Ông Phạm Quang Nghị: Hà Nội không cần phát tờ rơi cảnh báo tội phạm

01/11/2014 07:48
Diệu Linh
(GDVN) - Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị khi đề cập tới tình hình an ninh trật tự tại địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 31/10, khi phóng viên đề cập tới thông tin một website đăng tải tên của 10 thành phố lớn có nạn móc túi trong đó có Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, thông tin này còn phải xem xét lại, vì nếu tính trong nước thi nạn móc túi ở Hà Nội rất hiếm.

"Tôi hỏi một người ở Hà Nội đi xe buýt 8 năm liền thì không bị móc túi. Tôi hỏi tiếp câu thứ hai là có thấy những người xung quanh bị móc túi không? Cô ấy trả lời không thấy. 8 năm một người đi xe buýt không thấy ai bị móc túi thì là nhiều hay ít?", ông Nghị nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây rất ổn định.

"Sự ra đời của cảnh sát 141 đảm bảo tốt cho an ninh trật tự Thủ đô, nhất là ngăn ngừa tội phạm. Không chỉ có du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài khi đến đây đều nói Hà Nội rất yên bình. Rất có thể trên thế giới còn có những Thủ đô làm tốt hơn Hà Nội, vậy thì mình phải học hỏi. Nhưng chắc chắn Hà Nội cũng làm tốt hơn rất nhiều nơi trên thế giới", ông Nghị bày tỏ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội được du khách quốc tế đánh giá cao vì luôn đảm bảo tốt an ninh trật tự.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội được du khách quốc tế đánh giá cao vì luôn đảm bảo tốt an ninh trật tự.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Hà Nội có ý định phát tờ rơi để cảnh báo tôi phạm tới khách du lịch trong thời gian tới hay không? Ông Phạm Quang Nghị trả lời: "Hà Nội đâu có đến mức như vậy mà phát tờ rơi".

Trên thực tế, những năm gần đây, lực lượng công an tại Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên mọi địa bàn.

Cách đây 3 năm, một số đối tượng trộm cắp, móc túi xuất hiện tại một số bến xe buýt tại khu vực quận Cầu Giấy, quận Hà Đông và một số bến xe, đều đã bị lực lượng công an truy quét và xử lý triệt để.

Một số vụ việc có tính chất manh động của đối tượng đều được lực lượng công an hóa giải thành công, thậm chí có những vụ việc như bắt cóc con tin, đích thân Giám đốc Công an thành phố - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã xuống hiện trường để vận động đối tượng thả con tin và ra đầu thú.

Sau khi Hà Nội mở rộng, dân số đông và địa bàn phức tạp, số lượng dân nhập cư ở các tỉnh đổ về rất lớn, nhưng tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững

Trong khi đó tại TP.HCM thời gian qua lại xảy ra quá nhiều những vụ việc thương tâm, cướp của giết người, thậm chí hung hãn tới mức chém lìa tay của người đi đường để cướp xe máy. Rất nhiều người dân ở thành phố này không dám đem theo bất cứ đồ vật gì có giá trị khi đi ra đường. Nhiều hàng quán luôn nơm nớp lo sợ bị kẻ cướp "ghé thăm".

Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng cướp hung hãn chém lìa tay nạn nhân để cướp xe máy. Ảnh: Thanh Niên.
Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng cướp hung hãn chém lìa tay nạn nhân để cướp xe máy. Ảnh: Thanh Niên.

Xã hội thì luôn tồn tại nhiều loại người khác nhau, nhưng hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy đạo đức xã hội xuống cấp rất nhanh. Một xã hội bất an không còn ở trong suy nghĩ, trong sự lo lắng nữa mà nó sẽ là sự thật.

Trong khi đó pháp luật chưa hoàn toàn chặt chẽ, thi hành lại xuê xoa, đại khái, nhiều kẻ tìm cách lách luật và biết trước bị xử ở khung hình phạt nào rồi. Vậy nên chẳng ngoa khi nói rằng, kẽ hở của pháp luật có thể để con voi chui lọt, điều này kéo theo biết bao hệ lụy về sau, mà đáng lo hơn cả là cái ác mặc sức hoành hành, người dân lương thiện biết trông cậy, tin tưởng vào đâu đây?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bình luận rằng: "Vấn đề quan trọng là cái gốc rễ văn hóa, chưa bao giờ đạo đức xuống cấp trầm trọng như hiện nay, ở đâu cũng thấy nói về kinh tế, mặc dù kinh tế thì bấp bênh, không có gì bảo đảm cho sự bền vững, nhưng văn hóa đạo đức thì suy đồi, các giá trị đạo đức bị phai nhạt thì chẳng mấy ai quan tâm thực sự".

Diệu Linh