Tại sao cán bộ, phụ huynh có con được nâng điểm tại Hà Giang chưa bị xử lý?

10/09/2019 11:41
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong khi 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ, Đảng viên vi phạm trong vụ nâng điểm năm 2018 thì tỉnh Hà Giang vẫn im hơi lặng tiếng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang – Nguyễn Văn Sơn từng có những phát ngôn mạnh mẽ liên quan đến vụ gian lận điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, Đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018 với tinh thần không có vùng cấm”.

Nếu ngành giáo dục không xử lý được cán bộ vi phạm thi cử, nói còn ai nghe?
Nếu ngành giáo dục không xử lý được cán bộ vi phạm thi cử, nói còn ai nghe?

Tuy nhiên, trái với phát ngôn mạnh mẽ của ông Sơn, đến nay, trong số các tỉnh xảy ra bê bối nâng điểm thi năm 2018, Hà Giang là địa phương duy nhất chưa xử lý phụ huynh của 107 thí sinh được nâng điểm.

Trong khi, hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình đã công bố danh sách những phụ huynh tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ, Đảng viên vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương thì tại Hà Giang đến nay chỉ có duy nhất hai cái tên được nhắc đến có con được can thiệp điểm thi là ông Phạm Văn Khuông – Nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang và ông Triệu Tài Vinh – Nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Mới đây, ngày 12/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ngoài việc Ủy ban Ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu các cán bộ có con em nằm trong danh sách sửa điểm thi phải làm giải trình để làm rõ trách nhiệm (có hay không sự can thiệp vào việc sửa điểm của người thân) thì tỉnh Hà Giang vẫn “bặt vô âm tín” chưa có bất cứ động thái quyết liệt nào xử lý vấn đề này.

Dư luận mong chờ xử lý vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Dư luận mong chờ xử lý vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang (Ảnh:giaoduc.net.vn)

Theo Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình, hành vi gian lận điểm tại Hà Giang chẳng khác nào thách thức xã hội: 

“Những hành vi gian lận như thế này là sự thách thức đối với toàn xã hội. Trước đây có nhiều trường hợp bị phát hiện nâng 2 – 3 điểm. Người ta nâng điểm như thế nhưng còn biết nghĩ đến hậu quả. 

Còn đây là nâng quá mức tưởng tượng. Hành vi này xuất phát trực tiếp từ ham muốn bằng mọi giá phải có được bằng cấp nhưng sâu xa đó chính là thói giả dối đã ngấm sâu vào máu.

Vụ việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như chất lượng của ngành giáo dục”.

Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan, không có vùng cấm:

“Vụ việc này không nên chỉ dừng lại ở việc bóc tách đường dây gian lận điểm mà sâu xa hơn cần thiết phải nghiêm trị để lấy lại lòng tin cho xã hội.

Nếu không xử lý thì sẽ không có sự công bằng. Để có được sự công bằng cho ngành giáo dục, cho các thí sinh bị cướp đi cơ hội vào Đại học, tôi cho rằng phải phải làm đến cùng, xử lý đến cùng.

Đến thời điểm này xã hội chắc cũng sẽ không buông tha nếu như không xử lý nghiêm minh vì lòng tin của dư luận đã mất đi không thể lấy lại được”.

Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: Phụ huynh không thể vô can, không biết việc con mình được nâng điểm.

Thầy Dong nói: “Chạy điểm với mức giá cao và liều lĩnh như vậy chỉ người có tiền mới làm được.

Cho nên phải xử lý nghiêm minh, phạt những kẻ chủ mưu, những người có quyền lợi dụng điều đó để làm bậy.

Phụ huynh không thể vô trách nhiệm nói rằng không biết. Giả sử anh không biết thì có thể vợ anh nhờ, lính của anh nhờ nâng điểm. Anh không thể chối hết trách nhiệm được”.

Chuyên gia đề nghị xử lý nghiêm minh vụ nâng điểm ở Hà Giang để răn đe, làm gương cho tỉnh khác (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Chuyên gia đề nghị xử lý nghiêm minh vụ nâng điểm ở Hà Giang để răn đe, làm gương cho tỉnh khác (Ảnh:giaoduc.net.vn)

Giáo sư Phạm Tất Dong cũng đề nghị phải xử lý hẳn hoi, xử lý nghiêm minh: “Ai có tội, người nào hối lộ, người nào nhận hối lộ phải công khai danh tính như thế mới công bằng và minh bạch.

