời điểm dịch bệnh Covid-19 quay lại lần thứ 4 chúng ta mới chứng kiến sự vào cuộc của toàn dân, toàn xã hội mà trong những tình huống cấp bách trước đó như bão lũ, thiên tai, xóa đói, giảm nghèo… nhân dân đều sẵn sàng chung tay, chung sức chia sẻ mọi khó khăn đối với Chính phủ, đất nước. Đó là truyền thống đoàn kết dân tộc rất quý báu từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam”.

Ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: NVCC

Ông Thái Trường Giang, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: NVCC

Hưởng ứng lời kêu gọi lời của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cá nhân và tổ chức đã đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Chiều 3/6, Bộ Tài chính thông báo số tiền ủng hộ đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước cam kết ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng; Bộ Y tế chuyển hơn 1000 tỷ đồng đã tiếp nhận vào quỹ.

Tại các địa phương, số tiền đóng góp mua vắc-xin phòng Covid-19 cũng đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Quỹ vắc-xin chính là hành động thiết thực để thể hiện tình đoàn kết dân tộc, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ chung tay cùng Chính phủ, đất nước về vấn đề cấp bách của xã hội.

Điều đó thể hiện tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc với tinh thần đoàn kết, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.

Trước đó ngày 21/5, Tập đoàn Vingroup đã trao tặng 4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 (trị giá gần 500 tỷ đồng) cùng ngành Y tế chống dịch, bảo vệ nhân dân và những cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, Vingroup còn trao tặng 10 tỷ đồng mua vắc-xin cho Khánh Hoà, 30 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp Bắc Giang và Bắc Ninh; 20 tỷ đồng nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 cho Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC); 5000 kỳ nghỉ 5 sao tri ân các bác sỹ tuyến đầu chống dịch và hàng tỷ đồng trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn… tổng giá trị những gì Vingroup ủng hộ đã lên đến gần 2.300 tỷ đồng.

Trên hành trình đuổi “giặc Covid-19”, chung tay cùng Chính phủ và các địa phương còn có nhiều thương hiệu lớn như Vietcombank, HDBank, Vietinbank, BIDV, Sovico Group, Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T... đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng cho chương trình vắc-xin phòng Covid-19.

Trong đó, riêng HDBank và Sovico Group (cổ đông sáng lập Hãng hàng không Vietjet) đã trao tặng 60 tỷ đồng mua vắc xin ngừa Covid-19 cho đại diện Bộ Y tế.

Luôn sát cánh cùng Chính phủ và cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngay trong tháng 5/2021, Vietcombank đã ủng hộ 65 tỷ đồng cho Bộ Y tế và 10 tỉnh, thành phố có ca lây nhiễm cao để mua vắc-xin phòng dịch COVID-19. Tính chung từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã ủng hộ 150 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19.

Tham gia hành trình chống dịch, Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp của doanh nhân Đỗ Quang Hiển cũng đã ủng hộ hơn hơn 200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.

Mới nhất, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã quyết định trao tặng 1 triệu liều vắc-xin (tương đương 120 tỷ đồng) với hy vọng sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực cần thiết để Chính phủ và người dân cả nước chống dịch hiệu quả hơn.

T&T Group cũng đã ủng hộ, hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang 1.000 tấn gạo và 5 tỷ đồng để phòng chống dịch. Dự kiến, trong thời gian tới, T&T Group sẽ tiếp tục trao tặng bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh hệ thống ECMO trị giá 3,5 tỷ đồng để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Ngân hàng SHB nơi ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới đây tiếp tục trao tặng 15 tỷ mua vắc-xin chống Covid-19 cho Bộ Y tế. Tính chung từ 2020 tới nay, SHB đã trao tặng hơn 70 tỷ đồng cho các hoạt động chống dịch, từ thiện.

Tất cả đều cống hiến và phụng sự tổ quốc, chung vai gánh vác cùng Chính phủ và nhân dân vượt qua đại dịch.

Hợp tác sản xuất vắc-xin tại Việt Nam là giải pháp lâu bền

Theo ông Thái Trường Giang, việc đàm phán để tăng cường mua vắc-xin tiêm cho toàn dân là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tất cả cùng phụng sự tổ quốc.

Tất cả cùng phụng sự tổ quốc.

“Việc mua vắc-xin từ nhiều nguồn thu trong đó có huy động đóng góp nguồn lực từ nhân dân trong thời điểm này là hợp lý.

Chúng ta nên chủ động hơn nữa trong việc đàm phán cung ứng với các nước trên thế giới, nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất, nhanh nhất.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy mua công nghệ, chuyển giao công nghệ để làm sao sớm sản xuất được vắc-xin trong nước. Thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vắc-xin, đảm bảo an ninh y tế”, ông Giang nhận định.

Việc chuẩn bị đủ các điều kiện sản xuất được vắc-xin trong nước là căn cơ. Đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin an toàn trên thế giới để hợp tác sản xuất tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Điều đó theo ông Thái Trường Giang là cơ hội tốt phát triển cho ngành công nghiệp vắc-xin ở nước ta cả trong tương lai, không chỉ vắc-xin cho riêng dịch bệnh lần này mà cho cả các loại bệnh dịch khác.

“Chúng ta tin tưởng Chính phủ sẽ lo cho toàn dân. Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung từ nước ngoài chưa dồi dào, Chính phủ phải quản lý thật chặt chẽ để không xảy ra tình trạng buôn bán vắc-xin giả khiến người dân tiền mất, tật mang.

Đặc biệt cần chú ý tư tưởng chủ quan, dựa vào vắc-xin mà không chú trọng công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt. Phải luôn thực hiện tốt các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để cùng nhau phòng chống dịch Covid-19”, ông Giang chia sẻ.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vào ngày 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, biến chủng của virus trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm, khó lường hơn, khó kiểm soát hơn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, về tổng thể chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình; tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, tình hình phức tạp hơn, khó kiểm soát hơn nhưng đến thời điểm hiện tại, dịch cũng đã được kiềm chế và từng bước được đẩy lùi tại các địa bàn này.

Thủ tướng chỉ rõ, phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi chưa có dịch. Tấn công là cấp bách, là đột phá; xét nghiệm chủ động ở những nơi chưa có dịch, xét nghiệm thần tốc ở những nơi có dịch, vắc-xin là chiến lược, là quyết định.

Nhiều chuyên gia, chính khách đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định vắc-xin phòng Covid-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy phải sớm hoàn thành mục tiêu tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vắc-xin, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại đúng quỹ đạo, phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Cao Kim Anh