Nịnh bợ sếp có muôn hình vạn trạng

14/05/2019 06:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, từ “nịnh bợ” là một từ định tính, mà từ định tính là tối kỵ đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Nội vụ đang xem xét đưa một số điều của Đề án văn hóa công vụ vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức và dự án Luật viên chức.

Trong đó có quy định, cán bộ công chức, viên chức "không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng".

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến từ Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn phân tích, từ “nịnh bợ” là một từ định tính, mà từ định tính là tối kỵ đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Tiến sĩ Sơn, các từ ngữ đưa vào văn bản quy phạm pháp luật tính định lượng phải tương đối cụ thể. Để làm sao quy định đó phải xử lý được hành vi mà hành vi thì phải được mô tả.

“Quy định đối với cán bộ công chức viên chức là để có hành lang pháp lý xử lý các vi phạm. Nếu dùng từ “nịnh bợ” thì chả ai biết là thế nào cả.

Nịnh bợ cấp trên là hiện tượng có thật trong bộ máy công quyền hiện nay. Tuy nhiên hành vi này rất khó để định nghĩa, phân biệt và lượng hóa.

Nếu đưa những từ kiểu như “nịnh bợ”, “lấy lòng không trong sáng”…vào Luật như thế rất khó có cơ sở căn cứ để xác định hành vi vi phạm và không có căn cứ cơ sở để “định tội và lượng hình”.

Hành vi nào thì được quy vào "nịnh bợ", hành vi nào thì không, nói thật là không đơn giản”, Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm.

Theo vị nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các từ này chỉ nên dùng nói ngoài xã hội, để nói chuyện trong đời sống.

Còn đã là văn bản quy phạm pháp luật thì phải nói rõ được hành vi đó là hành vi gì để giúp xác định được lỗi, vi phạm, xác định được mức vi phạm xử lý.

“Thực tế, tôi cũng rất buồn gì thời gian vừa qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật sai quá nhiều, hoặc đưa những từ rất mơ hồ, bỏ qua nguyên tắc cơ bản của xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật phải cân nhắc từng chữ một. Từ hiểu một nghĩa, chính xác, cụ thể không thể suy diễn được.

Đừng quên nguyên tắc cơ bản đó trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.

Ông cho rằng, nhiều vụ việc gây bất bình dư luận của một số cán bộ lãnh đạo các địa phương được báo chí giật tít như “nâng đỡ không trong sáng”…thì báo chí, người dân có thể dùng chứ nếu đặt chuẩn hành vi để luật hóa thì lại không khả thi, tùy tiện trong áp dụng luật.

Nịnh bợ sếp có muôn hình vạn trạng ảnh 2Tính toán đưa quy định cấm nịnh cấp trên vào Luật Cán bộ công chức

Thế nào là “lấy lòng không trong sáng”, nó rất khó để lượng hóa cụ thể, chính xác được khi việc hiểu nó còn mỗi người hiểu một kiểu tùy bối cảnh.

“Nếu chỉ đặt ra trong luật mà không quy được cụ thể hành vi thì sẽ xử lý không được hoặc mỗi người hiểu, áp dụng luật một kiểu.

Điều đó sẽ rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh.

Trước đó vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, trong đó có quy định với đồng nghiệp, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, không bè phái, gây mất đoàn kết cơ quan.

Các công chức, viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, phải tôn trọng, lắng nghe cấp dưới, và gương mẫu trong giao tiếp.

Đặc biệt trong ứng xử với lãnh đạo cấp trên, công chức, viên chức phải tuân thủ chỉ đạo, điều hành, phân công công việc, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Đỗ Thơm