Nếu sự việc này mà xử lý nương tay là chết. Do vậy cần phải làm mạnh, làm quyết liệt, không do dự, làm công khai, làm minh bạch.

Theo tôi nếu xử thì tội nặng nhất là của những người chủ mưu. Ông nào chủ mưu thì ông đó phải chịu trách nhiệm cao nhất như thế mới nghiêm.

Nếu chúng ta chỉ xử những người thấp cổ bé họng, xử quá nặng mà lại bỏ qua những người chủ mưu có chức vụ cao thì như vậy dân không phục.

Nếu anh là Đảng viên thì phải khai trừ ra khỏi Đảng sau đó mới xử lý về mặt pháp luật.

Trưởng phòng, hiệu trưởng, phó giám đốc, phó phòng....nếu sai cách chức luôn.

Đối với các giáo viên làm sai đến đâu xử phạt đến đấy nhưng quan trọng là phải xử lý những người có chức quyền mà còn làm bậy. Bởi với chức quyền của họ mà họ tiếp tục làm bậy thì còn chết nữa”.

Tiếng lòng của phụ huynh tỉnh Hà Giang
Tiếng lòng của phụ huynh tỉnh Hà Giang

Qua những lời phát biểu của các chuyên gia giáo dục, có thể hiểu được phần nào sự phẫn nộ của dư luận xã hội.

Ngay tại Hà Giang, dư luận tỉnh và đặc biệt là những người công tác trong ngành giáo dụ cũng đề nghị xử lý nghiêm minh phụ huynh có con được nâng điểm.

Thầy giáo, B.V.H (Hà Giang) nói: “Hơn 1 năm nay kể từ ngày phát hiện ra vụ việc nâng điểm ở Hà Giang. Dư luận tỉnh nhà và ngành giáo dục rất bức xúc. 

Vụ việc này ảnh hưởng đến bộ mặt chung của giáo dục Hà Giang, cướp đi quyền lợi chính đáng của nhiều học sinh.

Chúng tôi cũng mong muốn Tỉnh ủy xử lý các cán bộ, Đảng viên sai phạm để làm gương như Sơn La, Hòa Bình”.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Minh Long, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Trong trường hợp thí sinh biết bố mẹ mình đưa hối lộ để nâng điểm, cùng bàn bạc và tham gia vào quá trình trên có thể sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.

Việc khởi tố không chỉ dừng lại ở những người trực tiếp sửa điểm mà còn phải làm rõ cả những người hối lộ để sửa điểm, người được hưởng lợi trực tiếp từ việc sửa điểm.

Dư luận yêu cầu xử lý cán bộ, Đảng viên sai phạm trong vụ nâng điểm tại Hà Giang (Ảnh:V.N)
Dư luận yêu cầu xử lý cán bộ, Đảng viên sai phạm trong vụ nâng điểm tại Hà Giang (Ảnh:V.N)

Luật sư Nguyễn Minh Long nói: “Năm 2018, việc gian lận điểm thi nghiêm trọng khiến nhiều cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Tuy nhiên, việc các cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét đến trách nhiệm của các vị phụ huynh có con được nâng điểm khiến cho việc xử lý tiêu cực trong ngành giáo dục chưa được triệt để và có nhiều khả năng bỏ lọt tội phạm.

Nếu cơ quan điều tra làm rõ có việc các phụ huynh đưa hoặc sẽ đưa bất kỳ lợi ích nào cho cán bộ có quyền hạn để thực hiện gian lận điểm thi thì hành vi của những phụ huynh này có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình sự”.

Như vậy có thể thấy đã có đủ chế tài xử lý đối với vụ việc gian lận điểm thi tại Hà Giang. 

Dư luận đồng thuận: Tỉnh Hà Giang cần có những động thái tích cực, quyết liệt để xã hội thấy rằng tỉnh đang nỗ lực xử lý theo đúng tinh thần “không có vùng cấm” như lãnh đạo Tỉnh phát biểu chứ không phải là sự im lặng đến kỳ lạ như hiện nay.

Vũ Ninh