Thầy Hoàng Xuân Khóa đề xuất thay đổi thời gian năm học

22/04/2020 06:21
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nhân dịp học sinh nghỉ học để chống dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, mạnh dạn đề xuất với Chính phủ thay đổi thời gian học tập trong năm học.

Đây là đề xuất của thầy giáo Hoàng Xuân Khóa, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie Hải Phòng.

Theo thầy Khóa, hiện nay, nước ta đang áp dụng thời gian học tập trong năm học là khai giảng vào ngày 5/9 và kết thúc năm học vào 30/5 năm sau.

Sau khi kết thúc năm học, học sinh các cấp, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… được nghỉ hè khoảng 3 tháng.

Lịch học này có từ đầu thế kỷ 20 khi người Pháp xây dựng hệ thống giáo dục ở Việt Nam và được áp dụng đến thời điểm hiện tại.

Thầy giáo Hoàng Xuân Khóa đề xuất thay đổi thời gian năm học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thầy giáo Hoàng Xuân Khóa đề xuất thay đổi thời gian năm học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tại thời điểm thực dân Pháp xâm lược nước ta, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu nên chỉ đô thị mới có điện, khu vực nông thôn không có.

Các trường học (trừ vài thành phố) không có điện thắp sáng, không có quạt mát. Vì vậy, người Pháp cho nghỉ hè 3 tháng vào thời kỳ nóng nhất ở nước ta.

Nhưng hiện nay, kinh tế nước ta phát triển, từ nông thôn tới thành thị đều có điện, các nhà trường được trang bị điều hòa nên học vào mùa đông hay mùa hè đều như nhau”, thầy Khóa nhấn mạnh.

Hơn nữa, thầy Khóa cho rằng, thời gian học tập 9 tháng cũng quá dài, quá nặng nề (trừ học sinh mầm non) khiến những học sinh yếu kém đến cuối năm học phải ôn tập lại kiến thức và thi lại là không hợp lý.

Rồi nghỉ hè 3 tháng là quá dài, không tốt cho việc học tập của học sinh, sinh viên, bởi nghỉ dài dẫn đến việc học sinh nhàm chán, quên kiến thức của năm học trước.

Thời gian để thực hiện chương trình học kỳ II tinh giản ra sao?
Thời gian để thực hiện chương trình học kỳ II tinh giản ra sao? 

Từ những lập luận trên, thầy Hoàng Xuân Khóa đề xuất nên thay đổi thời gian học tập trong năm học.

Cụ thể, học kỳ 1 nên bắt đầu từ ngày 1/3 và kết thúc học kỳ 1 vào ngày 15/7, sau đó học sinh, sinh viên được nghỉ hè 1 tháng.

Học kỳ 2 được bắt đầu từ ngày 15/8, bế giảng năm học vào ngày 31/12 và học sinh, sinh viên được nghỉ cuối năm 2 tháng.

Thời gian nghỉ 2 tháng là thời điểm để tổ chức thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng và thi lại trong năm học.

“Quá trình học 9 tháng bị ngắt quãng (nghỉ 1 tháng hè) giúp học sinh, sinh viên bớt căng thẳng.

Khi kết thúc học kỳ 1, học sinh được nghỉ 1 tháng là thời gian để những học sinh yếu kém có thời gian ôn tập, bổ sung kiến thức để bước vào học kỳ 2.

Trước khi bước vào học kỳ 2, các nhà trường cho những học sinh yếu, kém thi lại luôn thay vì đến cuối năm mới thi lại như hiện tại.

Đến hết học kỳ 2, những em nào không đạt yêu cầu, các nhà trường cho những em này tiếp tục thi lại”, thầy Khóa nhấn mạnh.

Thầy Khóa cho rằng, học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 nên đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ý tưởng thay đổi thời gian năm học (Ảnh: Lã Tiến)
Thầy Khóa cho rằng, học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 nên đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ý tưởng thay đổi thời gian năm học (Ảnh: Lã Tiến)

Tại sao lại chọn thời gian kết thúc năm học vào 31/12, thầy Khóa lý giải: “Cuối năm là thời điểm thời tiết thuận lợi, ít nắng gắt, ít mưa nên rất phù hợp để học sinh ôn thi tốt nghiệp thay vì phải ôn thi trong thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè.

Nếu thay đổi lịch, học sinh, sinh viên sẽ được nghỉ Tết trước cán bộ, công chức, viên chức và đi học trở lại sau khi mọi người đi làm.

Trong khi hàng năm, một số thành phố lớn phải đề xuất nhiều phương án giảm áp lực và giao thông trong dịp Tết.

Nếu thay đổi thời gian học thì đây cũng là một phương án để giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều đáng nói là, nhiều quốc gia Âu Mỹ có lịch học tương tự như đề xuất của thầy Khóa.

Đây cũng là thuận lợi giúp học sinh Việt Nam có điều kiện và nhu cầu đi du học thì rất phù hợp, đỡ lãng phí mất một học kỳ.

Thầy Khóa cho biết: “Hơn 10 năm trước, trong một số hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khoa học tâm lý- Giáo dục Việt Nam tổ chức, tôi và một số đồng nghiệp đã đề nghị Bộ Giáo dục đổi mới việc phân bố lại thời gian học và nghỉ của hệ thống giáo dục Việt Nam cho phù hợp với điều kiện mới.

Trong hội thảo, các đại biểu đều thấy cần phải điều chỉnh, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có điều kiện để thay đổi.

Nay nhờ nghỉ dài hạn vì dịch Covid-19 nên đây là thời điểm thích hợp để thực hiện ý tưởng này”.

Do đó, thầy Hoàng Xuân Khóa mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu đề xuất của thầy và đánh giá một cách khách quan, khoa học làm cơ sở để đề xuất Chính phủ thay đổi thời gian học trong năm.

LÃ TIẾN