Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh: "Hạn chế công hữu sẽ góp phần giảm tham nhũng"

02/03/2018 06:54
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Để chống tham nhũng hiệu quả cần phải thay đổi khung thể chế, chuyển từ việc quản lý nhà nước sang xây dựng một nền quản trị hiện đại", Phó Giáo sư Dinh nói.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng tuy có tiến bộ, nhưng chưa có tính đột phá

Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại Cộng hòa Liêng bang Đức công bố ngày 22/2/2018, Việt Nam đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016.

Như vậy chỉ số CPI của Việt Nam năm 2017 tăng thêm 2 điểm so với 2016.  

Bình luận về việc này, ngày 28/2/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam có tiến bộ nhưng vẫn ở mức dưới trung bình và chưa có tính đột phá.

“Trước hết, việc Việt Nam tăng 2 điểm về chỉ số cảm nhận tham nhũng phản ánh một thực tế rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng.

Những vụ việc vi phạm của cán bộ được đưa ra xử lý vừa qua có thể đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể về chỉ số cảm nhận tham nhũng và thứ hạng của Việt Nam”, Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh nhận định.

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh cũng cho rằng, tuy Việt Nam cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng, nhưng chưa tạo tính đột phá, bởi:

“Chống tham nhũng đòi hỏi phải có thời gian, quá trình thực hiện theo các bước, mang tính căn bản, không thể làm vội vàng được.

Mặt khác, việc xử lý tham nhũng, vi phạm của cán bộ chủ yếu vẫn dừng ở việc xử lý vi phạm do tham nhũng, thi hành kỷ luật mang tính răn đe, mà chưa có nhiều chuyển biến về cơ chế, về quy định mang tính đột phá trong việc tạo ra một xã hội rất ít tham nhũng...

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh: "Hạn chế công hữu sẽ góp phần giảm tham nhũng" ảnh 2

“Tham nhũng làm hỏng cán bộ, tạo ra bức xúc, bất công trong xã hội”

Hay nói cách khác, nếu xem bộ máy quản lý nhà nước là một cỗ máy thì chúng ta chưa tìm ra công nghệ mới để hạn chế thải ra “rác” tham nhũng.

Thay vào đó chúng ta thường dùng biện pháp răn đe là chủ yếu trong xử lý cán bộ vi phạm, cho nên có người còn cố che giấu tham nhũng để không bị phát hiện”, Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh nhận định.

Cũng theo Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, các lĩnh vực như đất đai, các dự án xây dựng công, vấn đề về công tác cán bộ (bao gồm đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển...) cũng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao.

Phải thay đổi hình thức quản lý nhà nước bằng nền quản trị hiện đại

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh cho rằng, để chống tham nhũng hiệu quả cần phải thay đổi khung thể chế, chuyển từ việc quản lý nhà nước sang xây dựng một nền quản trị hiện đại.

“Quản trị hiện đại là nền quản trị mà công tác quản lý nhà nước chỉ là một bộ phận của nó.

Ở đó những người tham gia nền quản trị phải chịu tác động bởi chính sách, trong đó sự tham gia ý kiến, giám sát của người dân từ việc lập chính sách, thi hành chính sách cùng với những phẩm chất của chính quyền là công khai, minh bạch và luôn có trách nhiệm giải trình trước người dân.

Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh: "Hạn chế công hữu sẽ góp phần giảm tham nhũng" ảnh 3“Máu bị nhiễm khuẩn thì phải thay”

Ví dụ việc xây dựng chính sách thay vì bó hẹp trong phạm vi một nhóm người, thì cần mở rộng phạm vi để người dân được lắng nghe, tham gia, góp ý.

Lá phiếu hay ý kiến của người dân phải được coi là giá trị quan trọng trong sự tồn tại cũng như chất lượng hoạt động của chính quyền.

Bên cạnh đó, cần xác lập vai trò của người dân trong việc quyết định nhân sự bộ máy, nhằm để hạn chế tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Ví dụ, vấn đề tuyển giáo viên chỉ có Sở Giáo dục và địa phương quyết định, mà ít quan tâm đến “bộ lọc” của Thanh tra giáo dục; ý kiến của hội đồng phụ huynh, của học sinh, thì rất khó tạo ra sự chuyển biến thực sự", Phó Giáo sư Đăng Ngọc Dinh nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu hạn chế công hữu sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng.

"Những vấn đề liên quan tới sở hữu công, công sản... rất dễ phát sinh tham nhũng.

Do đó, cần giảm sở hữu công để tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế, hạn chế được những tiêu cực, tham nhũng trong việc sở hữu công.

Nền kinh tế tư nhân như đầu máy, để kéo nền kinh tế đi lên”, Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.

QUỐC TOẢN