ĐB Quốc hội Đỗ Văn Đương:

“Phát hiện tham nhũng phải cách chức ngay người đứng đầu”

25/09/2013 13:19
Diệu Linh
(GDVN) - Theo TS.Đỗ Văn Đương - ĐB Quốc hội: "Tôi cho rằng những địa phương nào tích cực phát hiện tham nhũng là phải được biểu dương, và những địa phương nào ít phát hiện tham nhũng, nhưng nếu trung ương kiểm tra mà phát hiện ra có tham nhũng thì phải xử lý, cách chức ngay người đứng đầu".

Tại phiên họp thứ 21 của TVQH, thành viên của các ủy ban đều tỏ rõ sự bức xúc trước công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, số vụ việc sai phạm thì lớn nhưng xử lý lại nhẹ, nhiều vụ việc đã lạm dụng tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại kỳ họp tới đây, Quốc hội cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa, để loại bỏ tình trạng lạm dụng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong án tham nhũng. Để độc giả có thêm những góc nhìn mới trước những diễn biến phức tạp trong công tác chống tham nhũng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ cùng với các ĐBQH, các quan chức và cựu quan chức, những người tâm huyết, kiên trì trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của đất nước bàn về vấn đề "Quốc nạn tham nhũng".

Trong bài đầu mở đầu của chuyên đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ của TS. Đỗ Văn Đương – ĐB Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội.

Quá nhiều án tham nhũng xử nhẹ

PV: Qua báo cáo của Ủy ban Tư pháp có thể thấy số lượng các vụ phát hiện tham nhũng còn ít, quá trình điều tra xử lý thì để kéo dài. Vậy nguyên nhân là vì sao, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Trong thực tế vừa qua đúng là tham nhũng đã lan sang cả những lĩnh vực khác nữa, trước kia người ta nghĩ rằng không có bóng dáng của tham nhũng thì dụ như vấn đề tái định cư, vấn đề chính sách cho người có công, xóa đói giảm nghèo… thì nay đã có, vì vậy tình hình càng trở nên phức tạp.

Tham nhũng như vậy mà vì sao số vụ việc phát hiện ít thì có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là cơ chế quản lý của Nhà nước ta còn nhiều bất cập, và khả năng phát hiện của các cơ quan chuyên trách như thanh tra, kiểm toán, điều tra… còn rất hạn chế. Vì vậy, số lượng các vụ bị phát hiện đưa ra xử lý chưa tương xứng với thực tế tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Tính chất và quy mô tham nhũng bây giờ không còn như trước đây nữa, nó có thể nhiều hơn, chiếm đoạt nhiều tài sản và tiền bạc của Nhà nước hơn. Đặc biệt là tính chất cấu kết của nhóm, tính chất thủ đoạn thì xảo quyệt. Trước khi gây án, bọn tham nhũng thường có những thủ đoạn che dấu hành vi của mình để không bị phát hiện, cho nên việc phát hiện tham nhũng khác với các vụ việc khác.

Thí dụ, tố cáo tham nhũng thì người dân không nằm trong bộ máy Nhà nước cho nên không thể biết được, mà chính trong nội bộ tố cáo thì rất ít, vì người tố cáo chưa chắc đã được bảo vệ, hoặc là cũng có lợi ích ở đó.

Cơ chế tự phát hiện trong các cơ quan, tổ chức nhà nước hầu như chưa có hiệu quả, không có việc chủ động tố cáo mà chỉ khi nào mâu thuẫn về quyền lợi thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương.

PV: Trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp mới đây cũng phản ánh rất rõ là tình hình xử lý một số vụ án tham nhũng còn rất nhẹ, mà bằng chứng là rất nhiều án treo. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đương: Đây là sự thật, phản ánh đúng những bức xúc của dư luận cử tri và báo cáo của Ủy ban Tư pháp đã trình ra Thường vụ Quốc hội cũng đã nói rất rõ. Tỷ lệ án treo cao hơn nhiều so với các vụ án khác bình quân là 31%, trong khi đó các tội phạm khác chỉ 2%, cá biệt một số địa phương án treo lên tới 70%, do đó dư luận cử tri cho rằng không nghiêm minh. Vì sao có tình trạng như vậy?

Thứ nhất, một số vụ tham nhũng phát hiện được chỉ là tham nhũng vặt chiếm đến trên 80%. Tham nhũng vặt tức là tính chất trách nhiệm cụ thể không lớn, số cán bộ phạm tội chủ yếu là ở cấp xã, phường và nhân viên của một số cơ quan tính chất vụ việc ít nghiêm trọng, thường là dăm ba triệu cho đến vài chục triệu, tất nhiên là cũng đã gây bức xúc trong nhân dân. 

