Thông tư 08 của Bộ Giáo dục về khen thưởng, kỷ luật học sinh đã cũ kỹ, lạc hậu

29/12/2016 06:41
Sông Trà
(GDVN) - 28 năm qua, tình hình trong trường học, ngoài xã hội, diễn biến tâm lý học sinh hiện nay đã khác trước rất nhiều, trong khi quy định lại không có cập nhật.

LTS: Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về cách đánh giá khen thưởng, kỷ luật học sinh đã được áp dụng 28 năm nay.

Từ thực tiễn trong công tác giảng dạy và quản lý, tác giả Sông Trà cho rằng Thông tư này hiện có nhiều điểm đã lỗi thời, cần được thay thế bằng quy định mới cho phù hợp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 21/3/1988, cách đây 28 năm, đến nay vẫn là văn bản, căn cứ pháp lý chính thức để nhà trường xem xét, đánh giá về khen thưởng, kỷ luật học sinh.

28 năm qua, điều kiện, tình hình trong trường học, ngoài xã hội, diễn biến tâm lý học sinh hiện nay đã khác trước rất nhiều, trong khi quy định lại không có cập nhật, cải tiến, thay đổi gì.

Chính vì vậy, nó đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu, không phù hợp, thiếu tính răn đe học sinh.

Thông tư 08 có nhiều điểm đã lỗi thời sau 28 năm áp dụng. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Thông tư 08 có nhiều điểm đã lỗi thời sau 28 năm áp dụng. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Thông tư 08 quy định học sinh được khen trước lớp nếu tham gia hăng hái, đầy đủ các buổi lao động của trường.

Đồng thời, Thông tư cũng đưa ra hình thức kỷ luật là khiển trách trước lớp đối với hành vi đi học không đúng giờ, đi lao động không mang theo đầy đủ dụng cụ mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng hoặc nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề), hút thuốc lá...

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, rất nhiều trường đã không còn hoặc hiếm khi tổ chức cho học sinh đi lao động, nhất là các trường ở khu vực thành phố.

Thực tế, công việc này đã được “dịch vụ hóa” (theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh), hợp đồng với bộ phận lao công hoặc bảo vệ phụ trách.

Mặt khác, một số hình thức và mức độ xử lý kỷ luật học sinh theo quy định trên quá nhẹ, không còn đủ sức răn đe trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nhà trường cũng chẳng thể nào dám làm khác văn bản của cấp trên mỗi khi có tình huống, trường hợp nảy sinh.

Ví dụ như các hành vi học sinh nói tục, đánh bạc, nghỉ học nhiều buổi, hút thuốc lá… nhưng chỉ dừng lại mức khiển trách trước lớp là quá nhẹ.

Mức phạt này nhiều em không sợ, càng không có sức răn đe đối với những em vi phạm và các em khác.

Trong một số trường hợp học sinh với mức độ vi phạm mang tính hệ thống, tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng, tác động lớn mà chỉ có hình thức xử lý kỷ luật cao nhất (đuổi học 1 năm) cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ những người trong cuộc.

Lỗi vi phạm nội quy nhà trường của học sinh thời nay có muôn hình vạn trạng.

Thông tư 08 của Bộ Giáo dục về khen thưởng, kỷ luật học sinh đã cũ kỹ, lạc hậu ảnh 2

Giải quyết bài toán học sinh bỏ học như thế nào?

Đó là các lỗi như: xăm mình, tóc xanh, tóc đỏ; nói xấu, thậm chí “khủng bố” thầy cô giáo, bạn bè trên điện thoại, mạng internet;

ẩn danh để xuyên tạc, bịa chuyện, “chửi hội đồng”, lập bè phái, nói tục; tổ chức đánh bài, cá độ; trao đổi chất kích thích, vi phạm an toàn giao thông, quay clip đánh nhau tung lên mạng...

Trong khi đó, Thông tư 08 ban hành từ năm 1988 đến nay vẫn còn hiệu lực áp dụng trên phạm vi cả nước lại thiếu vắng, không cập nhật các lỗi vi phạm thường gặp ở học sinh nhiều năm qua.

Theo ý kiến, quan điểm nhiều thầy, cô giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, có rất nhiều lỗi của học sinh hiện nay chỉ xử lý ở mức phê bình, khiển trách trước lớp gần như chẳng có tác dụng.

Vì thế, có học sinh “nhờn thuốc”, gây khó khăn cho công tác giáo dục đạo đức học sinh của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. 

Một quy định mới, phù hợp với tình hình thực tế giáo dục hiện nay, thay thế cho Thông tư 08 luôn được nhà trường, giáo viên đang mong đợi.

Thầy Lê Thê, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Chánh (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đang“bỏ rơi” một cơ sở, công cụ pháp lý quan trọng hàng đầu để chỉ dẫn, định hướng tốt cho tất cả nhà trường, giáo viên trong việc khen thưởng và kỷ luật học sinh hiện nay.

Đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định, Thông tư mới, vừa định tính, vừa định lượng, có tính đồng bộ, thống nhất với những quy định khung ở Điều lệ trường phổ thông và Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại văn hóa, hạnh kiểm học sinh.” 

Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, giáo viên một trường trung học phổ thông ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phân tích:

Thông tư 08 của Bộ Giáo dục về khen thưởng, kỷ luật học sinh đã cũ kỹ, lạc hậu ảnh 3

"Đuổi học thì dễ, dạy làm người mới khó"

"Một khi đã có văn bản, thông tư mới rồi cũng không thể nào đáp ứng hết tình hình, đặc điểm cụ thể của trường, từng địa phương được.

Trên cơ sở cái chung, từng đơn vị chủ động quy định, ban hành cái riêng, cụ thể của mình.

Tính răn đe phải có, nếu vi phạm nặng nhưng tính giáo dục, nhân văn trong xử lý vi phạm các em ở nhà trường, giáo viên cũng cần lắm, luôn mở cho các em mắc lỗi lầm những cơ hội sửa sai, tiến bộ, chứ đừng hở một tí là đuổi học, trình báo công an…

Nhiều người có lý khi cho rằng: "Phê phán sai phạm, hoặc kỷ luật đuổi học học sinh thì quá dễ; cảm hóa, giáo dục những em học sinh chưa ngoan tiến bộ, thay đổi, chuyển biến mới là điều khó".

Trong bối cảnh môi trường xã hội, giáo dục có những diễn biến phức tạp, bất ổn như hiện nay, sự quan tâm và trách nhiệm thường xuyên của các phía (có mặt hoàn thiện thể chế, quy định…) đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh là rất cần thiết và quan trọng.

Sông Trà