Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài

28/07/2019 06:48
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ lo ngại trên khi nói về việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công.

Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia nêu ra từ lâu.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, chủ trương thu hút người tài cho đất nước có mấy trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có.

Nói vậy để thấy ngày xưa các cụ đã chú ý đến điều đó. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra và vận dụng rất tốt, rất hay chủ trương này từ khi thành lập Nhà nước mới.

"Hiện nay, nói thu hút nhân tài thì ai cũng ủng hộ cả nhưng đi sâu vào thực hiện thì lại rất lúng túng, có khi lại bị lợi dụng, bẻ cong, xuyên tạc.

Có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách này. Đầu tiên phải xác định rõ thế nào là nhân tài? Ai là người xác định nhân tài? Cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi người ta vào đóng góp, cống hiến như thế nào? Và môi trường, vị trí làm việc ra sao?

Nếu đã là nhân tài thì cần xác định rõ là thu hút người đó vào chỗ nào, vị trí nào? Cái này liên quan đến xác định vị trí việc làm trong bộ máy chứ không thể chung chung được. Nôm na là đúng người, đúng chỗ", Tiến sĩ Sơn nói.

Theo Tiến sĩ Sơn, vấn đề nữa là cách thức, cơ chế sử dụng. Nhân tài là người giỏi. Nhưng nhân tài nhiều khi cũng khá vụng về, ngây ngô trong ứng xử đời thường.

Thậm chí, có khi họ thường có những biểu hiện khác thường (theo chuẩn đánh giá chung của một tập thể hay nhóm người nào đó) “Khác người”,“ Chí khí” hay“ Ngạo khí” cũng là ở đây dù không phải tất cả đều như vậy.

Nhưng Nhân tài rất cần có không gian, môi trường thuận lợi cho họ tồn tại và cống hiến. Cần cho người ta cơ chế làm việc phát huy tối đa tư chất, trình độ cá nhân chứ đừng khống chế bằng các cơ chế hành chính thông thường.

Mặt khác, phải có cơ chế chính sách để người được thu hút yên tâm phục vụ. Họ phải được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng như được trả lương đúng với năng lực cống hiến, đúng cho người có đóng góp xuất sắc,“nhả những sợi tơ vàng”.

Vậy họ mới yên tâm, có điều kiện để phục vụ, cống hiến tốt cho xã hội, cho Nhà nước. Cần nói thêm cho rõ là điều quan trọng không chỉ nhăm nhăm vào lương cao.

"Lương lậu chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút và giữ được nhân tài.

Có khi là sự tôn trọng, thái độ thực sự cầu thị của tập thể, của người trực tiếp sử dụng lại là quyết định". Tiến sĩ Sơn nói.

Theo ông, chủ trương này tốt, điều đó không cần phải bàn. Cái khó nhất bây giờ là thực thi nó.

“Vậy bây giờ ai xác định nhân tài? Sợ nhất giao cho ai xác định nhân tài hôm trước, hôm sau họ đưa con cháu ông vào bảo đấy là nhân tài.

Cái quan trọng nhất, khó nhất là đặt đúng, nêu trúng các tiêu chí thế nào là “ Nhân tài”. Có tiêu chí chung, nhưng cũng có tiêu chí rất cụ thể, đặc định, riêng biệt ở từng công việc, từng vị trí.

Có những trường hợp không phải nhân tài, đồng nghiệp đều biết cả, nhưng “đấu tranh”,” kỳ đà cản mũi” có khi lại thành không biết “tránh đâu”, vì đụng chạm đến lợi ích riêng chi phối.

Ta đã có nhiều ví dụ về thực trạng này rồi", Tiến sĩ Sơn chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ở yếu tố con người. Ở những người cầm chịch trong thực hiện chủ trương này.

Đánh giá, nhận diện nhân tài qua bằng cấp đã lỗi thời rồi!
Đánh giá, nhận diện nhân tài qua bằng cấp đã lỗi thời rồi!

“Hiện nay, theo tôi, không chỉ riêng trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài mà ở đa số các chính sách khác thì dở nhất là việc thực thi.

Nó bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu chi phối, quyết định hành vi của người thực hiện”, Tiến sĩ Sơn đánh giá.

Ông chia sẻ thêm: “Nhiều người cho rằng với cơ chế, điều kiện hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, thì “ Siêu nhân tài” có vào trong các cơ quan Nhà nước cũng khó sống, khó tồn tại, sớm muộn rồi cũng bị bật ra thôi bởi nếu không bị vướng cái này, cũng bị vướng cái khác.

Thậm chí bị phe nhóm cô lập, vô hiệu hóa, bị cài bẫy, bị “khoanh”, không thể làm được gì.

Trái lại, những thứ kiểu như “Hòa đại nhân”, uốn éo, xoay xở, nịnh bợ lại có cơ phát triển, leo cao, luồn sâu. Thực tế vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh rằng nhận định này, lo lắng này không phải không có căn cứ.

Vấn đề mấu chốt vẫn là ở “Yếu tố con người thực thi”".

Đỗ Thơm