Ông Lê Như Tiến: "Thói trọng bằng cấp khiến thi đua biến thành chạy đua"

21/06/2021 11:49
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giáo dục mà còn tồn tại gian dối, đào tạo giả thì chất lượng nhân sự tương lai không thể thật. Đó là nguy hại khôn lường!

Chất lượng nhân sự là tương lai của đất nước

Vào đầu tháng 5/2021, trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra mục tiêu cho ngành giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đây được xem là định hướng, giá trị cốt lõi đối với nền giáo dục Việt Nam và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu quốc hội, nhà quản lý, nhà giáo… đều thể hiện sự nhất trí cao đối với việc tìm giá trị “thật” cho ngành giáo dục nước nhà.

Những thành công của việc đưa công nghệ thông tin vào trường học; xây dựng trường học hạnh phúc; phổ cập giáo dục; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới… cho thấy rằng giáo dục Việt Nam đã được quan tâm, đầu tư và có những bước phát triển rõ rệt những năm gần đây.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít bất cập, những “méo mó” vẫn tồn tại trong nền giáo dục nước ta. Bạo lực học đường; thực phẩm bẩn vào trong trường học; mua bằng, bán điểm, cung cấp chứng chỉ, bằng cấp giả… một cách ngang nhiên và nhiều sự vụ mang đến hậu quả nghiêm trọng, cực kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, uy tín, hình ảnh của nền giáo dục nước nhà.

Sự thật cho thấy rằng, những thứ “chưa thật”, “không thật” đã, đang và có thể sẽ còn tồn tại rất lâu trong thực trạng giáo dục, đào tạo tại Việt Nam.

Chính vì vậy, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là chủ trương, chính sách tại một thời điểm mà mang tính lâu dài, quyết liệt và mang tính căn cơ, giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Đây được xem là “cuộc cách mạng” thay đổi từ nền móng giáo dục nước ta.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Trong thời gian vừa qua thật buồn khi còn nhiều thực trạng tồn tại trong giáo dục mà chúng ta sử dụng hình ảnh ‘ngồi nhầm ghế’, ‘ngồi nhầm lớp’.

Rất nhiều vụ việc bị phơi bày với những mánh lới tinh vi, hành động dối trá, thi không thật, học không thật mà chúng ta vẫn sử dụng câu từ khôi hài để ví von ‘thi giả’, ‘học giả’, ‘tốt nghiệp giả’.

Bằng chứng thực tế là đã có những người phải rơi vào vòng lao lí khi có những biểu hiện phản giáo dục, dùng tiền, dùng mưu kế để lo lót cho bản thân, con em mình vào trường nọ, trường kia, vị trí, cấp bậc không tương xứng với tri thức”.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: Cao Kim Anh.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: Cao Kim Anh.

Ông Lê Như Tiến chỉ ra một thực tế là đã xảy ra không ít vụ việc liên quan đến việc cấp bằng giả, chứng chỉ giả đã bị vạch trần. Một trong những vụ việc trở thành “vết nhơ” của ngành giáo dục là việc cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô.

Hay như mới đây, việc các cán bộ cấp xã thuộc huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai sử dụng bằng trung học phổ thông giả trước bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp bị phát hiện. Trong đó, có rất nhiều cán bộ thuộc cấp quản lý, lãnh đạo xã.

Những trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp”, thậm chí ngồi nhầm liên tiếp nhiều lớp đã không còn là trường hợp hiếm gặp.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng mua bằng, bán điểm và cả chuyện chạy chức chạy quyền. Chúng ta có các chuẩn mực thi đua nhưng khi thực hiện thì một số người được giao nhiệm vụ lại làm không đúng, cộng với nhận thức của xã hội hiện nay sản sinh ra thói trọng bằng cấp, nên thi đua trở thành ganh đua, chạy đua.

