Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam 10 năm nhìn lại

14/05/2021 07:18
Ban Biên tập
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một thập kỷ hình thành và phát triển, Giáo dục Việt Nam đã trở nên thân thuộc với bạn đọc quan tâm đến giáo dục - đào tạo bằng tôn chỉ “Thông tin vì sự tiến bộ".

10 năm với một đời người tuy chưa phải là dài, nhưng cũng là một quãng thời gian đủ để tạo ra những thay đổi, phát triển vượt bậc.

Với một tờ báo, một thập kỷ sẽ nhanh chóng qua đi mà không để lại dấu ấn nào đáng kể trong lòng bạn đọc nếu tờ báo đó không tìm cho mình một hướng đi, một bản sắc riêng, một phân khúc bạn đọc trung thành và ổn định.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, đã kịp trở thành một diễn đàn thân thuộc không thể thiếu được của các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các đại biểu Quốc hội, chính khách, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư quan tâm đến giáo dục và đào tạo.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tới thăm và chúc mừng Tòa soạn, ảnh tư liệu.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tới thăm và chúc mừng Tòa soạn, ảnh tư liệu.

Một thập kỷ hình thành và phát triển, Giáo dục Việt Nam đã trở nên thân thuộc với bạn đọc quan tâm đến giáo dục - đào tạo bằng tôn chỉ xuyên suốt “Thông tin vì sự tiến bộ”.

Truy cập www.giaoduc.net.vn đã trở thành thói quen của nhiều độc giả, bởi ở đây bạn đọc không chỉ tìm thấy các thông tin cập nhật đa dạng phản ánh hơi thở đời sống giáo dục nước nhà, mà quan trọng hơn là sẽ tìm được nhiều thông tin bổ ích, góc nhìn đa chiều.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam thường xuyên có các bài phân tích sâu sắc của các chuyên gia, kinh nghiệm thực tiễn của các thầy cô giáo để góp tiếng nói phản biện, đề xuất giải pháp đổi mới cơ chế chính sách, các văn bản luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trực tiếp tác động dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức, hành động và chính sách, qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cơ duyên

Ý tưởng cần có một tờ báo chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, là diễn đàn phân tích, phản biện và góp ý xây dựng chính sách thúc đẩy đổi mới giáo dục đã được Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quý thầy lãnh đạo đặt ra từ khi thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, nay là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ngày 20/2/2019, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đến thăm và làm việc với Ban biên tập và tập thể phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Ngày 20/2/2019, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đến thăm và làm việc với Ban biên tập và tập thể phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia lão thành luôn đau đáu trăn trở với vận mệnh nước nhà, Quý thầy trong Thường trực Hiệp hội có rất nhiều điều tâm huyết muốn góp ý, muốn tham gia, muốn góp một phần sức lực và trí tuệ vào đổi mới giáo dục, nhưng việc lập một tờ báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Hiệp hội, tổ chức bộ máy, duy trì hoạt động... lại là một việc rất mới với Quý thầy.

Ngoài chuyện chuyên môn báo chí, thì nguồn tài chính đảm bảo cho tờ báo tồn tại và phát triển cũng là một thách thức chưa có lời giải.

Cơ duyên này đã đưa Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, một nhà báo trẻ năng động đến với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi anh được Hiệp hội mời xây dựng đề án thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội.

Xuất phát từ sự nể phục đối với Giáo sư Trần Hồng Quân cũng như Quý thầy Thường trực Hiệp hội, hiểu được tâm tư mong muốn của Quý thầy, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình đã bắt tay vào xây dựng đề án thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Về mặt định hướng nội dung, Báo bám sát vào các chủ trương lớn của Thường trực Hiệp hội, về mặt tổ chức và hoạt động, Báo được Hiệp hội giao toàn quyền tự chủ và chủ động trong xây dựng bộ máy, tổ chức hoạt động, đường hướng phát triển.

Nhìn thấy trước tương lai phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và xu hướng thoái trào không thể khác của báo in do thành tựu của khoa học công nghệ, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình đề nghị chỉ thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mà không xin thành lập báo in.

Lãnh đạo Hiệp hội đã hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý cần thiết để tiến hành thành lập báo.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của Hiệp hội và Nhà báo Nguyễn Tiến Bình, ngày 17/05/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp cấp giấy phép hoạt động báo điện tử số 748/GP-BTTTT. Niềm vui vỡ òa, một hành trình mới bắt đầu.

