"Thêm cơ hội" cho những người sau cai nghiện ma tuý

18/07/2013 09:57
Nguyễn Thanh/Báo quảng ninh
(GDVN) - Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã triển khai thí điểm mô hình câu lạc bộ (CLB) “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng” tại các phường: Hồng Gai (TP Hạ Long); Thanh Sơn (TP Uông Bí) và Cẩm Đông (TP Cẩm Phả).
Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng công tác quản lý người sau cai nghiện tại địa phương. Các đơn vị chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Chẳng hạn như: Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã triển khai thí điểm mô hình câu lạc bộ (CLB) “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng” tại các phường: Hồng Gai (TP Hạ Long); Thanh Sơn (TP Uông Bí) và Cẩm Đông (TP Cẩm Phả).

Đến nay, các CLB đang duy trì hoạt động với 54 người tham gia. Qua các buổi sinh hoạt được tổ chức định kỳ 1 lần/tháng, các thành viên CLB đã được tư vấn tâm lý, chia sẻ khó khăn. Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức kiểm tra nước tiểu, giám sát dự phòng tình trạng các thành viên có thể tái nghiện…

Qua đó, các thành viên đều tự nhận thấy quyền lợi của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động của CLB và tự tin hơn khi tái hoà nhập cộng đồng. Đặc biệt, theo Quyết định số 343/2012/ QĐ-UBND, ngày 20-2-2012 của UBND tỉnh, những người sau cai nghiện ma tuý còn được hỗ trợ 400.000 đồng/ tháng. Các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; quan tâm tạo việc làm cho đối tượng người nghiện sau cai, người từng lầm lỗi về các vi phạm liên quan ma tuý, mại dâm, buôn bán người có tiến bộ trở về địa phương.  

Buổi sinh hoạt định kỳ của CLB Thân thiện dành cho người sau cai nghiện ở TP Cẩm Phả. (Ảnh tư liệu)
Buổi sinh hoạt định kỳ của CLB Thân thiện dành cho người sau cai nghiện ở TP Cẩm Phả. (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác quản lý người cai nghiện hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Sơn Hà, Phó Trưởng phòng chính sách 06, Chi cục PCTNXH, cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là các đối tượng sau khi cai nghiện ma tuý về cộng đồng đều rất tự ti, ngại tiếp xúc với cộng đồng, nhất là họ còn khó khăn về công ăn việc làm. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân vẫn có tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng này…”.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2012 đến nay Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh đã bàn giao gần 1.000 người hoàn thành chương trình cai nghiện tại Trung tâm về các địa phương trong tỉnh. Thực tế cho thấy, từ chỗ không có việc làm, cộng với sự kỳ thị của mọi người, chính quyền địa phương còn chưa sát sao trong quản lý, dẫn đến nhiều đối tượng sau cai nghiện đã bị cám dỗ và tái nghiện trở lại. Điều này làm hao tốn không ít công sức, tiền bạc trong chi phí hỗ trợ cai nghiện của tỉnh, Nhà nước và cả gia đình có người nghiện.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý người sau cai nghiện, các cấp, các ngành và cộng đồng cần cho người sau cai nghiện thêm những cơ hội mới như: Tạo công ăn việc làm, tạo sự bình đẳng, thân thiện trong giao tiếp và trong cuộc sống. Để làm được điều này, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma tuý nói chung cũng như công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện nói riêng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.

Riêng ngành LĐ-TB&XH tỉnh, cần thay đổi mô hình quản lý một cách linh hoạt, mềm dẻo và tạo được hiệu quả thiết thực cho các đối tượng. Được biết, trong năm 2013 này các CLB “Hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng” sẽ được tiếp tục mở tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn); phường Minh Thành (Quảng Yên); xã Kim Sơn (Đông Triều) từng bước hỗ trợ người cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng mang lại hiệu quả bền vững cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Nguyễn Thanh/Báo quảng ninh