Ông Lê Như Tiến: “Cho học sinh nghỉ học phải có căn cứ khoa học"

21/02/2020 16:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Quyết định của người đứng đầu địa phương phải căn cứ trên những đánh giá khoa học chứ đừng để bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại chuyện gì đó...

Khoanh vùng kiểm soát tốt, cớ sao đề nghị cả nước nghỉ học?

Sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo thống nhất cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ hết tháng 3 để chống dịch Covid-19, có rất nhiều ý kiến băn khoăn không hiểu vì sao lại có kiến nghị này?

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/2, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đại biểu Quốc hội khóa 12, 13) cho rằng, việc các địa phương cho học sinh nghỉ học để chống dịch trong thời gian qua là cần thiết nhằm ngăn chặn trước khả năng có thể bị lây lan.

“Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ, Bộ Y tế đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch, như chúng ta biết thì 15/16 trường hợp nhiễm virus Corona đã bình phục và xuất viện. 

Chúng ta có 63 tỉnh/thành thì hầu hết đều không phát hiện có người nhiễm, vài địa phương có dịch nhưng đã khoanh vùng kiểm soát tốt thì cớ sao lại đề nghị cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ hết tháng 3?”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến nêu quan điểm, việc các địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ bao nhiêu ngày phải dựa trên các đánh giá khoa học. ảnh: Tùng Dương.
Ông Lê Như Tiến nêu quan điểm, việc các địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ bao nhiêu ngày phải dựa trên các đánh giá khoa học. ảnh: Tùng Dương.

Theo ông Lê Như Tiến, các tỉnh phải căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và xin chỉ dẫn từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có quyết định phù hợp. 

“Tôi thấy việc như Thành phố Hà Nội cân nhắc cho học sinh nghỉ từng tuần như vừa qua là phù hợp”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến nổi tiếng là người có những phát biểu rất thẳng thắn trên nghị trường và khi nói về việc cho học sinh nghỉ chống dịch, ông cũng nói thẳng: “Lãnh đạo địa phương cần phải thật sát việc, thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mỗi quyết định đưa ra phải căn cứ trên những đánh giá khoa học chứ đừng để bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại chuyện gì đó hoặc là nhìn sang địa phương khác theo kiểu cứ nghỉ trước tính sau”.

Đề xuất nghỉ học hết tháng 3 là... hơi dài và nóng vội!
Đề xuất nghỉ học hết tháng 3 là... hơi dài và nóng vội!

Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian kết thúc năm học được lùi lại, nhưng việc nghỉ kéo dài mà không tới mức phải nghỉ như thế thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng khác.

“Tôi ủng hộ việc bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, đấy là việc quan trọng còn hơn cả học tập, nhưng tôi nhắc lại là quyết định phải có căn cứ khoa học, có sự tham khảo ý kiến từ cơ quan chuyên ngành. Lãnh đạo mà cũng có tâm lý lo sợ gì đó không rõ ràng thì làm sao có quyết định sáng suốt được”, ông Tiến nói.

Theo ông Lê Như Tiến, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải báo cáo rõ về kiến nghị với Chính phủ cho nghỉ tới hết tháng 3 chứ không phải là kiến nghị nói chung chung là chống dịch.

Kiến nghị như vậy có thể khiến cho người dân ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác băn khoăn rồi tự phán đoán không có căn cứ khoa học.

Ý kiến trên của ông Lê Như Tiến cũng là quan điểm của rất nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục.

Địa phương không có người nhiễm bệnh sẽ hành động ra sao?

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nêu quan điểm: “Việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học bao nhiêu ngày cần phải có các dữ liệu làm căn cứ đánh giá, mà cụ thể là xem xét dịch Covid-19 có gây ảnh hưởng thật sự không? 

Mỗi quyết định đưa ra phải khoa học, có căn cứ thuyết phục, do đó người dân sẽ đặt ra câu hỏi lý do nào Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ hết tháng 3?

Chắc chắn rằng nếu thật cần thiết thì phải nghỉ để chống dịch, mà tôi cho rằng cách Hà Nội hay một số địa phương đang áp dụng cho nghỉ từng tuần rồi mới đánh giá tiếp là khoa học, thận trọng, phù hợp với thực tế”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Phó Giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, nghỉ học mà không rõ ràng các luận cứ đánh giá thì không nên, vì nghỉ học là bắt buộc phải làm, còn trên thực tế khi học sinh nghỉ như vừa rồi la gây xáo trộn nhiều tới các gia đình; rồi còn tâm lý lo ngại ở nhiều nơi, ảnh hưởng cả tới hoạt động cộng đồng.

“Tôi rất mừng vì Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế và các địa phương triển khai rất tốt công tác phòng chống dịch nên sớm khoanh vùng, ngăn chặn lây lan. Những nỗ lực ấy rất đáng được ghi nhận, biểu dương, vì đã tạo niềm tin cho nhân dân cả nước yên tâm trở lại với mọi hoạt động như trước kia. Khách du lịch quốc tế đang trở lại nước ta, đó là những thông tin tích cực.

Bên cạnh việc chống dịch, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm kiên định các mục tiêu phát triển đã đặt ra, do đó lãnh đạo các địa phương cần phải thể hiện vai trò trách nhiệm trong hoàn cảnh như hiện nay. Đối với các địa phương không có ca nhiễm thì các đồng chí sẽ hành động thế nào?”, bà An chia sẻ.

Vậy thì tại sao Thành phố Hồ Chí Minh lại đề xuất cho cả nước nghỉ hết tháng 3? Căn cứ khoa học nào? 

“Nghỉ học cả tháng nữa đâu chỉ ảnh hưởng tới chuyện học tập bây giờ mà còn ảnh hưởng vô vàn thứ, cho nên phải đưa ra được căn cứ khoa học xác đáng”, bà An nói. 

Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đánh giá việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 ngày 21/2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:  Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Tại nhiều nước có ca nhiễm COVID-19 (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…) học sinh, sinh viên vẫn đi học. Trong trường, người học, người dạy cũng không phải đeo khẩu trang.

WHO và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Ngọc Quang