Những vị ‘cứu tinh’ của bản làng Thoọng Pẹ

04/02/2014 07:28
HOÀNG CƯỜNG
(GDVN) - Trước kia, cứ đau ốm là dân làng Thoọng Pẹ lại đổ hết tiền nhờ thầy cúng đuổi 'con ma rừng'. Nhờ có những chiến sỹ biên phòng, hủ tục trên đã dần được loại bỏ.

Đau tay, sưng chân là tìm thầy cúng

Trước khi lên đồn cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tôi được Đại tá Hoàng Thỏa, Phó chỉ huy trưởng Bộ Đội biên phòng Hà Tĩnh giới thiệu về Thoong Pẹ. Thoong Pẹ đa phần là dân tộc Mông, dân tộc Lào thuộc bản Thoọng Pẹ, huyện Kăm Kợt, tỉnh Bo-ly Khăm-xay sinh sống.

Bản Thoong Pẹ nằm heo hút dưới dãy núi
Bản Thoong Pẹ nằm heo hút dưới dãy núi

Trước đây người dân bản Thoong pẹ nghèo lắm! Nghèo đến nỗi họ phải đi vào rừng lượm lặt hoa quả sống qua ngày. Rồi dần dà họ trồng cây anh túc, lấy nhựa đổi gạo, muối với bà con người Việt để tồn tại cuộc sống... Thế mà bây giờ, cuộc sống của họ thay đổi. Dân không còn cảnh thiếu ăn. Hụ tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ. Mừng hơn, nhiều con em trong bản được đưa sang nước mình học Đại học...

Từ TP Hà Tĩnh đi đến bản Thoong Pẹ cách hơn 100km. Để đến được đây, chúng tôi phải đi qua những cung đường dày đặc sương mù, mon men theo sườn núi. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch dẫn đến nước bạn Lào. Những ngày chớm xuân, ở nơi biên cương này gió lạnh tê tái da thịt. Bản Thoong Pẹ hiện ra với những ngôi nhà thấp lè tè, nằm dưới thung lũng nhỏ, núi đá bao quanh. Trước kia ở đây, người dân mỗi khi đau ốm thường tìm đến nhờ thầy mo cúng để đuổi “con ma” đi cho khỏi bệnh. Một hủ tục tồn tại bao đời mà nếu như không có sự xuất hiện của những chiến sỹ biên phòng thì khó mà bỏ được.

Nhà Vừ A Lung, nằm khuất lấp dưới những triền núi bản. Lung được biết đến là bí thư đoàn năng nổ, nhiệt huyết. Ở Lào không có chính sách kế hoạch sinh đẻ nên mới ngoài 30 tuổi Lung đã có 5 mặt con. So với dân trong bản, Lung là người được xem có trình độ văn hóa. Thế mà đang lúc khỏe mạnh, Lung “đổ bệnh”, cả bắp chân sưng tấy, không đi lại được. Cả bản nhìn Lung quằn quại trong cơn đau họ cũng thương lắm. Nhưng mùa này, bản Thoong Pẹ đến mùa giáp hạt, kinh tế gia đình nào cũng khó khăn nên chẳng ai giúp được gì cho Lung. Tin Lung bị “con ma rừng” hành hạ nhanh chóng lan khắp bản nghèo.

Ở bản Thoong Pẹ này, mỗi khi đau ốm họ lại tìm đến thầy mo, thầy cúng. Sau bao ngày không đẩy được con bệnh ra thì họ bắt đầu mất dần niềm tin về sự tồn tại của cuộc sống. Lung cũng vậy. Khi thấy “con bệnh” hành hạ, Lung nói với vợ rằng: “Tao sắp bị con ma rừng bắt đi rồi. Mày cứ để tao đi trước, mày ở lại nuôi con...”. Nhìn chồng quằn quại tuyệt vọng trong cơn đau, vợ Lung bán đi nhiều tài sản để nhờ thầy mo về nhà cúng cho Lung.

Gặp Lung thầy mo phán: “Mày đã bị con ma nhập vào, làm cho người sưng tấy lên rồi. Bây giờ tao sẽ đẩy con ma ra cho mày”. Vậy là bao nhiều tiền của được vợ chồng Lung “cúng” hết cho gã thầy mo nhưng khổ nỗi sau khi “làm phép” cái chân Lung vẫn không nhắc lên được.

Những vị “cứu tinh” của bn Thoong Pẹ

Cơn đau của Lung những ngày sau đó tiếp tục tái phát. Cả bản chỉ biết rằng, số Lung cũng sắp bị con ma rừng bắt đi. Thế rồi, cái tin Lung bị ma rừng sắp bắt cuối cùng cũng đến tai lãnh đạo Đồn biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo.

Chiến sỹ quân y ở trạm xá khám cho người dân Thoong Pẹ
Chiến sỹ quân y ở trạm xá khám cho người dân Thoong Pẹ

Nhận thấy, đây là cơ hội để giúp ngươi dân bản Thoong Pẹ thay đổi thói quen lạc hậu bấy lâu nay, lãnh đạo Đồn biên phòng Câu Treo đã chỉ đạo những vị “cứu tinh” mang quân hàm lặn lội xuống bản Thoong Pẹ thăm khám cho Lung. Nghe tin đó bà con ở Thoong Pẹ mừng lắm, bởi niềm tin duy nhất cứu sống cuộc đời Lung bây giờ chỉ biết trong chờ vào bộ đội biên phòng Việt Nam.