Thứ hai, việc xét xử áp dụng hình phạt nhẹ như là cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ chưa tương xứng với hành vi phạm tội, là do áp dụng pháp luật của tòa án chưa thấy được tầm quan trọng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về việc xử lý nghiêm minh tội tham nhũng, cho nên cứ cho rằng đã khắc phục hậu quả, nhân thân tốt là áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử dưới mức hình phạt, rồi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khác tại Điều 46 để cho hưởng án treo. Theo tôi, như vậy là đã lạm dụng Điều 60 của Bộ Luật Hình sự về việc cho hưởng án treo”.

Cần có cơ chế hoạt động độc lập của các cơ quan chống tham nhũng

PV: Tại phiên họp thứ 21 của TVQH, các ủy viên Ủy ban TVQH đều bày tỏ bức xúc trước công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Hàng năm, các cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện rất nhiều các hoạt động kiểm tra, nhưng số lượng các vụ việc phát hiện có tham nhũng thì lại rất ít. Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Ông Đỗ Văn Đương: Thứ nhất là cơ quan thanh tra, kiểm toán có thẩm quyền xử lý hành chính, kiến nghị thu hồi tài sản và dường như họ chỉ xử lý hành chính và coi như thế đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó chứng minh việc có phạm tội không thì lại thuộc cơ quan tư pháp, do đó đây cũng là vấn đề cần phải xem xét.

Thứ hai, hàng triệu vi phạm hành chính như vậy, nhưng không có cơ chế kiểm soát lại xem xử lý như thế đã đúng chưa, liệu có hành chính hóa các quan hệ hình sự không, và từ đó dễ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Một điều nữa là ở đây chưa có sự kết nối, ràng buộc trách nhiệm giữa cơ quan kiểm tra, viện kiểm soát với cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Tôi cho rằng nếu có cơ chế này thì sẽ phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng ẩn dấu đằng sau vi phạm kinh tế.

Việc tham nhũng xảy ra ở các cơ quan công quyền, ở lực lượng chống tham nhũng, có không? Phải nói là có, nhưng những vụ việc vừa được đưa ra xử lý cũng rất ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế, nguyên nhân cũng xuất phát từ cơ chế phát hiện chưa có.

Tình hình tham nhũng ở nước ta hiện đang diễn biến phức tạp, chưa giảm, một số trường hợp còn rất nghiêm trọng, số vụ việc phát hiện tham nhũng chủ yếu là tham nhũng vặt thì chưa tương xứng với tình hình thực tế, các vụ tham nhũng lớn phát hiện rất ít. Vậy thì phải xem xét lại vì sao lại ít? Tôi xin nêu một thí dụ là cũng có những địa phương, cơ quan nào đó phát hiện tham nhũng thì lại bị cho là quản lý kém, vậy thì có nên không?

Nhưng trong khi đó có những đơn vị, địa phương có tham nhũng mà không phát hiện được gì thì vẫn ghi nhận thành tích. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải suy xét lại, những địa phương nào tích cực phát hiện tham nhũng là phải được biểu dương, và những địa phương nào ít phát hiện tham nhũng, nhưng nếu trung ương kiểm tra mà phát hiện ra có tham nhũng thì phải xử lý, cách chức ngay người đứng đầu.

PV: Vậy theo ông trong kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội nên làm gì để đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cử tri trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng?

Ông Đỗ Văn Đương: Tôi cho rằng với các dự án lớn thì cần phải có sự giám sát của Quốc hội, đồng thời tiếp tục rà soát bổ sung vào các quy định hiện hành cho thật chặt chẽ, ngăn chặn việc ký cấp phép dự án tràn lan, ngăn chặn lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên có nghiên cứu đưa ra cơ chế thanh tra, kiểm toán và chống tham nhũng độc lập. Ba trụ cột này sẽ là khâu đột phá trong hoạt động chống tham nhũng. Tôi đề nghị với Quốc hội ra nghị quyết ngay tại kỳ họp tới đây về tăng cường phòng chống tham nhũng, trong đó có những yêu cầu hết sức cụ thể với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, yêu cầu phải dụng cho đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì ngay lập tức sẽ có chuyển biến tích cực.

Xin cảm ơn ông!

Diệu Linh