Thầy cô vùng cao phản ánh sách mới khổ to, dễ bong gáy, mong được trợ giá SGK

12/06/2022 07:02
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương cho rằng nếu được trợ sách giáo khoa bà con nhân dân sẽ bớt tâm tư, yên tâm cho trẻ đến trường.

Vấn đề giá sách giáo khoa một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính sáng 8/6.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ về những giải pháp để giải quyết về vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua.

Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu rõ, hơn 2 năm trước, Bộ Tài chính được yêu cầu tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành.

"Tiền từ người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý. Như đại biểu Quỳnh Dao chia sẻ, đây là câu chuyện lâu rồi. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, phải được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.[1]

Nếu được trợ giá sách giáo khoa. Con đường đến trường của học sinh vùng cao bớt nhọc nhằn hơn. Ảnh: LC

Nếu được trợ giá sách giáo khoa. Con đường đến trường của học sinh vùng cao bớt nhọc nhằn hơn. Ảnh: LC

Bày tỏ ý kiến với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho rằng nếu được trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa như trên địa bàn huyện Nậm Pồ được thì tốt quá.

“Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, ngoài những địa bàn được hưởng theo nghị định 81 (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP) những địa bàn còn lại bà con cũng có nhiều tâm tư khi giá sách giáo khoa tăng cao.

Những năm trước, học sinh có thể tận dụng lại những sách giáo khoa cũ, huy động từ các nguồn, năm nay, học sinh lớp 3 và lớp 7 phải mua sách giáo khoa mới, giá có cao hơn nên một số địa bàn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều phản ánh của các thầy cô năm nay chất lượng sách giáo khoa chưa được ổn lắm.

Năm nay sách giáo khoa khổ to hơn, nặng hơn, nhưng độ bền không được như những năm trước. Nhiều thầy cô cho biết sách rất dễ bong gáy, điều này khác so với sách giáo khoa với những năm trước”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.

“Nếu giá sách giáo khoa hợp lý, học sinh những vùng mới đạt được nông thôn mới, vừa bị cắt chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ có điều kiện dễ dàng để tiếp cận với sách giáo khoa hơn. Khi sách đắt bà con cũng có thể vẫn mua được nhưng tâm tư và nhiều gia đình sẽ vất vả hơn”, thầy Ngô Xuân Chiến cho biết.

Thầy Tô Quang Trọng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần (Hà Giang) cũng cho rằng nếu được sách giáo khoa được trợ giá sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh vùng sâu, vùng xa như huyện Xín Mần.

“Với những trường được hưởng chính sách của nhà nước, học sinh cũng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, với các vùng không được hưởng chính sách thì sách tăng giá cũng sẽ khiến một phần phụ huynh học sinh lo lắng.

Nếu được trợ giá, sách giáo khoa không tăng cũng là điều kiện tốt để đảm bảo cho học sinh được đến trường tốt hơn”, thầy Trọng cho biết.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cũng lo lắng về sách giáo khoa mới:

“Những năm trước, sách giáo khoa không được làm bài trực tiếp vào sách, chỉ có sách bài tập là học sinh sẽ làm trực tiếp vào sách. Tuy nhiên, năm nay, một số môn sẽ làm trực tiếp vào sách giáo khoa sẽ gây ra lãng phí và không sử dụng lại được. Việc này đối với học sinh vùng cao rất lãng phí vì nhiều trường đều vận động học sinh dùng sách giữ gìn để để lại cho các em khóa sau học”, thầy Trọng bày tỏ.

Nói về chất lượng sách, thầy Trọng cũng cho rằng cũng có một số ý kiến về độ bền của sách giáo khoa, tuy nhiên, số phản ánh cũng chưa nhiều.

Nói thêm về việc có nhiều sách giáo khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần cho biết: “Việc có nhiều nhà xuất bản xuất bản sách giáo khoa cũng là vấn đề tốt, tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có một số xáo trộn về chất lượng, giá… khiến nhiều thầy cô phụ huynh lo lắng.

Theo tôi, có nhiều bộ sách cũng tốt, nhưng nên chỉ có một nhà xuất bản và được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát chất lượng sẽ tốt hơn”.

Thầy Phùng Ngọc Oanh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa thấy có phản ánh về sách giáo khoa mới giá tăng có gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh trên địa bàn huyện hay không.

Tuy nhiên, thầy Oanh cũng cho biết, nếu được trợ giá sách giáo khoa là sẽ là điều tốt.

Thầy Oanh cũng cho biết trên địa bàn huyện Ba Vì đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để học sinh học tập sách giáo khoa mới.

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/giao-duc/de-nghi-sach-giao-khoa-la-hang-hoa-dac-biet-co-tro-gia-cang-som-cang-tot-20220608113823085.htm

Trần Phương