Thông tư 35 về thi đua giáo viên ra đời 2 năm nhưng vẫn không thể áp dụng

05/10/2017 07:02
Bùi Nam
(GDVN) - Việc áp dụng tiêu chuẩn có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để được xét công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" bộc lộ nhiều bất cập.

LTS: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu rằng Bộ sẽ không lấy tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua và được cụ thể hóa bằng Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định của Chính phủ, để được xét danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở", giáo viên vẫn cần có sáng kiến.

Thầy giáo Bùi Nam bày tỏ sự thắc mắc về tính thống nhất giữa các quy định trên và mong muốn tìm câu trả lời cho việc khi nào Thông tư 35 sẽ được áp dụng vào thực tế.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học mới đã đã đi được một phần tư thời gian, các trường đang thực hiện đăng ký thi đua, đăng ký các danh hiệu thi đua.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin bàn về danh hiệu thi đua cá nhân “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

Đây là danh hiệu rất quan trọng đối với giáo viên, vì danh hiệu đó sẽ góp phần tạo điều kiện cho giáo viên được xếp "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", nâng lương trước hạn, hoặc dùng để khen thưởng các danh hiệu cao hơn như:

Bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh (02 năm liên tiếp đạt chiến sĩ thi đua (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ)), Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (03 năm liên tiếp đạt chiến sĩ thi đua (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ)), Huân chương,..

Việc áp dụng tiêu chuẩn có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (sau này gọi chung là sáng kiến) để được xét công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" bộc lộ nhiều bất cập.

Hình ảnh minh họa về sáng kiến kinh nghiệm. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Hình ảnh minh họa về sáng kiến kinh nghiệm. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thấy được điều đó nên đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT Hướng dẫn công tác thi đua của ngành giáo dục quy định rõ ở Điều 10 Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" như sau:

"Mục 2.a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên, giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đạt giáo viên cấp trường trở lên

b) Giáo viên trực tiếp bồi dưỡng được 1 học sinh nhất, nhì, ba cấp tỉnh. Giáo viên vùng khó khăn đạt cấp huyện trở lên”.

Thông tư trên ban hành 31/12/2015 có hiệu lực 16/2/2016.

Rất nhiều giáo viên trong cả nước đã hoan nghênh chỉ đạo kịp thời sâu sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để những giáo viên mặc dù không thực hiện sáng kiến kinh nghiệm nhưng thực hiện tốt nhiệm vụ như thi đạt giáo viên giỏi hay bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hạng nhất, nhì, ba cấp tỉnh được xem như sáng kiến kinh nghiệm đó là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực, cống hiến.

Mặc dù thông tư có hiệu lực 16/2/2016 nhưng khi xét thi đua năm học 2015 – 2016 vào khoảng cuối tháng 5/2016 thì những giáo viên đạt các danh hiệu trên hoàn toàn thất vọng vì thông tư trên chưa được áp dụng, giáo viên thắc mắc thì được trả lời là chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư trên và thông tư trên ban hành vào khoảng giữa năm học khi hướng dẫn thi đua của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện đã ban hành.

Thông tư 35 về thi đua giáo viên ra đời 2 năm nhưng vẫn không thể áp dụng ảnh 2

Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm

Giáo viên đành im lặng với thất vọng, thôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, thôi thì đợi đến năm sau tức là năm 2016 – 2017 nhưng khi xét thi đua cuối năm các địa phương vẫn không thể áp dụng thông tư trên vào xét thi đua.

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư hướng dẫn xét thi đua rất rõ ràng, chi tiết nhưng không thể áp dụng vào trong các trường học?

Theo tôi được biết vì xét thi đua phải tuân theo Luật Thi đua, khen thưởng, nghị định của Chính phủ.

Như vậy Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã 2 năm nhưng không thể áp dụng, giáo viên tiếp tục mòn mỏi chờ đợi không biết đến khi nào mới được áp dụng. Và khả năng không thể áp dụng là khá cao.

