Tài đến mấy mà không được trọng dụng thì cũng vứt

29/07/2019 06:39
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Nếu tài cấy mà cho sang tài cày thì học tài mấy cũng không làm tốt được”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chia sẻ quan điểm về việc sử dụng nhân tài.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có 2 điểm nghẽn lớn hiện nay trong vấn đề thu hút, sử dụng nhân tài ở khu vực công. Đó là nhận thức thế nào là nhân tài và sử dụng nhân tài.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet

“Thế nào là nhân tài?. Theo tôi đầu tiên phải hiểu tài là thế nào. Rõ ràng, tài học hành và tài làm việc là khác nhau.

Chúng ta mới đang thiên về tài học hành. Tức là nhận ra người tài qua bằng cấp, bằng bằng cấp.

Như vừa qua chúng ta có các chính sách thu hút, trọng dụng những người là thủ khoa xuất sắc, các hay nhà khoa học…vào khu vực công làm việc.

Những người là tiến sĩ, thậm chí hơn cả tiến sĩ đi nữa đó mới là tài về học hành.

Ở đây, chúng ta nói về những người học giỏi thật, bằng cấp thật nhưng đó mới chỉ là học tài”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh.

Theo ông, đúng là học tài phải khuyến khích sử dụng. Những người học tài làm việc thực tế trong bộ máy, các cơ quan, đơn vị Nhà nước chắc chắn họ phát huy được tài ngay lập tức trong làm việc khi được giao đúng chuyên môn.

“Tuy nhiên, nếu những người học tài mà cho làm quan chức ngay thì chưa tài được đâu.

Có những người chưa làm công chức, viên chức ngày nào mà bổ nhiệm luôn trưởng phòng hay vụ phó, vụ trưởng thì theo tôi là sai ngay trong nhận thức về người tài.

Điều này làm nảy sinh chuyện một tiến sĩ khoa học giỏi nhưng lại là một nhà quản lý tồi.

Người ta tài trong học hành nhưng chưa biết là có tài hay không trong quản lý, hoạt động thực tiễn. Vì vậy phải có thời gian, tạo điều kiện cho người học tài thể hiện.

Tôi tin rằng phần lớn người đã có tài trong học hành thì sẽ có tài khi làm việc ở đúng vị trí chuyên môn như được đào tạo”, Tiến sĩ Chức nêu quan điểm.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Phải đúng ngành nghề, đúng chuyên môn. Nếu tài cấy mà cho sang tài cày thì học tài mấy cũng không làm tốt được”.

Vấn đề này liên quan đến chuyện sử dụng nhân tài. Lâu nay, chúng ta thu hút nhân tài bằng căn hộ, lương, tuyển đặc cách, thậm chí bổ nhiệm có cấp bậc luôn. Chúng ta gọi đó là trọng dụng nhân tài.

Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài
Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài

“Đã là tài thực thường đi liền với đức thì người ta lại không xem đó là điều quan trọng nhất.

Theo tôi cái quan nhất là người tài được trọng dụng.

Trọng dụng bằng lương tiền, căn hộ, cấp bậc chỉ là một phần của trọng dụng, trọng dụng còn là lắng nghe ý kiến khác lạ, tài của người ta. Trọng dụng các sáng kiến của họ, cho phép áp dụng vào thực tiễn.

Có thể có cái thành công và không thành công. Nếu thành công thì là xuất sắc. Đấy gọi là sử dụng nhân tài đúng.

Phải nhận thức rõ thế nào là tài, sử dụng nhân tài cho đúng. Làm được 2 điều này mới gỡ điểm nghẽn về chuyện sử dụng, bồi dưỡng, phát triển người tài vào khu vực công.

Nếu các chính sách như cũ tôi e rằng người tài rồi cũng chạy đi”, Tiến sĩ Chức bày tỏ băn khoăn.

Ông cho rằng, người tài cũng phải sống trong một xã hội bình thường, sống như những người bình thường khác.

Người tài đích thực rất thích sống được bình thường như tất cả mọi người và công hiến những điều xuất sắc cho xã hội. Đó là người tài đích thực. Còn nhân tài dởm thì thường khoa trương, hô hào ầm ĩ.

“Chúng ta đôi khi là người chưa tài đo bụng người tài để ứng xử thì rất khó chính xác.

Vì vậy, cá nhân tôi mong rằng, sắp tới các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ có những đột phá để khu vực công sẽ có nhiều cán bộ giỏi vì dân, vì nước làm được nhiều điều xuất sắc”, ông nói.

Đỗ Thơm