Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ?

16/04/2018 19:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Muốn đối phó hiệu quả với áp lực từ Hoa Kỳ, cách tốt nhất là Trung Quốc tiếp tục mở cửa, cải cách kinh tế.

Giáo sư Diêu Dương (Yang Yao), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/4 có bài phân tích, nêu những khuyến nghị chính sách với lãnh đạo Trung Quốc để đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ.

Tác giả cho rằng, những bước cải cách nhỏ của Trung Quốc không đủ để đối phó với Mỹ.

Bắc Kinh nên tiếp tục công cuộc cải cách và mở cửa như đã làm trong 40 năm qua, chỉ có như thế mới "đánh bại" được cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump phát động, không những thế còn làm Trung Quốc mạnh thêm.

Bài viết cũng cung cấp thông tin và góc nhìn của một học giả Trung Quốc đương đại về cách Mỹ đã làm cho Trung Quốc giàu, mạnh lên, trở thành đối thủ đe dọa vị thế siêu cường số 1 của Hoa Kỳ.

Giữa lúc Bắc Kinh và Washington vẫn đang điều qua tiếng lại, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài phân tích này để hầu quý bạn đọc có thêm thông tin, góc nhìn về cuộc so găng giữa 2 siêu cường quốc tế.

Do bài viết khá dài, nên chúng tôi đặt thêm các tiêu đề phụ (in đậm) để quý bạn đọc tiện theo dõi.

"Năm 2004, nhà kinh tế học từng đoạt giả Nobel, Paul Samuelson, đã công bố báo cáo nghiên cứu cuối cùng của mình, trong đó nói với thế giới rằng: tiến bộ công nghệ của Trung Quốc có thể không phải tin tốt lành cho người lao động Mỹ.

Lập luận của ông là, nếu Trung Quốc cải thiện năng suất lao động cho hàng hóa mà họ xuất khẩu sang Mỹ, thì Hoa Kỳ có lợi;

Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu nâng cao năng suất lao động cho hàng hóa mà Hoa Kỳ đang sản xuất, và cuối cùng có thể thay thế các công ty Mỹ để sản xuất các hàng hóa đó, thì Hoa Kỳ sẽ mất, vì điều đó sẽ làm giảm mức lương của người Mỹ.

10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ý tưởng của Paul Samuelson vào hành động.

Giáo sư Diêu Dương, ảnh: Đa Chiều.
Giáo sư Diêu Dương, ảnh: Đa Chiều.

Khi chính quyền Mỹ thông báo mức thuế mới đối với thép và nhôm (nhập khẩu vào thị trường Mỹ) trong tháng trước, các đồng minh của Hoa Kỳ đã vội vã tới Washington để xin được miễn áp dụng.

Martin Feldstein, cựu Giám đốc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia đã nói thẳng, cuối cùng đồng minh nào của Mỹ cũng sẽ được miễn, và mục tiêu duy nhất còn lại là Trung Quốc.

Ông ấy đã nói đúng.

Thép và nhôm không phải là sự kết thúc của câu chuyện, bởi xuất khẩu thép và nhôm của Trung Quốc sang Mỹ rất nhỏ.

Những động thái nghiêm trọng hơn đang diễn ra theo các nội dung của mục 301.

(Mục 301-304 của Luật về các Hiệp định vòng Đàm phán Uruguay qui định quyền và trình tự cho Tổng thống có thể tiến hành một số biện pháp, kể cả biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm hỗ trợ một ngành sản xuất nào đó trong nước đã và đang bị thiệt hại nghiêm trọng, hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng do hàng nhập khẩu với khối lượng lớn gây nên.

Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ? ảnh 2

Vành đai và Con đường - "sáng kiến chinh phục lân bang" bằng phụ thuộc kinh tế?

Quyền này có thể sử dụng ngay cả khi hàng nhập khẩu được coi là không bán phá giá. Nguồn: vietnam-ustrade.org)

Họ nhắm đến vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ mà Hoa Kỳ đã than phiền với Trung Quốc lâu nay.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá 60 tỉ USD, phần lớn là các sản phẩm công nghệ cao.

Mặc dù ông Donald Trump tiếp tục kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng tâm trạng của Washington đối với Trung Quốc đã thay đổi.

Washington đã làm giàu cho Bắc Kinh ra sao?

Sau 20 năm thù hận, Hoa Kỳ đã tiếp xúc với Trung Quốc vào những năm 1970. Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972 đã mở ra một chương mới cho quan hệ Trung - Mỹ.