Sau khi xuống kiểm tra, các chiến sỹ quân y phát hiện Lung bị mọc mụt nhọt ở bắp chân và bệnh này chỉ cần tiêm, uống thuốc là sẽ khỏi. Vậy là, sau vài ngày, được y bác sỹ cho uống thuốc, căn bệnh của Lung giảm đi tức thời. Lúc này cả bản Thoong Pẹ trâm trồ khen ngợi và bắt đầu tin rằng chỉ có uống thuốc mới đẩy con bệnh trong người ra khỏi.

Hôm chúng tôi đến Thoong Pẹ, bác sỹ Nguyễn Việt Đức, quyền trạm trưởng trạm xá quân y vừa lên tiếp quản công việc ở trạm xá đúng 10 ngày. Bác sỹ Đức, quê ở Hà Tĩnh. Trước khi đến với trạm xá anh là một bác sỹ giỏi, phục vụ thăm khám cho cán bộ chiên sỹ ở Chính ủy biên phòng Hà Tĩnh. Theo anh Đức, dù mới lên được một thời gian ngắn những anh cũng cảm nhận được sự sẻ chia, đoàn kết của người dân bản với bộ đội biên phòng Việt Nam. “Bây giờ, người dân Thoong Pẹ đã tin vào khả năng chữa bệnh của các y, bác sĩ Việt Nam rồi. Hễ khi nào ốm đau, họ lại biết tìm đến trạm xá xin thuốc chữa chứ không phải nhờ thầy mo đến cúng bắt con ma đi nữa”- Bác sỹ Đức cho hay.

Theo Đại tá Hoàng Thỏa, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thì ý tưởng trạm xá được hình thành từ việc các anh chứng kiến quá nhiều bà con nơi đây cơ cực vì bệnh tật. Vì thế, giữa năm 2008, trạm xá được xây dựng với cơ sở khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, trị giá hơn nửa tỷ đồng, với 30 giường bệnh, bếp ăn, công trình vệ sinh… được hiện diện trên đỉnh đồi Keo Nưa. Theo đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã điều động những y, bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm về phục vụ đồng bào…

Dấu ấn biên phòng vùng biên

Với bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, nhắc đến Thượng tá Võ Trọng Hải thì ai cũng biết. Anh đã gắn bó hơn 25 năm ngủ rừng, lội suối, ăn cơm nắm, gắn bó mật thiết với đồng bào hai bên biên giới, trải qua nhiều vị trí công tác, từ chiến sĩ của Đồn Biên phòng 563 lên trạm trưởng, đồn trưởng và nay anh giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh. Thành tích nhiều, huân huy chương, bằng khen các loại tới hàng trăm, nhưng lớn hơn tất cả là lòng yêu mến và sự ghi nhận của bà con các dân tộc nơi đây đối với những công việc mà Võ Trọng Hải đã làm.

Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Quốc tế cửa khẩu cầu treo
Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Quốc tế cửa khẩu cầu treo

Trong chuyến công tác lần này, mặc dù không trực tiếp gặp được đồng chí Võ Trọng Hải nhưng chúng tôi đã được những người đồng chí, những người bà con dân bản nhắc đến anh rất nhiều. Đó là những niềm tự hào những cống hiến của anh trong mỗi chuyên án đánh ma túy, hay kế hoạch giúp nhân dân chống bão lũ miền Trung.

Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Quốc tế cửa khẩu cầu treo đã kể lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc trong việc giúp dân phòng, chống bão lũ. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ gần đây nhất đó là việc giải cứu du khách bị mắc kẹt trong trận lũ quyét xảy ra ngày 16/10 vừa rồi. Trung tá Sâm cho biết, khi ấy, cơn lũ quét bất ngờ đi qua địa bàn huyện Hương Sơn, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, đe dọa nhiều tính mạng người dân. Lúc này cũng có hơn 455 người khách du lịch, trong đó có 39 người nước ngoài thuộc quốc tịch Anh, Mỹ, Ai Len và Lào trên đường đi ra cửa khẩu bị mắc kẹt do mưa to, gió lớn, đường vực đang đổ nghiêng, sạt lở.

Nhận được tin báo, không quản ngại hiểm nguy, các chiến sỹ biên phòng cửa khẩu Quốc tế cầu treo tiếp cận hành khách, thức trắng đêm để canh gác, bảo vệ hiện trường, không để bất kỳ một tai nạn nào xảy ra. Sau khi được các chiến sỹ biên phòng mở lối đường mòn, các du khách đã níu chặt cây rừng cất bước đi về nơi an toàn. Khi đã được giải cứu, ai nấy cũng nói 4 từ tiếng Việt: “Cảm ơn Việt Nam”, “Cảm ơn Việt Nam”.

Xuân đã về, xin chúc cho các chiến sỹ biên phòng một năm mới an lành, hạnh phúc.   

HOÀNG CƯỜNG