Ông Tuấn nhân danh huyện Gò Công Tây mà ký văn bản không ra thể thống gì

19/03/2020 09:09
Việt Dũng
(GDVN) - Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc khẳng định rằng, văn bản Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây ký không phải là văn bản hành chính.

Ngày 17/3/2020, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được văn bản 587/UBND-TH, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang – ông Nguyễn Thanh Tuấn ký tên, đóng dấu.

Nội dung văn bản về việc có ý kiến bài báo “Thầy cô Gò Công Tây còn nghèo lắm, sao lại bắt quyên góp lương” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 8/3/2020.

Không phải đơn thư, công văn càng không đúng

Sau khi đọc xong văn bản này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc – một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đây hoàn toàn không phải là phong cách của văn bản hành chính, vì văn bản hành chính không có hỏi lại người nhận, mà chỉ phản ánh một nội dung nào đó trên cơ sở đưa ra.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Đây là văn nói, chứ không phải văn bản hành chính khi trao đổi công việc giữa các cơ quan với nhau.

Đối với tiêu đề bài báo, vị chuyên gia này nhấn mạnh: Nói thầy cô giáo nghèo là đúng rồi, chứ có ai nói thầy cô giáo giàu bao giờ đâu, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì các khoản thu nhập tăng thêm của giáo viên là không có (do học sinh nghỉ học), nên thầy cô không có gì ngoài lương.

Văn bản 587 của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây ký ngày 17/3/2020 (ảnh: P.L)
Văn bản 587 của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây ký ngày 17/3/2020 (ảnh: P.L)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc đề nghị, cần xem lại chủ trương này của huyện, coi giáo viên có đồng thuận thực hiện hết hay không?

“Đồng thuận về tâm lý mới quan trọng, chứ còn đồng thuận về mặt pháp lý thì chẳng qua giáo viên sợ mất thi đua mới phải đóng góp theo kế hoạch của Phòng Giáo dục mà thôi” – Thạc sĩ Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Quan điểm của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Từ thông tin phản ánh của một giáo viên gửi tới Tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sáng ngày 4/3/2020, nói rằng, giáo viên của huyện bị vận động 2 ngày lương, cộng thêm các loại phụ cấp (đứng lớp, chức vụ, thâm niên), nhưng huyện thì chỉ quyên góp 2 ngày lương để xây nhà cho các hộ nghèo trong huyện.

Kèm theo phản ánh này có cả kế hoạch 145/KH-PGDDT, do Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang ký ngày 2/3/2020.

Trích văn bản 145/KH-PGDDT của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây, Tiền Giang (ảnh: P.L)
Trích văn bản 145/KH-PGDDT của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây, Tiền Giang (ảnh: P.L)

Kế hoạch này ghi rõ, vận động trong tháng 3/2020, quyên góp 2 ngày lương, kể cả các loại phụ cấp của các cán bộ, công chức, viên chức của các trường từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Văn bản 587, do ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch huyện Gò Công Tây ký ngày 17/3 nói rằng: Tiêu đề bài viết “Thầy cô Gò Công Tây còn nghèo lắm, sao lại bắt quyên góp lương”, với cách đặt vấn đề là có nghèo hơn hộ nghèo, sao lại dùng từ “bắt”, có ý gì, ai bắt.

Thầy cô Gò Công Tây còn nghèo lắm, sao lại bắt quyên góp lương

Chủ trương hỗ trợ cho người nghèo có nơi ăn, chốn ở, để họ vươn lên thoát nghèo là sai hay sao?

Đây hoàn toàn là những vấn đề mang tính suy diễn của cá nhân ông Tuấn, chứ trong bài báo này hoàn toàn không có nội dung nào nói chủ trương của huyện là sai.

“Thầy cô Gò Công Tây nghèo lắm, sao lại bắt quyên góp lương” chỉ là tiêu đề bài báo, phản ánh sự việc, còn muốn nắm rõ hơn hãy đọc nội dung trong bài.

Giáo viên (nói chung) luôn là những thành phần có thu nhập thấp trong xã hội, chính vì thế mới có kèm theo lương là các loại phụ cấp.

Khi thực hiện bài báo này, ngày 4/3/2020, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gọi điện thoại phỏng vấn trực tiếp ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang về vấn đề giáo viên phản ánh.

Các thông tin về tên, chức danh và thậm chí số điện thoại của ông Tuấn đều đã được đăng tải công khai tại cổng thông tin điện tử của huyện (gocongtay.tiengiang.gov.vn) trong mục giới thiệu tổ chức hành chánh của huyện.

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, các thông tin cá nhân của lãnh đạo huyện (tên, chức danh, số điện thoại), đã được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của huyện thì các nhà báo được phép đăng công khai, không còn là bí mật cá nhân nữa.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định: Việc ông Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng “đưa các thông tin cá nhân là có được sự đồng ý của cá nhân đó chưa” là chưa thỏa đáng, không phù hợp với các quy định của pháp luật.

“Việc bài viết đăng tải tên, chức danh của các vị lãnh đạo huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là không có dấu hiệu nào vi phạm Luật Báo chí” – Luật sư Lễ nhấn mạnh.

Còn một luật sư khác cũng thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thì lại nói, việc một Phó Chủ tịch huyện nói “bài viết không có tính giáo dục, vô trách nhiệm, viết bài để câu khách” là mang tính quy chụp, có sự xúc phạm đến cơ quan truyền thông, báo chí và cả người viết bài.

Việt Dũng