Thầy cô, bạn bè nói gì về nam sinh giết bà lão vì 5000 đồng?

09/03/2012 06:29
Tuệ Minh
(GDVN) - “Nếu khi đó không có dao trong người thì liệu Sơn có cắt cổ bà lão không hay chỉ phản ứng lại bằng cách nhổ nước bọt…”
Các thầy cô và bạn bè nói gì về hung thủ cắt cổ bán bán tạp hóa?
Vậy là vụ án mạng dã man tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức, HN) xảy ra vào ngày 6/3 đã được phá và hung thủ lộ diện. Điều làm chúng tôi bất ngờ chính là độ tuổi cùng bộ mặt trông rất thư sinh của hung thủ gây án – Vũ Tiến Sơn (SN 1996, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức).

Sơn đang là học sinh lớp10 và chưa đầy 16 tuổi – độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nhìn gương mặt rất đỗi hiền lành ấy ít ai có thể ngờ được những hành vi mà Sơn gây ra lại dã man và gây hoang mang trong dư luận đến thế. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi tìm về ngôi trường mà Sơn đang theo học.

Vũ Tiến Sơn tại cơ quan công an huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội)
Vũ Tiến Sơn tại cơ quan công an huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội)

Gặp chúng tôi sau hai tiết dạy, thầy Chu Hưng Long – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Hoài Đức (HN) cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ khi biết hung thủ gây ra vụ án dã man ấy lại là học sinh trong trung tâm tôi”.
Rít điếu thuốc lá, nhìn đăm chiêu ra ngoài trời mưa, thầy Long chia sẻ: “Đặc thù của các học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên là lực học yếu và hạnh kiểm kém không vào được các trường THPT công lập thì mới vào Trung tâm GDTX”. 
“Ở trung tâm tôi, em Sơn học lớp Bổ túc (đa số học sinh ở lớp này có học lực và hạnh kiểm kém hơn các lớp phổ thông khác cùng trường) không có biểu hiện quậy phá. Ngay sau khi có thông tin Sơn là hung thủ trong vụ án mạng ngày 6/3, tôi đã trao đổi với các giáo viên bộ môn dạy Sơn.
Theo nhiều thầy cô, trước Tết, Sơn học bình thường. Nhưng sau Tết, có lẽ là do hội nhiều nên Sơn hay nghỉ học để đi chơi. Sáng ngày xảy ra vụ án, lớp Sơn chỉ có 4 tiết và khoảng 10h50 là đã tan học rồi”. Thầy Long cho biết.
Tranh thủ ít phút của giờ ra chơi, gặp chúng tôi trong phòng Hội đồng của Trung tâm, thầy giáo Phạm Đình Cường (Giáo viên chủ nhiệm của Đỗ Tiến Sơn) cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ về Sơn. Bình thường Sơn không có bất kỳ biểu hiện hỗn láo hay ngang ngược gì đối với mọi người xung quanh và cũng không có bất cứ một sự phàn nàn nào từ các thầy cô tham gia giảng dạy. 
Đó là một học sinh năng nổ của lớp. Học kỳ 1 (trước Tết), lực học của Sơn cũng như hạnh kiểm ở mức trung bình trong lớp. Tuy nhiên, sau tết, Sơn có dấu hiệu chểnh mảng vì hay nghỉ học để đi chơi hơn.

Ở đây, chúng tôi theo dõi chuyên cần rất sát sao. Cách đây 1 tuần khi Sơn nghỉ học không phép, tôi đã gọi điện đến gia đình hỏi lý do và nhận được câu trả lời là sẽ nhắc nhở cháu từ bố mẹ của Sơn”.
Là người học cùng lớp với Sơn, em Bùi Văn Biên (Lớp trưởng lớp Sơn đang theo học) vẫn chưa hết bất ngờ với thông tin Sơn chính là hung thủ giết bà chủ quán tạp hóa. Dù mới chỉ học với nhau có mấy tháng nhưng ấn tượng về người bạn cùng lớp này trong đầu Biên là một người năng nổ và trông rất thư sinh.

Nhớ lại sáng ngày xảy ra vụ án, em Biên cho biết: “Sơn vẫn đến trường bình thường những bỏ cặp trong lớp rồi ra khỏi công trường để đi chơi. Đến khi tan học lại vào lấy cặp ra về”.
Bài học giáo dục “đắt”
Rời khỏi trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoài Đức, có biết bao nhiêu các câu hỏi làm tôi suy tư: Sơn không phải là học sinh cá biệt, vậy tại sao Sơn lại có thể hành động một cách côn đồ chỉ vì 5000 đồng tiền kem như vậy?