Bằng cấp là một loại thước đo, chúng ta không phủ nhận điều đó, nhưng nó phải là thước đo thật. Chúng ta càng đề ra nhiều loại quy chuẩn đi kèm bằng cấp mà không có các giải pháp đánh giá thực chất thì sẽ tiếp tục có nguy cơ xảy ra nhiều cuộc mua bán, trao đổi bằng cấp, chứng chỉ. Chính vì thế, nếu không học thật, không thi thật ngay từ đầu và thực hiện quyết liệt thì vẫn còn có những người học giả, bằng giả”, ông Tiến khẳng định.

Điều ông Lê Như Tiến lo lắng nhất chính là tương lai nhân sự của đất nước: “Nếu còn tiếp tục tồn tại việc học không thật, thi không thật thì chắc chắn không có nhân tài. Sự phát triển của một đất nước dựa rất lớn vào nguồn nhân sự. Nếu giáo dục mà còn tồn tại gian dối, đào tạo giả thì chất lượng nhân sự tương lai không thể thật. Đó là nguy hại khôn lường!”.

Thay đổi không chỉ với giáo dục

Theo ông Lê Như Tiến, chữ “thật” không chỉ cần thiết cho mỗi ngành giáo dục mà là tất cả các ngành của đời sống, xã hội. Tuy nhiên, vạn ngành, vạn sự đều xuất phát từ con người. Thay đổi nhận thức của nhân sự, chính vì thế thay đổi từ giáo dục, đào tạo là thay đổi cho gốc rễ của mọi vấn đề.

“Xã hội càng phát triển văn minh, hiện đại thì càng đề cao chữ thật và giá trị của thực lực. Không chỉ ngành giáo dục mà tất các các ngành đều phải lấy tiêu chí là chữ ‘thật’. Vì nếu con người thật, công việc thật thì mới có hiệu quả thật. Điều này đồng nghĩa với việc làm giả, con người giả thì chắc chắn là hiệu quả giả”, ông Tiến nhận định.

Theo ông Lê Như Tiến, bằng cấp không thể đánh giá hết năng lực của một nhân sự, cần có sự thay đổi và đánh giá nhân sự dựa trên thực lực. Có những người học giả có bằng thật. Nhưng cũng có những trường hợp học giả và bằng giả. Tức là không học nhưng vẫn có bằng và bằng đó là bằng giả của một trường và người ta dùng giá trị vật chất để sở hữu được nó.

Ông Lê Như Tiến lấy ví dụ ngay trong ngành truyền thông với những vụ lùm xùm gần đây, việc không thật đã làm mất niềm tin thật từ công chúng. Việc đưa thông tin không thật, hành động không thật cũng sẽ nhận được lòng tin giả của người dân.

“Bằng cấp là thứ vô tri vô giác nhưng lấy đó làm thước đo toàn bộ kiến thức, giá trị, năng lực của con người thì sẽ tạo ra một xã hội trọng bằng cấp như hiện nay. Nếu chúng ta nói dối, học giả, làm giả thì sẽ dẫn tới chuyện nhân sự được chọn vào các cơ quan chỉ có kiến thức giả. Điều này vô cùng nguy hại cho đất nước.

Phải bỏ ngay thói trọng bằng cấp, cần dọn bỏ triệt để những bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết, không có giá trị, đánh giá con người, nhân sự phải dựa phần lớn vào thực lực và kết quả công việc trên thực tế.

Đối với giáo dục phổ thông, cần bỏ ngay những đánh giá, tiêu chí thi đua rườm rà, vô bổ, phải lấy chất lượng giáo dục và kiến thức thực tế của học sinh làm trọng.

Chữ thật trong mục tiêu ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’ là vô cùng cần thiết, nhưng phải xác định chặng đường tìm kiếm chữ ‘thật’ cho nền giáo dục phải quyết liệt, triệt để tận gốc và có lộ trình dài hơi, như vậy thì kết quả mới thật sự chất lượng”, ông Tiến cho hay.

Cao Kim Anh