Tôi xin được thông tin việc xét thi đua giáo viên căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật như sau để thấy rõ vì sao thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể áp dụng.

Cụ thể việc xét thi đua dựa vào các tiêu chí sau:

Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng (Luật số 15/2003/QH11 ngày 26/11/2003), Điều 23 “Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" được trao tặng cho cá nhân có tiêu chuẩn sau:

1. Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”

2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất

Tiếp theo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung những điều của Luật Thi đua khen thưởng 2005, Luật sửa đổi, bổ sung những điều của Luật Thi đua khen thưởng ngày 16/11/2013.

Căn cứ Luật trên, đến năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Tại mục 2: “DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

3. Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở hằng năm dành cho các cá nhân sau

a. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”

b. Có sáng kiến tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị,…”

Thông tư 35 về thi đua giáo viên ra đời 2 năm nhưng vẫn không thể áp dụng ảnh 3

Vẫn chưa hết lo âu vì ...sáng kiến kinh nghiệm

Theo đó, tại tất cả quy định trong Luật Thi đua khen thưởng, nghị định của Chính phủ về xét thi đua cá nhân để xét "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" hay công nhận "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" hoàn toàn không đề cập đến nội dung nào thay thế sáng kiến kinh nghiệm như Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT.

Vì thế, các địa phương không thể áp dụng các tiêu chuẩn trong Thông tư 35 theo tôi là đúng.

Tức là Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT không có giá trị pháp lý?

Muốn thông tư trên có hiệu lực, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến thống nhất và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung Nghị định 91/2017/NĐ-CP về thi đua khen thưởng áp dụng cho giáo viên để tránh tình trạng thông tư “chết non”.

Chưa dừng lại ở trên tại buổi tiếp xúc với cán bộ quản lý giáo dục ở Bình Định ngày 12/5/2017 khi có nhiều nhà quản lý nêu những bất cập trong việc xét danh hiệu thi đua "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" chỉ dựa vào sáng kiến là không phù hợp, không ghi nhận công sức của những giáo viên khác trong nhà trường dù đã có nhiều danh hiệu, cống hiến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu được giáo viên chờ đợi nhất là “sẽ bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua”.

Nhiều giáo viên mừng, hồi hộp chờ đợi ước mơ bấy lâu nay của mình sắp trở thành hiện thực khi chính Bộ trưởng là tư lệnh ngành phát biểu trước truyền thông cả nước.

Nhưng như đã trình bày ở trên thi đua khen thưởng phải tuân theo luật và nghị định của Chính phủ nên tôi không bất ngờ khi phát biểu của tư lệnh ngành lại tiếp tục gây thất vọng.

Bởi vì ngay sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 Bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá phân loại công chức viên chức.

Theo đó giáo viên muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm (cũng như tiêu chuẩn đạt danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở).

Thật ra có rất nhiều người do không làm trong ngành giáo dục hoặc không hiểu nên có nhiều tít trên các báo “Giáo viên thoát sáng kiến kinh nghiệm”, “Từ nay giáo viên không còn lo viết sáng kiến kinh nghiệm”,…

Nhưng những người làm giáo viên đều biết khi Nghị định 88/2017/NĐ-CP ra đời giáo viên muốn đạt danh hiệu quan trọng là "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" không có gì khác ngoài sáng kiến kinh nghiệm.

Dù giáo viên có phấn đấu ở mức nào đi chăng nữa, thậm chí bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp quốc gia đi nữa nếu không có sáng kiến thì không thể xếp danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở".

Theo như những gì tôi đã phân tích ở trên, Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT và phát biểu của Bộ trưởng về bỏ sáng kiến trong xét các danh hiệu thi đua là hoàn toàn đúng đắn thể hiện ý chí và nguyện vọng của giáo viên cả nước nhưng hiện nay chưa được áp dụng.

Xin chuyển câu hỏi của chúng tôi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cho toàn thể giáo viên và nhân dân rõ rằng khi nào Thông tư 35 và phát biểu của Bộ trưởng thành sự thật?

Bùi Nam