Bước ngoặt

Ngay từ những ngày đầu tiên, giống như hầu hết các báo điện tử thời kỳ đó, bên cạnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cập nhật thường xuyên mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, thời sự trong nước và quốc tế.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, hoạt động năng động trên nhiều lĩnh vực, dần dần xây dựng được những tuyến đề tài hay, bám sát những sự kiện lớn được dư luận xã hội quan tâm.

Khi nổ ra sự kiện người nông dân Đoàn Văn Vươn, Báo đã có hơn 300 bài viết, phỏng vấn các chính khách, tướng lĩnh, các nhà quản lý, các chuyên gia để góp phần làm rõ các vấn đề thuộc cơ chế chính sách, góp phần cùng các cơ quan chức năng định hướng dư luận, ổn định tình hình.

Có thể nói, Báo đã gây được tiếng vang cũng như dấu ấn ban đầu trong lòng bạn đọc.

Đồng thời, Giáo dục Việt Nam cũng đã trở thành một kênh thông tin tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông cũng như trong quan hệ quốc tế rất được bạn đọc đón nhận.

Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Bình thưởng nóng cho các phóng viên xuất sắc trong một cuộc giao ban tuần năm 2012 để động viên cán bộ, phóng viên có nhiều bài viết hay. Ảnh: Xuân Trung

Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Bình thưởng nóng cho các phóng viên xuất sắc trong một cuộc giao ban tuần năm 2012 để động viên cán bộ, phóng viên có nhiều bài viết hay. Ảnh: Xuân Trung

Trong lúc phát triển nóng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và nhân viên hành chính tại Tòa soạn có lúc lên đến 68-70 người, thì Ban biên tập Báo may mắn được tham dự một khóa đào tạo về quản lý báo chí tại Thụy Điển.

Ở đất nước Thụy Điển mặc dù chỉ có khoảng 9 triệu dân nhưng có khoảng 420 tờ báo và tạp chí, tờ nào cũng là số 1 trong phân khúc của mình, và đặc biệt đội ngũ nhân sự của các tờ báo Thụy Điển rất gọn nhẹ và làm việc hiệu quả.

Một tạp chí về ô tô cổ chỉ có 2 - 3 người làm việc, nhưng tất cả những ai quan tâm đến ô tô cổ và phụ kiện, người ta chỉ tìm đọc tờ báo này.

Giáo dục Việt Nam không chỉ là một tờ báo, mà còn là một cái nôi đào tạo nghiệp vụ bằng thực tiễn, nơi giúp cho nhiều phóng viên, nhà báo rèn luyện và trưởng thành. Ảnh tư liệu.

Giáo dục Việt Nam không chỉ là một tờ báo, mà còn là một cái nôi đào tạo nghiệp vụ bằng thực tiễn, nơi giúp cho nhiều phóng viên, nhà báo rèn luyện và trưởng thành. Ảnh tư liệu.

Chuyến đi đã thực sự gây chấn động đối với Nhà báo trẻ. Trong khi nhiều tờ báo vẫn đang chạy theo lượng đọc (view), thì chuyên gia Thụy Điển đã đặt câu hỏi với các nhà báo Việt Nam tham dự khóa học về đối tượng bạn đọc của tờ báo mình quản lý là ai, mục tiêu tờ báo hướng tới là gì.

Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Bình đã biến những bất ngờ, bỡ ngỡ ban đầu khi tìm hiểu về nền báo chí Thụy Điển thành cơ hội để cải tổ, đổi mới tờ báo.

Bên cạnh hoạt động báo chí, từ thiện luôn là lĩnh vực Tòa soạn quan tâm để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở Lớp học Hy vọng ngay trong bệnh viện để thắp sáng ước mơ, xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân nhi. Ảnh: Đình Mạnh.

Bên cạnh hoạt động báo chí, từ thiện luôn là lĩnh vực Tòa soạn quan tâm để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng Bệnh viện Nhi Trung ương đã mở Lớp học Hy vọng ngay trong bệnh viện để thắp sáng ước mơ, xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân nhi. Ảnh: Đình Mạnh.

Chuyển mình

Nhiều đồng nghiệp khác khi tham dự khóa học xong lại quay trở về với công việc thường nhật, với tư duy quen thuộc, báo chí là tin tức, thước đo hiệu quả là lượng đọc, nhưng Nhà báo Nguyễn Tiến Bình thì không. Anh bắt tay ngay vào việc hoạch định lại chiến lược phát triển tờ báo cũng như kế hoạch cải tổ.

Cái mới, cái tiến bộ, cái chưa từng có không bao giờ đến một cách dễ dàng, ngay từ nhận thức của anh em cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Các báo có chuyên mục Thể thao, Quốc tế, Văn hóa (giải trí - showbiz)... thì Giáo dục Việt Nam cũng không thể không có.

