Thành phố Vĩnh Yên, 120 năm xây dựng và phát triển

30/12/2019 06:21
Quế Chi
(GDVN) - Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, với diện tích 5080,21 ha, dân số trên 15 vạn người.

Đô thị Vĩnh Yên đến nay vừa tròn 120 năm (1899-2019), theo dòng lịch sử, Vĩnh Yên là vùng đất nổi tiếng với những chiến công trong chống giặc ngoại xâm và những thành tựu trong xây dựng quê hương, đất nước.

Ngay từ thời Hùng vương, người dân Vĩnh Yên đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ bờ cõi, đến thời phong kiến có 7 anh em họ Lỗ đã có công giúp nhà Trần trong cuộc kháng chiến đánh thắng quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Ngày nay nhân dân Vĩnh Yên vẫn tôn thờ và ghi nhớ công lao của 7 anh em họ Lỗ ở miếu Đậu và một số đình, chùa khác trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, với diện tích 5080,21 ha, dân số trên 15 vạn người, có 9 đơn vị hành chính gồm 7 phường và 2 xã.

Toàn Đảng bộ có 38 chi, đảng bộ trực thuộc với gần 6000 đảng viên.

Ngày 29/12/1899 Vĩnh Yên được thành lập là trung tâm tỉnh lỵ, từ tháng 3/1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX về việc chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Vĩnh Yên trở lại là trung tâm của Vĩnh Phúc từ ngày 1/1/1997.

Vĩnh Yên là một trong những nơi có phong trào cách mạng sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.

Một góc thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)
Một góc thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)

Ngay từ cuối năm 1928 đã có thanh niên học sinh Vũ Duy Cương, người Vĩnh Yên học ở Hà Nội tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, khi về nghỉ hè đã tuyên truyền cách mạng trong thanh niên, học sinh ở Vĩnh Yên và tổ chức thành đội bóng đá khoảng 20 người.

Tháng 4/1930 Thành uỷ Hà Nội cử 2 đồng chí Vũ Duy Cương và Phan Văn Cương là 2 đảng viên cộng sản về gây dựng cơ sở và hoạt động, đồng thời tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở Vĩnh Yên, đã thành lập được tổ chức cách mạng đầu tiên ở Vĩnh Yên lúc đầu có trên 10 người lấy tên là “Sinh hội đỏ”, tổ chức này đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng như rải truyền đơn, treo cờ búa liềm trên cây đa đỉnh Dốc Láp và đầu phố Vĩnh Thịnh...

Những năm 1936-1939, nhiều tổ chức cách mạng của quần chúng hợp pháp, công khai được thành lập trong thời kỳ mặt trận dân chủ như Hội ái hữu, hội tương tế, Hội học võ, bóng đá, Hội học chữ quốc ngữ, Hội ngụ cư ái hữu...lần lượt ra đời trong các làng, xóm, ngõ, phố của Vĩnh Yên.

Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm
Vĩnh Phúc “tuýt còi” dạy thêm, học thêm

Để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thị xã, Ban cán sự Đảng tỉnh đã thành lập ở Thị xã một Ban cán sự Đảng vào tháng 4/1941 gồm 3 đồng chí do đồng chí Đỗ Đạc làm Bí thư, Ban cán sự được thành lập đánh dấu một mốc lịch sử cho sự ra đời của cấp ủy Thị xã.

Từ năm 1940 trở đi phong trào cách mạng diễn ra liên tục rộng khắp. Đến tháng 6/1945 phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở Tích Sơn, Khai Quang, Định Trung, Thanh Trù, Đồng Tâm, Hội Hợp… không khí chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền sục sôi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Yên đã kiên trì, anh dũng chiến đấu chống bọn phản động và sau đó giành được chính quyền về tay nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Vĩnh Yên đã tích cực tham gia các phong trào như: Tiêu thổ kháng chiến, xây dựng làng kháng chiến.

Đặc biệt từ tháng 12/1950 đến tháng 1/1951 quân dân Vĩnh Yên đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, vang dội nhất, đó là trận đánh núi Đinh và phục kích quân Pháp ở xã Hạnh Phúc (nay là phường Khai Quang) đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam như những trận thắng điển hình.

Bên cạnh đó, nhân dân Vĩnh Yên còn tích cực tăng gia sản xuất, giải quyết nạn đói, quyên góp tiền, vàng ủng hộ kháng chiến, xoá nạn mù chữ, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng...

Trong cuộc kháng chiến này, quân và dân Vĩnh Yên đã đánh địch trên 30 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận đánh nổi tiếng đi vào lịch sử quân sự.

Với những thành tích trong chiến đấu chống thực dân Pháp, Thị xã Vĩnh Yên và 3 đơn vị: xã Định Trung, xã Thanh Trù, phường Khai Quang đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2001.

Trong giai đoạn từ năm 1954 – 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Yên tập trung cao cho nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chiến đấu chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà.

Lúc này, Vĩnh Yên là mục tiêu đánh phá ác liệt của các loại máy bay Mỹ, hầu hết các cơ sở kinh tế, đường giao thông bị đánh phá nghiêm trọng.

Song dưới sự lãnh đạo của đảng bộ chính quyền, nhân dân Vĩnh Yên đã hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Thành phố Vĩnh Yên ngày nay
Thành phố Vĩnh Yên ngày nay

Vĩnh Yên đã cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền nam thống nhất đất nước. 

Từ năm 1975 đến nay nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và sau ngày 01/01/1997 Vĩnh Yên được trở lại là trung tâm tỉnh lỵ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Yên ra sức thi đua, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quyết tâm xây dựng Thành phố như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc” khi Người về thăm, nói chuyện với hơn 16000 nhân dân, cán bộ, chiến sỹ tại Đồi Cao phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 02/3/1963.

Trải qua các kỳ Đại hội, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, Đảng bộ luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương của Trung ương và của tỉnh lãnh chỉ đạo tập trung phát huy tốt nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực và động viên các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng Vĩnh Yên ngày càng phát triển.

Từ khi trở thành thành phố (năm 2006 đến nay) mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Yên đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.

Kinh tế có bước phát triển toàn diện, tốc tộ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, bộ máy chính quyền từ thành phố đến cơ sở được củng cố trên cơ sở tích cực cải cách hành chính do đó hoạt động có hiệu lực, hiệu quả từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới..

120 năm xây dựng và trưởng thành, Vĩnh Yên đã và đang đạt được những thành tựu vô cùng to lớn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh và cả nước.

Phát huy truyền thống anh hùng và những thành tựu hơn một thế kỷ qua, Vĩnh Yên hôm nay sẽ tiếp tục khởi sắc và chuyển mình mạnh mẽ hơn trên con đường đổi mới công nghiệp hoá- hiện đại hoá của Đảng, xây dựng thành phố giàu đẹp, phồn vinh.

Quế Chi