Sách giả, sách lậu tinh vi và biến tướng

04/03/2020 06:08
Trần Phương
(GDVN) - Sách giả, sách lậu không phải là câu chuyện mới nhưng trong tình hình mới, sách giả, sách lậu biến tướng tinh vi, khó kiểm soát hơn.

Sách giả chuyện cũ mà không cũ

Đã 16 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam tham gia công ước Berne, công ước bảo hộ quyền tác giả (Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004).

Tuy nhiên việc thực thi công ước này đến nay vẫn còn quá nhiều bất cập gây bức xúc cho rất nhiều người.

Cuộc chiến với sách giả , sách lậu còn lâu dài và gian nan, thậm chí từng được bày bán ngang nhiên từ các vỉa hè đường Láng đến các tiệm sách tạm, ít tên tuổi trên đường Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, Đinh Lễ … của Hà Nội.

Một thời những người yêu sách chỉ cần tìm đến các nhà sách trên đường Láng, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Đinh Lễ… người mua có thể sở hữu cuốn sách mình cần mà giá cả lại rẻ hơn thị trường từ 50 - 70%.

Sách giả, sách lậu tinh vi và biến tướng ảnh 1
Phố Đinh Lễ một thời nhộn nhịp sách giảm giá, nay đìu hiu chỉ còn trên dưới chục cửa hàng sách. Ảnh: LC

Tuy nhiên, về chất lượng hay nó là sách giả hay sách thật thì không mấy ai quan tâm.

Các phố sách này cũng được xem là "thiên đường" sách giá rẻ cho giới học sinh, sinh viên.

Các đầu sách ở đây khá phong phú từ sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo trình, sách chuyên ngành đến tiểu thuyết, truyện ngắn, sách thiếu nhi… của các nhà xuất bản quen thuộc như Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Văn học...

Đơn cử, năm 2016, cuốn sách “Đắc nhân tâm” của nhà xuất bản Trí Việt bị phát hiện có đến 13 phiên bản sách lậu và nhiều cuốn giá cao hơn sách thật ít nhất từ 10.000 đồng/cuốn.

Vấn nạn sách giả tràn lan, lẫn lộn với sách thật trong các nhà sách cũng phần nào khiến không ít độc giả bị giảm niềm tin và nhiễu thông tin trong việc phân biệt sách giả, thật.

Qua quan sát có thể thấy, sách giả thường được in khá cẩu thả, thiếu trang, thiếu chữ, chất lượng giấy kém..., ảnh hưởng đến thị lực của người xem, chưa kể nội dung còn bị sai lệch…

Dẹp như bắt cóc bỏ đĩa

Theo thống kê, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách “lậu” và các ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị lên đến nhiều tỷ đồng.

Điển hình như ngày 20/2/2019, đội quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra kho sách của bà Lê Thị Hường, số 15, ngõ 97, đường Đình Thôn, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho trên có các xuất bản phẩm do Công ty Cổ phần Thế Giới Mới phát hành gồm số lượng khoảng trên vạn cuốn sách, ấn phẩm các loại của các nhà xuất bản như Lao Động, Dân trí, phụ nữ…với tổng giá trị ước khoảng 700 triệu đồng.

Chung tay chống sách lậu
Chung tay chống sách lậu

Đáng nói, tại tầng 2 của tòa nhà, có một số máy móc, trang thiết bị, vật tư ngành in, ấn phẩm, bản in dở dang, đang trong quá trình gia công hoàn thiện ngay tại cơ sở.

Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6 lúc đó là ông Hoàng Đại Nghĩa cho biết, bà Hường khai nhận, toàn bộ số sách trên được bà mua bán, trao đổi với các nhà sách khác để về bán online.

Ngày 22/5/2019, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức  kiểm tra Điểm giao nhận hàng hóa Sách, xuất bản phẩm tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội..

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 40.000 quyển sách các loại và hơn 80.000 chiếc đĩa CD tiếng Anh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Ngày 16/8/2019, Đội Quản lý thị trường số 28 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở in ấn, nhân bản sách tại 2 địa chỉ 52 và 56 tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Cơ sở sản xuất sách lậu mang tên Công ty Sản xuất thương mại và Dịch vụ Huy Dương do Nguyễn Văn Huy làm chủ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ gần 200 đầu sách các loại với gần 10 vạn cuốn sách đã in thành phẩm và hàng trăm chiếc đĩa CD...

Cơ sở không xuất trình được bất cứ một loại chứng từ, hóa đơn nào liên quan đến việc in ấn, nhân bản sách.

Sách lậu của Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Huy Dương bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Tạp chí công thương
Sách lậu của Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ Huy Dương bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Tạp chí công thương

Có thể thấy, ngay giữa Hà Nội, sách “lậu” vẫn ngang nhiên hoành hành, được in ấn với số lượng lớn.

Điều đáng nói là trong số các sách bị các đối tượng vi phạm tổ chức in trái phép có đầy đủ các chủng loại như sách giáo khoa, giáo trình, từ điển, truyện, tiểu thuyết... Các loại sách này được một số đơn vị tự in, tự xuất bản mà không ghi nhà xuất bản.

Có thể thấy, sách “lậu” đã trở thành vấn nạn, song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả...

Điển hình như đối với chế tài xử lý, hiện nay mức phạt đối với hành vi in “lậu” sách còn tương đối thấp; tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in “lậu” sách thu được.

Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.

Bài tới: Sách giả, sách lậu nhảy múa trên Internet

Trần Phương