Phụ huynh nên làm gì để con không trở thành nạn nhân bị xâm hại?

17/03/2017 11:17
Minh Nguyệt
(GDVN) - Cha mẹ nên dặn dò trẻ không để bất cứ ai chạm vào cơ thể mình - đặc biệt là vùng kín, dù là người đồng giới hay khác giới.

Những ngày qua, những vụ việc về ấu dâm liên tiếp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. 

Nhiều vị phụ huynh lo sợ trước những nguy cơ có thể xảy ra cho con em mình. Cần phải làm gì để bảo vệ các em trước tội ác ghê tởm này? 

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đồng nghĩa với việc cứ trung bình 8 giờ có 1 trẻ bị xâm hại.

Nhưng đó mới chỉ là con số “bề nổi”, thực tế có thể tồn tại nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em hơn nữa. Tuy nhiên vì bị thủ phạm dọa dẫm, hoặc nhiều lý do khác nên chưa thể thống kê được.

Số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm là một thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên cho đến nay ở Việt Nam, đây vẫn bị xem là một “tội ác thầm lặng”, chưa được nhiều người biết và chú ý tới. 

Phải tới khi một loạt những vụ án ấu dâm gây chấn động như: vụ việc cụ ông 77 tuổi xâm hại tình dục bé gái 8 tuổi tại Vũng Tàu, hay vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Hoàng Mai (Hà Nội),... dư luận mới nhận thức được rõ ràng tính chất nghiêm trọng của tội ác này.

Nhiều phụ huynh có con nhỏ lo sợ trước những nguy cơ có thể xảy đến với con em mình.

Đặc biệt là các gia đình có con trong độ tuổi Tiểu học - độ tuổi dễ trở thành nạn nhân của tội ấu dâm nhất (theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Để giúp các vị phụ huynh có thể bảo vệ con em mình tốt hơn, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (Phó trưởng bộ môn Y tế Gia đình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã đưa ra một số lời khuyên.

Cha mẹ nên dặn dò trẻ không để bất cứ ai chạm vào cơ thể mình - đặc biệt là vùng kín, dù là người đồng giới hay khác giới.
Cha mẹ nên dặn dò trẻ không để bất cứ ai chạm vào cơ thể mình - đặc biệt là vùng kín, dù là người đồng giới hay khác giới.

Cha mẹ nên dặn dò trẻ không để bất cứ ai chạm vào cơ thể mình - đặc biệt là vùng kín, dù là người đồng giới hay khác giới. Vì cũng có những trường hợp tội phạm ấu dâm là người đồng tính.

Khi bị người khác đụng chạm vào vùng kín, trẻ nên chạy đi, hoặc hô to lên để báo động, và báo lại ngay cho cha mẹ biết.

Có một tỉ lệ những tội phạm ấu dâm là người quen, hoặc thậm chí người thân trong gia đình của trẻ. 

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ (4 - 5 tuổi) cha mẹ có thể dạy trẻ “quy tắc 4 vòng tròn”: Bố mẹ - được ôm; Ông bà, anh chị em ruột – được khoác tay; Họ hàng, người thân quen – chỉ được bắt tay; Người lạ - xua tay. 

Quy tắc 4 vòng tròn do Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng các cộng sự đề xuất.
Quy tắc 4 vòng tròn do Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng các cộng sự đề xuất.

Hiện nay có nhiều trẻ dậy thì sớm, đến 8 - 9 tuổi đã có những biểu hiện dậy thì (có kinh nguyệt, ngực phát triển,...).

Khi trẻ ở độ tuổi này, cha mẹ không nên cảm thấy ngại ngùng, né tránh những vấn đề liên quan đến giới tính hay quan hệ tình dục. 

Ngược lại, phụ huynh cần cởi mở, dạy trẻ hiểu rõ thế nào là sự khác biệt giới tính giữa bạn nam và bạn nữ, cung cấp cho trẻ những kiến thức tổng quát về sinh sản và giao phối, đủ để trẻ nhận thức được thế nào là quan hệ tình dục và những tác hại của quan hệ tình dục không an toàn. 

Cha mẹ nên tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, có thể thông qua sách báo, tư liệu phim ảnh,... 

Có nhiều tội phạm ấu dâm biểu hiện bên ngoài là những người tốt bụng, hiền lành, thường hay chơi đùa với trẻ hoặc tặng trẻ những món quà trẻ thích. Trẻ nhỏ thường ngây thơ và dễ tin theo những món quà hấp dẫn. 

Trong trường hợp này, cha mẹ nên dạy trẻ: không đi chơi với những người lạ, hoặc người quen biết nhưng không thân thiết như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ trẻ,... nếu không có cha mẹ đi cùng. 

Nếu có người rủ trẻ đi chơi liên tục, hoặc có dấu hiệu ép buộc trẻ, trẻ cần báo lại cho cha mẹ biết.

Nếu trong trường hợp xấu, trẻ trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là quan tâm đến tình trạng thể chất và tinh thần của trẻ.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa, việc đi tìm hành lang pháp lý và khởi kiện kẻ có hành vi ấu dâm là cần thiết, tuy nhiên không nên quá tập trung vào việc kiện cáo.

Quan trọng nhất là các bậc làm cha mẹ cần phải đảm bảo thể trạng sức khỏe và tinh thần cho trẻ.

Cha mẹ nên quan tâm đến tình trạng sức khỏe, tâm lý của con.
Cha mẹ nên quan tâm đến tình trạng sức khỏe, tâm lý của con.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để khám thực thể, kiểm tra mức độ tổn thương thể chất để điều trị kịp thời. Sau đó cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ tâm lý. 

Đây là khâu cần thiết vì có những trường hợp, cha mẹ không thể đánh giá đúng mức độ tổn thương tinh thần của trẻ và không ứng phó được với các sang chấn tâm lý.

Việc đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý và thực hiện một số bài kiểm tra tâm lý đặc biệt có thể khiến trẻ có khả năng hồi phục tốt hơn, giảm thiểu khả năng trẻ rơi vào thế trầm cảm. 

Gia đình cần bình tĩnh, luôn tạo được cho trẻ cảm giác an toàn và được bảo vệ. Song song với việc xử lý về mặt pháp luật, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi những biến đổi trong tâm lý của trẻ.

Phụ huynh nên làm gì để con không trở thành nạn nhân bị xâm hại? ảnh 6

Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”?

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa, nếu trong trường hợp sang chấn tâm lý của trẻ quá nặng nề, trẻ đã nhận thức được tình huống của mình và có thể cảm thấy xấu hổ, không thể vượt qua được, cha mẹ cần có sự hy sinh. 

Khi ấy, gia đình nên cân nhắc việc chuyển nhà, chuyển công tác cũng như trường lớp cho trẻ đến một nơi xa hẳn khu vực trước đây trẻ sinh sống.

Việc tiếp xúc với một môi trường mới, những con người mới có thể giúp trẻ bớt đi mặc cảm và dần hòa nhập trở lại.

Minh Nguyệt