Nóng "đất vàng" ở Thành phố Hồ Chí Minh: Sai phạm đất đai lộ ra tham nhũng

24/06/2021 06:49
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đất đai được ví như miếng mồi ngon của một bộ phận quan chức thoái hóa biến chất. Đất đai cũng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra sai phạm.

Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Điều này cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta ngày càng quyết liệt và điểm “đúng huyệt” của nạn tham nhũng.

Qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Cán bộ "dính chàm" vì đất

Hàng loạt những cán bộ có chức có quyền dính chàm luôn khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo tin từ tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/6, Viện Kiểm sát nhân dân (thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng điều tra vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm, Viện đã phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố thêm 6 người nguyên là thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco về tội “Tham ô tài sản”.

Ông Tất Thành Cang được cho là có liên quan đến việc bán rẻ 32 ha đất ở huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo đánh giá đây là khu đất có vị trí đẹp, tuy nhiên, Công ty Tân Thuận chỉ bán với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu về ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông Tất Thành Cang cùng 10 đồng phạm cùng bị khởi tố tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.[1]

Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, cả lãnh đạo một số bộ, ngành… đã bị khởi tố, bắt tạm giam, kỷ luật do liên quan đến sai phạm về đất đai, công sản cho thấy đây là lĩnh vực nhạy cảm dễ khiến cán bộ nhúng chàm…Không ít cán bộ đã vướng vòng lao lý vì đất đai

Không chỉ có trường hợp của ông Tất Thành Cang, qua các phương tiện thông tin đại chúng, sự việc của ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015 và các đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định khởi tố, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định khởi tố, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Ông Nguyễn Thành Tài, bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Sai phạm này xuất phát từ việc lợi dụng chức vụ để “hô biến” tài sản công.

Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã xác định ông Nguyễn Thành Tài liên quan đến khu đất “vàng” gần 5.000 m2 ở số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, do trực tiếp ký giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất này.

Cũng liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mà cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; 7 bị can khác: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý đất đai"; Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan cùng bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"....

Tại Đà Nẵng, hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở Thành phố cũng đã nhúng chàm với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) về những lô “đất vàng” ở Thành phố Đà Nẵng được “biến hoá” cho Vũ “nhôm” và các công ty “sân sau”.

Sai phạm từ quản lý đất đai đã khiến hai cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 bị cáo liên quan vụ án sai phạm do Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà công sản và 7 dự án bất động sản ở Thành phố Đà Nẵng phải vướng vòng lao lý [2].

Từ những vụ án liên quan đến đất đai đã xảy ra cho thấy, tuy hoàn cảnh và mức độ phạm tội có khác nhau nhưng có một điểm chung của các vụ án đã xảy ra là các cá nhân có chức quyền bị các “đại gia” câu kết để “biến” công sản thành tài sản tư, nhằm hưởng lợi.

Đất vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh bao giờ hết nóng?

Câu chuyện tham nhũng liên quan đến vấn đề đất đai ở vị trí đắc địa bị thâu tóm, bán rẻ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tháng 5/2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, trong kết luận, Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt” khu "đất vàng" trên nằm tại địa chỉ 187A - 187H - 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1 - do Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát là chủ đầu tư, với tổng diện tích 1.954 m2. Nguồn gốc đất khu đất này là đất do nhà nước quản lý.

Cụ thể, cao ốc VTP do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Công ty Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 1.954m2, tọa lạc tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước.

Theo đó, khu đất này trước đây là khách sạn Vạn Xuân được Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ Sản xuất Thương mại, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.

Ngày 30/7/1994, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định số 2424/QĐ-UB-QLĐT chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty Dịch vụ và Thương mại Thành phố (Công ty DVTMSG).

Ngày 24/12/1999, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 5424/UB-KT, chỉ đạo, chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại Thành phố (Công ty DVTMSG) và Công ty Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty DVTMSG chuyển nhượng phần góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân trị giá 587.332 USD cho Công ty Vạn Thịnh Phát.