Từ khi thành lập cho đến khi đã có tiếng nói, có dấu ấn trong lòng bạn đọc, những chuyên mục như vậy đã mang về cho Báo rất nhiều “view”. Tranh luận về hướng đi của tờ báo ngày một mạnh mẽ, sôi nổi.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cùng Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ là hai chuyên gia thân thiết cộng tác thường xuyên với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến thăm Tòa soạn đầu xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh tư liệu.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cùng Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ là hai chuyên gia thân thiết cộng tác thường xuyên với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến thăm Tòa soạn đầu xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh tư liệu.

Cuối cùng, người chèo lái con thuyền Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã xác quyết mục tiêu trở thành tờ báo hàng đầu về giáo dục với các trụ cột - phân tích và phản biện chính sách giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; đấu tranh với các biểu hiện sai trái, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.

Đối tượng mà Báo phải hướng đến, là các nhà giáo, các nhà quản lý và hoạch định chính sách về giáo dục, các nhà trường, các nhà đầu tư giáo dục...

Mục tiêu mà Báo cần thực hiện là hướng tới sự thay đổi trong nhận thức và hành động để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

Với đối tượng phục vụ, mục đích hoạt động rõ ràng như vậy nên không có lý do để duy trì sự tồn tại của các chuyên mục đã hết sứ mệnh lịch sử của nó, vì kéo dài sẽ là lực cản cho sự tồn tại, phát triển của Giáo dục Việt Nam.

Chưa kể thực tế mạng xã hội đã phát triển và trở thành đối thủ đáng gờm của tất cả các tờ báo chuyên đưa tin tức...

Rất nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng... Nhưng cuối cùng, thực tế đã chứng minh tầm nhìn của người đứng đầu Tòa soạn là chính xác. Báo tiếp tục đứng vững, phát triển.

Giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi, chuyển mình để thích nghi, để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà.

Hội thảo, tọa đàm góp ý xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết các vấn đề nóng đặt ra trong thực tiễn đời sống giáo dục đã trở thành hoạt động chuyên đề, thường xuyên và mang bản sắc Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Hội thảo, tọa đàm góp ý xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết các vấn đề nóng đặt ra trong thực tiễn đời sống giáo dục đã trở thành hoạt động chuyên đề, thường xuyên và mang bản sắc Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Cũng trên www.giaoduc.net.vn, bạn đọc đã tìm được những bài viết sâu sắc, phân tích, phản biện mổ xẻ trực diện những bất cập của giáo dục nước nhà và tiếp đó là nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra từ chính các chuyên gia, các nhà quản lý và nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước.

Từ các tuyến bài góp ý về Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học, mô hình Trường học mới VNEN, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, giáo viên hợp đồng... cho đến việc trực tiếp tham gia phản biện, góp ý xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, Luật Giáo dục 2019 và các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn... có thể nói Giáo dục Việt Nam đã xây dựng được một vị thế rất vững chắc trong lòng bạn đọc, trong “thị trường ngách” mà mình đã chọn, chính là giáo dục.

Chăm lo đời sống, đảm bảo phúc lợi cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên gia và cộng tác viên luôn được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quan tâm. Ảnh tư liệu kỳ nghỉ mát của Tòa soạn năm 2017.

Chăm lo đời sống, đảm bảo phúc lợi cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên gia và cộng tác viên luôn được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quan tâm. Ảnh tư liệu kỳ nghỉ mát của Tòa soạn năm 2017.

Thực hiện Quy hoạch báo chí, ngày 01/04/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã ra Quyết định số 272/QĐ-HH thành lập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi từ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cũng đã có những băn khoăn, lo lắng rằng khi chuyển từ “báo” sang “tạp chí” liệu có trụ vững và phát triển?.

Đó là những tâm tư có thực của những người làm báo ở hơn 20 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Với Giáo dục Việt Nam, vốn đã xác định mục tiêu và tự “tái quy hoạch” từ đầu, nên đã nhanh chóng chuyển mình và thích ứng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn là kênh thông tin vì sự tiến bộ trong giáo dục được các nhà trường, các nhà giáo và những ai quan tâm đến giáo dục truy cập mỗi ngày.

Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 18/5 tạm hoãn và sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp. Ban Biên tập trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn qua các thời kỳ, đồng thời Tòa soạn cũng xin được bày tỏ niềm tri ân đặc biệt với tình cảm yêu mến, ủng hộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cộng tác viên và quý bạn đọc gần xa. Giáo dục Việt Nam mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, góp ý để chúng tôi phục vụ độc giả ngày một tốt hơn. Trân trọng!

Ban Biên tập