Hai nước đi lại với nhau vì họ phải đối mặt với kẻ thù chung: Liên Xô.

Về phía Hoa Kỳ, một chính sách "kết nối" được hình thành để định hướng mối quan hệ với Trung Quốc, dẫn đến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước vào năm 1979.

Hoa Kỳ đã dành cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc (MFN) và dung túng cho các chính sách của Trung Quốc (chẳng hạn như tỷ giá hối đoái kép).

Hai nước cũng có hợp tác quân sự.

Tuần trăng mật đã kết thúc đột ngột sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt lệnh cấm vũ khí đối với Trung Quốc.

Chính quyền George W.H. Bush và sau đó là Bill Clinton không cô lập Trung Quốc. Thay vào đó, một chính sách "cam kết mới" được hình thành.

Niềm tin đằng sau chính sách mới này (của Mỹ) là, bằng cách quyến rũ Trung Quốc, "họ sẽ trở nên giống chúng ta hơn".

Hội nhập kinh tế là nền tảng của chính sách này.

Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ? ảnh 3

Đế chế kinh tế ngoài lãnh thổ, chiêu thức Trung Quốc hóa giải Donald Trump

Năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã ngừng gắn quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc với vấn đề nhân quyền.

Năm 2001, Tổng thống Mỹ George Bush đã ký thỏa thuận đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đây là một bước quan trọng mở ra tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc, đằng sau là hàng triệu lao động giá rẻ nhưng có trình độ học vấn tương đối cao.

Trong 7 năm sau đó, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần.

Xu hướng này bắt đầu thay đổi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc vận hành tốt hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới nhờ vào những phản ứng nhanh về tài chính và tiền tệ của họ.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ về GDP.

Nhờ sự giàu có mới đạt được, Trung Quốc bắt đầu đóng vai trò tích cực hơn trên sân khấu quốc tế, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Washington vỡ mộng

Đối với giới tinh hoa Mỹ, tuyên bố chủ quyền Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông là hành vi vi phạm tự do hàng hải;

Và việc mở rộng viện trợ phát triển của Trung Quốc thông qua một loạt công cụ tài chính mới (Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Con đường tơ lụa) cho thấy ý định của Bắc Kinh:

Thiết lập một hệ thống tài chính mới tồn tại song song với các thể chế Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Hầu hết giới tinh hoa Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình chính trị của họ đi cùng những khoản viện trợ phát triển.

Mối lo ngại này dường như đã được củng cố bởi những thay đổi chính trị ở Trung Quốc. Tóm lại, giới tinh hoa Mỹ giờ đây nghi ngờ một cách nghiêm túc mệnh đề "Trung Quốc sẽ trở nên giống chúng ta hơn".

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra một bản ghi nhớ mà Nhà Trắng gọi là "sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc", ảnh: EPA / SCMP.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra một bản ghi nhớ mà Nhà Trắng gọi là "sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc", ảnh: EPA / SCMP.

Tâm trạng của Washington đã thay đổi từ chỗ quyến rũ Trung Quốc sang phòng ngừa.

Giới tinh hoa Mỹ không còn quan tâm đến những gì đang xảy ra bên trong Trung Quốc, cho dù là tự do hóa kinh tế hay vi phạm nhân quyền.

Họ chỉ quan tâm đến tác động của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Các con bài thương lượng của Trung Quốc trước đây từng làm hài lòng Mỹ, chẳng hạn như mở cửa thị trường quy mô nhỏ và mua nhiều hàng Mỹ, giờ đã không còn sức hấp dẫn.

Mức thuế trừng phạt chỉ là sự ấm lên trước một cuộc đua sắp tới trong lĩnh vực công nghệ.

Những năm tới đây, rất có thể chính quyền Donald Trump sẽ thắt chặt kiểm soát hoạt động sáp nhập và mua lại của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.

Cũng có thể Mỹ sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu cũng làm như vậy. Xét tâm lý chung ở châu Âu hiện nay, EU sẽ không phản đối.

Điều này sẽ làm mất một kênh quan trọng để Trung Quốc nâng cấp trình độ công nghệ của mình.

Trung Quốc nên tiếp tục cải cách, mở cửa

Đối với Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách cần phải nhận ra sự thay đổi thái độ của Washington và tạo ra một chiến lược mới để đối phó với Hoa Kỳ.

Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ? ảnh 5

Liệu ông John Bolton có xoay chuyển được cục diện Biển Đông?

Cần có thêm một chính sách định hướng trong nước. Thông báo đánh thuế trả đũa (các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ) chỉ là một phản ứng ngắn hạn.

Phản ứng đúng đắn lâu dài là tiếp tục chính sách cải cách mở cửa. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong 40 năm tăng trưởng cao của kinh tế Trung Quốc.

Đó chính là thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu của ông tại Diễn đàn Bác Ngao ngày 10/4. 

Cải cách và mở cửa sẽ không chỉ đánh bại các lý do Donald Trump tiến hành một cuộc chiến thương mại, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp công nghệ của Trung Quốc." [1]

Cựu Tổng biên tập tờ South China Morning Post, Wang Xiangwei ngày 14/4 cho hay, trong suốt bài phát biểu gần 40 phút tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập Cận Bình không đề cập gì đến những cuộc thương lượng với Hoa Kỳ hoặc Tổng thống Donald Trump.

Ông Wang Xiangwei nhận định, dường như Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra một số cam kết để giải quyết những lo ngại của ông Donald Trump (về thâm hụt thương mại Mỹ - Trung).

Theo ông Wang Xiangwei, Donald Trump hoặc ít nhất là một số cố vấn cấp cao của ông dường như đã có một chương trình nghị sự rộng rãi hơn để kiềm chế những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc.

Điều đó cho thấy, chiến tranh thương mại nhiều khả năng là sự bùng nổ của một loạt các động thái Washington thực hiện, để làm Trung Quốc mất cân bằng.

Nước cờ tiếp theo sẽ là Đài Loan, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của quan hệ Trung - Mỹ. Hoa Kỳ cũng có thể sẽ gây nhiều áp lực lên Trung Quốc trên Biển Đông.

Bởi vậy theo ông Wang Xiangwei, các biện pháp mà ông Tập Cận Bình công bố ở Diễn đàn Bác Ngao nên được triển khai đồng bộ càng sớm càng tốt, vì nó sẽ giúp sửa chữa mối quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, Mỹ chào đón những phát biểu này của ông Tập Cận Bình, nhưng muốn nhìn thấy những hành động cụ thể từ Trung Quốc.

Washington dự định tiếp tục thực hiện kế hoạch áp đặt thuế quan với Bắc Kinh. [2]

Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ? ảnh 6

Mỹ sẵn sàng dùng quân sự buộc Trung Quốc tuân thủ luật chơi?

Cá nhân người viết cho rằng, cả Giáo sư Diêu Dương lẫn ông Wang Xiangwei dường như đều cho thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bộc lộ tham vọng thay thế Mỹ quá sớm.

Giới tinh hoa Hoa Kỳ nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc do chính người Mỹ nuôi lớn và đang có những điều chỉnh chính sách từ kinh tế cho đến an ninh.

Có điều, ông Tập Cận Bình có thực sự tiếp tục con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình hay không, thì người viết không dám khẳng định như kết luận của 2 nhà nghiên cứu này.

Bởi những thông điệp cải cách đó đã được ông Tập Cận Bình đưa ra từ Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2017, nhưng thực tế những gì diễn ra đã chống lại các tuyên bố ấy.

Không chỉ Hoa Kỳ quan ngại về khả năng Trung Quốc "xuất khẩu mô hình" của mình, mà các nước mục tiêu của Vành đai và Con đường cùng các định chế tài chính đi kèm, đang đứng trước nguy cơ thành con mồi của "ngoại giao bẫy nợ".

Chính sách tái cơ cấu kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình đang xuất khẩu thặng dư công nghiệp và công nghệ lạc hậu, lao động tay chân cùng nhà thầu Trung Quốc theo chân các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc cấp vốn, có thể biến quốc gia mục tiêu thành "con tin", cũng như bãi rác công nghệ.

Cuộc tập trận rầm rộ của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông cả tháng qua và sự hiện diện của ông Tập Cận Bình duyệt binh trên biển thứ Năm tuần trước cho thấy không có gì thay đổi về mục tiêu và chính sách của nhà lãnh đạo này, ngoài những thay đổi về ngôn từ.

Nguồn:

[1]http://www.afr.com/news/economy/trade/chinas-small-steps-on-reform-not-enough-for-us-20180413-h0yqfr

[2]http://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2141399/trumps-trade-war-china-just-his-opening-gambit

Hồng Thủy