Tòa nhà Vạn Thịnh Phát tại số 193 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: website Công ty Vạn Thịnh Phát

Tòa nhà Vạn Thịnh Phát tại số 193 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: website Công ty Vạn Thịnh Phát

Đến 2006, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định số 480/QĐ-UBND, chấp thuận cho Công ty Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại địa chỉ trên, với diện tích là 1.985m2, mục đích cho thuê để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra phát hiện xác định, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp 1,191 tỷ đồng.

Trong kết luận, Thanh tra chính phủ cũng chỉ ra, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20 ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng khiến quyền sử dụng bị giảm hơn 179,3 triệu đồng.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu: “Thanh tra Chính phủ nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt”; "đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước, thi chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước".

Dự án tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1), tổng diện tích Nhà nước quản lý là 2.815 m2 (làm tròn), cá nhân được cấp quyền sử dụng đất 8.343 m2 (làm tròn) cũng của Công ty Vạn Thịnh Phát cũng bị Thanh tra chính phủ nêu tên.

Cũng theo kết luận của Thanh tra chính phủ, qua kết quả thanh tra tại một số dự án nhà ở, cơ quan này đã chỉ ra những sai phạm tại dự án khu dân cư Lacasa (phường Phú Thuận, quận 7) có tổng diện tích 61.280 m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư.

Dự án, chung cư thương mại số 38 đường Kim Biên và 88 đường Gò Công (phường 13 quận 5) do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 làm Chủ đầu tư với diện tích 1.827 m2.

Dự án cao ốc Madison số 15 Thi Sách (quận 1) do Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư; Dự án khu đất số 97 Quang Trung, phường 8 quận Gò Vấp do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Thành phố làm chủ đầu tư...

Ngoài ra, những dự án nhà ở vi phạm xây dựng cũng được cơ quan thanh tra nhắc tên như Khu dân cư Tầm Nhìn (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Địa ốc Khang An làm chủ đầu tư; dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp tại 458 Nguyễn Tất Thành, quận 4 của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco)…

Trong kết luận tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, thực hiện rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà, đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng.

Đối với các vụ trí đất công, Thanh tra chính phủ cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao cho thành tra Thành phố thanh tra việc thực hiện quản lý, sử dụng đối với 53 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2021.

Từ thực tế các vụ án được đưa ra ánh sáng công lý cho thấy, nguồn lợi từ đất đai vốn dĩ có ma lực, càng có vị trí đắc địa, nguồn lợi càng lớn. Đó là ma lực lại càng khủng khiếp khiến nảy sinh nguy cơ những mảnh đất béo bở dễ bị hô biến vì tư lợi.

Nếu cán bộ nào liên quan đến lĩnh vực đất đai, có chức vụ và quyền lực mà không giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng rất dễ sa đà vào tiêu cực và cái kết không mong muốn là vướng vòng lao lý.

Những cựu quan chức, cán bộ như ông Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Phan Anh Văn Vũ… đều đã phải trả giá.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”. [3]

Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, thời gian tới có lẽ sẽ còn nhiều những sai phạm sẽ được lôi ra ánh sáng.

Công cuộc phòng chống tham nhũng chưa bao giờ được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, không khoan nhượng và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội như bây giờ.

Kỷ luật, xử lý cán bộ vi phạm là việc đương nhiên trong Nhà nước pháp quyền. Vấn đề là phải xử lý tận gốc các tồn tại, để mỗi tấc đất là tấc vàng - nguồn tài nguyên không phải vô hạn của đất nước sẽ được sử dụng để phục vụ lợi ích tối thượng là quốc gia, là nhân dân chứ không phải sinh ra tham nhũng, tha hóa cán bộ.

Nếu mỗi cán bộ trên cương vị quản lý, điều hành của mình giữ vững bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm nêu gương và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân” và phát huy được phẩm chất “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” sẽ không có kẻ xấu nào có thể móc ngoặc, lôi kéo làm tha hóa biến chất được.

* Tài liệu tham khảo:

[1] http://congan.com.vn/vu-an/khoi-to-ong-tat-thanh-cang-lien-quan-vu-ban-re-32-hec-ta-dat-o-huyen-nha-be_114769.html

[2] http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Bai-hoc-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tai-san-cong-590177/

[3] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ky-luat-can-bo-Dau-long-nhung-phai-lam/355454.vgp

Hoàng Quỳnh