Một học sinh trông thư sinh như vậy, tại sao lại có thể nhẫn tâm ra tay cướp đoạt đi mạng sống của người khác chỉ trong tích tắc? Điều gì đã khiến Sơn “xuống dốc” như vậy kể từ sau Tết?...
Để có thể có được lời giải đáp cho những câu hỏi trên, chúng tôi đã liên hệ với gia đình Vũ Tiến Sơn nhưng không có phản hồi. Vì lẽ đó, chúng tôi quyết định tìm đến chuyên gia xã hội học với hy vọng có thể tìm được phần nào đáp án cho những câu hỏi trên. 
Là người đã lên tiếng về vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện nên sau khi nghe trình bày của tôi, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) phân tích:

“Học sinh của Trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện có lực học cũng như hạnh kiểm kém hơn so với học sinh tại các trường phổ thông công lập khác. Đằng này, Sơn học trong lớp bổ tục – lớp có mặt bằng thấp nhất trong Trung tâm GDTX huyện Hoài Đức cho thấy Sơn cũng không phải là học sinh ngoan.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: ... trách nhiệm của gia đình Sơn là không nhỏ (ảnh: Việt Dũng)
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình: ... trách nhiệm của gia đình Sơn là không nhỏ (ảnh: Việt Dũng)

Và điều này cũng cho thấy được việc Sơn không được sự quan tâm từ gia đình. Bằng chứng là lực học của Sơn rất thấp và hay nghỉ học để đi chơi như vậy nhưng gia đình Sơn vẫn chưa có một cách quản lý con hiệu quả hơn. Thậm chí còn có phần lơ là, không quan tâm đến con khi để Sơn “trượt dốc” sau tết.
Từ việc Sơn mang dao đi đánh nhau và sau đó dùng chính con dao đó để cắt cổ bà lão bán hàng tạp hóa cho thấy: Nếu khi đó không có dao trong người thì liệu Sơn có cắt cổ bà lão không hay chỉ phản ứng lại bằng cách nhổ nước bọt hay một câu chửi thề nào đó khi bị “bóc mẽ” vì ăn kem không trả tiền. Theo tôi, trong thời gian tới, các hành vi mang hung khí trong người cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.
Các cụ có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Việc Sơn chơi với những người bạn hư hỏng cũng có ảnh hưởng nhất định đến nhân cách theo chiều hướng xấu đi. Mà như phóng viên nói thì người bạn hay đi học cùng Sơn là một học sinh cá biệt, nay đã nghỉ học thì tôi nghĩ ảnh hưởng từ người bạn kia của Sơn đến Sơn là không nhỏ.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với quá nhiều hình ảnh, game bạo lực, các thông tin về các vụ giết người được báo chí đăng tải quá nhiều trong thời gian qua cũng có ảnh hưởng xấu nhất định đến Sơn. Theo tôi, do trong đầu Sơn đã có những hình ảnh về giết người một cách dã man rồi nên khi rơi vào trong 1 hoàn cảnh dặc biệt nào đó cần phải ứng xử một cách ngay tức khắc thì những hình ảnh kia lại hiện về và chi phối hành động sau đó.
Tóm lại, vụ việc xảy ra cho thấy trách nhiệm của gia đình Sơn là không nhỏ.

Đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh chớ vì mải lo làm ăn mà quên đi việc giáo dục con cái mình nhất là khi các em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách một cách mạnh mẽ và “chập chững” những bước đi vào đời với rất nhiều cạm bẫy xung quanh. Đừng tưởng quan tâm đến con cái chỉ là “vứt” cho con một nắm tiền là chúng có thể tự phát triển được…


Điểm nóng:
TP.HCM: Sắp thí điểm lệch giờ học TP HCM: Kho hàng 1.500m2 bị thiêu rụi, hàng chục tỷ đồng "bốc hơi"
Phú Yên: Con gái "báo hiếu" mẹ già bằng thuốc trừ sâu trộn chất thải Điều chỉnh vị trí sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Nữ sinh mất tích, gia đình bị "dội bom" tin sex Vụ đại gia “nước đá” trả dâu ở Cần Thơ: Sóng gió đã qua
Chồng Hàn Quốc bóp cổ chết cô dâu Việt vì bất đồng ngôn ngữ? Dư luận Hà Nội từng “ăn quả đắng” vì lời đồn “bệnh viện âm hồn” (kỳ 2)

Tuệ Minh