Sỹ diện nước lớn, TQ từ chối thiện chí, chỉ huy diễn tập của Nhật Bản

26/07/2014 09:43
Việt Dũng
(GDVN) - Học giả Trung Quốc tiếp tục viết bài tuyên truyền để khẳng định Trung Quốc là "nước lớn", có thái độ cực đoan trong cuộc tập trận "Vành đai Thái Bình Dương".

Trung Quốc không tham gia khoa mục diễn tập do Nhật Bản chỉ huy, dị nghị thái độ thiện chí của Nhật Bản

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 25 tháng 7 đăng bài viết cho rằng, diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương” là diễn tập quân sự trên biển đa quốc gia có quy mô lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức, được bắt đầu vào năm 1971, mục đích nhằm bảo đảm an ninh các tuyến đường trên biển của các nước ven bờ Thái Bình Dương và chống khủng bố liên hợp.

Tàu chiến các nước tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Tàu chiến các nước tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"

Theo bài viết, ngày 9 tháng 6 năm 2014, 4 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã khởi hành từ Tam Á (ở đảo Hải Nam), tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương 2014”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương”.

Đối với việc Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương”, báo Trung Quốc cho rằng, quan chức cấp cao Nhật Bản đã đưa ra những phát biểu nhiều dư vị. Theo bài báo, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Katsutoshi Kawano trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: “Tuy quan hệ song phương với Trung Quốc không tiến triển, nhưng rất hoan nghênh Trung Quốc gia nhập khuôn khổ đa phương”.

Mặc dù đây là một phát biểu thiện chí, bình thường, không có gì phải dị nghị, nhưng Trương Quân Xã, một người được cho là chuyên gia về vấn đề hải quân của Trung Quốc cho rằng, Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” là kết quả thỏa thuận giữa hai nước Trung-Mỹ, là Mỹ chủ động mời Trung Quốc tham gia, Trung Quốc cũng đã có thiện chí cử tàu chiến hải quân tham gia. Đây là việc thỏa thuận giữa hai nước Trung-Mỹ.

Theo ông Xã, phát biểu của quan chức Nhật Bản như trên là “giọng khách át giọng chủ nhà”, là phát biểu “thừa”. Ông Xã cho rằng, bởi vì, Trung Quốc không phải tham gia diễn tập theo thỏa thuận với Nhật Bản. Cuộc diễn tập này không phải do Nhật Bản tổ chức, Trung Quốc không cần thiết thỏa thuận với Nhật Bản.

Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, Hải quânn Trung Quốc nhận tiếp tế khi tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, Hải quânn Trung Quốc nhận tiếp tế khi tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"

Ngoài ra, xung quanh việc Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014”, báo chí Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ “thể diện” cho mình, nhất là trong quan hệ với Mỹ, Nhật… Mặc dù không muốn, nhưng theo báo chí Trung Quốc, cuối cùng thì lực lượng tham gia diễn tập của Trung Quốc vẫn bị Mỹ chỉ huy.

Điều đáng chú ý là, do Trung Quốc đặc biệt “hận thù lịch sử” với Nhật Bản cũng như do ảnh hưởng của vấn đề đảo Senkaku hiện nay, Trung Quốc tìm mọi cách tránh né các khoa mục do sĩ quan Nhật Bản chỉ huy.

Theo tờ “Nhật báo Trung Quốc” ngày 14 tháng 7, diễn tập tìm kiếm cứu nạn 6 nước do sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chỉ huy, tổ chức ở vùng biển Hawaii vào sáng ngày 12 tháng 7 năm 2014. Nhưng, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu của Hải quân Trung Quốc đã không tham gia khoa mục này.

Theo bài báo, diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp là một phần của diễn tập quân sự liên hợp “Vành đai Thái Bình Dương”, tư lệnh cụm hộ vệ 3 Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản lần đầu tiên làm sĩ quan chỉ huy của hoạt động diễn tập lần này. Đồng thời, tất cả nhân viên của ban chỉ huy đều là người Nhật Bản.

Nội dung diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong diễn tập quân sự trên biển liên hợp "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Nội dung diễn tập tìm kiếm cứu nạn trong diễn tập quân sự trên biển liên hợp "Vành đai Thái Bình Dương 2014"

Bài báo cho biết, sau khi bắt đầu diễn tập, nhiều máy bay trực thăng của Quân đội Mỹ đã vận chuyển “binh sĩ bị thương” đến tàu sân bay trực thăng Ise Nhật Bản, binh sĩ Nhật đã tiếp tục vận chuyển những binh sĩ này vào phòng cấp cứu. Nhưng, tàu bệnh viện Trung Quốc đã không tham gia.

Báo Nhật Bản bình luận cho rằng, Trung Quốc không tham gia diễn tập có thể là do đối đầu căng thẳng của quan hệ Trung-Nhật.

Diễn tập đem lại cơ hội cho giao lưu quân sự Trung-Mỹ

Tờ “Tân Dân vãn báo” Trung Quốc ngày 26 tháng 6 cũng có bài viết cho rằng, diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” được tổ chức 2 năm 1 lần, đã tổ chức 24 lần, đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập.

Bài báo dẫn lời phó viện trưởng Thẩm Đinh Lập, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng, mặc dù quan hệ quân sự Trung-Mỹ tương đối yếu, nhưng hai bên vẫn có ý định hợp tác, tránh rủi ro. Lần này, Trung Quốc cử 4 tàu chiến tham gia diễn tập là một hoạt động diễn tập trên biển có cấp độ cao nhất giữa Trung-Mỹ; cho rằng Trung Quốc cử tàu chiến tham gia như vậy là muốn tăng cường độ minh bạch và lòng tin quân sự.

Binh sĩ đặc nhiệm Trung Quốc tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Binh sĩ đặc nhiệm Trung Quốc tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"

Theo Thẩm Đinh Lập, cuộc diễn tập này có ý nghĩa hợp tác quốc tế bảo vệ an ninh trên biển, hỗ trợ tích cực cho tăng cường giao lưu quân sự Trung-Mỹ, “hợp tác bảo vệ ổn định châu Á-Thái Bình Dương”. Mặc dù Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” nhằm vào Trung Quốc, tránh để Quân đội Trung Quốc thu được các thông tin nhạy cảm, nhưng Lầu Năm Góc mời Trung Quốc tham gia diễn tập cho thấy giao lưu quân sự song phương được nâng cấp cả về hình thức và thực chất, theo đó có lợi cho mở rộng lòng tin, giảm ngờ vực, phù hợp với phương hướng xây dựng quan hệ quân sự mới Trung-Mỹ.

Theo báo Trung Quốc, Mỹ mời Trung Quốc tham gia diễn tập phản ánh thiện chí minh bạch quân sự của Mỹ, còn Trung Quốc cử tàu chiến tiên tiến tham diễn thể hiện thiện chí minh bạch quân sự của Trung Quốc, giúp cho quan hệ quân sự Trung-Mỹ vượt qua được các nhân tố tiêu cực, từng bước phát triển theo hướng hoàn thiện và ổn định.

Giáo sư Bành Hải, Học viện chỉ huy lục quân Thạch Gia Trang, Trung Quốc cho rằng, Mỹ không để Trung Quốc tham gia các nội dung quan trọng của diễn tập Vành đai Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc được mời tham diễn đã đem lại cơ hội lớn cho họ nâng cao khả năng chiến đấu thực tế, là tín hiệu cho thấy Hải quân Trung Quốc vượt ra khỏi “chuỗi đảo thứ nhất”, vươn ra biển xa.

Máy bay trực thăng Pháp tập cất hạ cánh trên tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, Hải quân Trung Quốc trong diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Máy bay trực thăng Pháp tập cất hạ cánh trên tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, Hải quân Trung Quốc trong diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"

Theo bài báo, các nước Mỹ, Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” cho thấy họ không muốn bài xích Trung Quốc, sẽ không “lật mặt” triệt để với Trung Quốc vì các vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo bài báo, Trung Quốc và Mỹ đều sẽ dựa vào cơ hội diễn tập để phô diễn thực lực của mình, khẳng định sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, tìm hiểu và răn đe đối thủ tiềm tàng. Tóm lại, cãi nhau thì cãi nhau, hợp tác là hợp tác, nhưng không đánh nhau.

Bài báo còn cho rằng, Mỹ ngày càng nhạy cảm với việc Trung Quốc không ngừng tăng cường thực lực, tiến hành ngăn chặn Trung Quốc không bằng tiến hành tiếp xúc với Trung Quốc để xóa bỏ “mối lo ngại không cần thiết”.

Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự “Vành đai Thái Bình Dương” phản ánh lực lượng vũ trang hai nước Trung-Mỹ có ý định “kết giao bằng hữu” chứ không phải phát động chiến tranh. Mặc dù quân đội hai nước Trung-Mỹ không thể xây dựng quan hệ hữu nghị thì ít nhất có thể đạt được hiểu biết lẫn nhau, diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014” đã đem lại cơ hội để thực hiện điều đó.

Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ, Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tiếp tế trong diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ, Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tiếp tế trong diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014"
Việt Dũng