Những tác động nguy hiểm của El Nino tới Việt Nam

17/08/2015 14:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một trong những tác động nghiêm trọng nhất của El Nino là gây ra tình trạng khan hiếm nước.

Một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường đã xảy ra ở khu vực châu Á từ đầu năm tới nay như nắng nóng kỷ lục kéo dài giết chết hàng trăm người ở Ấn Độ và Pakistan; hạn hán trên diện rộng tại Campuchia, Indonesia và Việt Nam; tình trạng thiếu nước tại Thái Lan.

Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong vài thập kỷ qua.
Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong vài thập kỷ qua. 

Theo CNN, các nhà nghiên cứu khí hậu tin rằng những hiện tượng trên là kết quả của đợt tăng cường mới của El Nino, một hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi tình trạng nóng lên của đại dương. 

Năm 2015 được ghi nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong vài thập kỷ qua. Các nhà khoa học cũng dự báo rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài tới năm 2016.

Một khi tác động của El Nino tăng cường, các nước châu Á (gồm cả Việt Nam) sẽ là những quốc gia phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Một khi hạn hán lan rộng hơn nữa, tình trạng thiếu năng lượng, lương thực cũng sẽ gia tăng và cuối cùng có thể dẫn tới những bất ổn về an ninh chính trị.

Theo CNN, để đối phó với tình trạng này các nước châu Á cần phải hành động ngay để giảm thiểu tác động của nó - đặc biệt là các nước nghèo.

Khô hạn nguồn cung cấp nước

Sản lượng thủy điện của các nước châu Á nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của El Nino.
Sản lượng thủy điện của các nước châu Á nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của El Nino. 

Một trong những tác động nghiêm trọng nhất của El Nino là gây ra tình trạng khan hiếm nước. Thủy điện chiếm tới 30% sản lượng điện của Việt Nam và 70% sản lượng điện của Myanmar, trong khi Nepal dựa 100% vào thủy điện.

Sản lượng điện sẽ sụt giảm khi hạn hán làm giảm lượng nước. Điều đó khiến các nước phụ thuộc vào thủy điện như Thái Lan, Việt Nam và Philippines bị sụt giảm nguồn cung cấp điện, các nhà máy thủy điện phải giảm hoạt động hoặc tạm đóng cửa trong những tuần gần đây.

Nguồn cung cấp thủy điện bị sụt giảm sẽ buộc các nước này phải tăng sản lượng nhiệt điện, tăng nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Hệ quả của tình trạng này là làm tăng giá nhập khẩu nhiên liệu, thúc đẩy lạm phát, tăng ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, hạn hán còn gây ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất lương thực. Khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thời gian thu hoạch bị trì hoãn. Tình trạng này đã được quan sát thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ và Philippines gần đây.

Vành đai lúa quan trọng của Thái Lan đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử đe dọa đẩy nông dân vào xuống hố sâu của nghèo đói và nợ nần. Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và Indonesia, Philippines có thể sẽ là các nước tiếp theo đưa ra động thái như vậy.

Ngành nuôi trồng, khai thác thủy hải sản

Khi nhiệt độ đại dương tăng, cá sẽ chuyển đến vùng nước sâu hơn sinh sống, khiến cộng đồng ngư dân có truyền thống khai thác ven bờ có thể mất kế sinh nhai.
Khi nhiệt độ đại dương tăng, cá sẽ chuyển đến vùng nước sâu hơn sinh sống, khiến cộng đồng ngư dân có truyền thống khai thác ven bờ có thể mất kế sinh nhai. 

El Nino cũng có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đối với đối với nghề cá. Khi nhiệt độ đại dương tăng, cá sẽ chuyển đến vùng nước sâu hơn sinh sống, khiến cộng đồng ngư dân có truyền thống khai thác ven bờ có thể mất kế sinh nhai. 

Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này là các nước ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Kiribati và Quần đảo Marshall, nơi thủy sản đem lại 55% GDP. Campuchia, Myanmar và Việt Nam dự kiến ​​cũng sẽ phải chịu những tác động không nhỏ do khai thác thủy sản chiếm 8-10% GDP và thu hút rất nhiều lao động.

Khi sản xuất lương thực bị ảnh hưởng, sự khan hiếm thực phẩm và xu hướng dự trữ lương thực sẽ tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng. Khi đợt El Nino gần nhất diễn ra vào năm 2010, giá các loại lương thực như gạo đã tăng tới gần 45%. 

Bên cạnh đó, khi lương thực và nhiên liệu khan hiếm, nhu cầu nhập khẩu cũng gia tăng. Điều này có thể khiến một số quốc gia buộc phải cắt giảm các các chương trình công cộng để cân đối ngân sách. 

Trong trường hợp cực đoan nhất, nó có thể dẫn tới bất ổn xã hội và chính trị. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã phát hiện ra rằng nguy cơ xung đột dân sự tăng gấp đôi trong thời kỳ El Nino diễn ra.

Khắc phục

Các khu vực chịu tác động của El Nino.
Các khu vực chịu tác động của El Nino. 

Nhận thức được những tác động tiêu cực và đáng lo ngại của hiện tượng El Nino, theo CNN một trong những bước đầu tiên mà các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng cần phải làm là quản lý tốt hơn kho lương thực của mình. 

CNN gợi ý một sáng kiến mà theo họ các chính phủ cần phải xem xét là làm sống lại hệ thống dự trữ lương thực trong từng khu vực. Hệ thống dự trữ lương thực đã được đề xuất tại  Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng lương thực gần nhất vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng trôi qua, một số quốc gia đã không còn quan tâm tới vấn đề này. 

Thứ hai, các nước trong khu vực cũng nên xem xét lại các thỏa thuận về dòng chảy và giảm tích trữ, bảo vệ và quản lý tốt hơn các lưu vực sông. Cải thiện và bảo tồn nguồn nước là một biện pháp rất quan trọng để giảm thiểu tác động của El Nino. 

Thứ ba, cần khuyến khích nông dân trồng các giống cây trồng chịu được hạn hán thay vì các loài cần nhiều nước.

El Nino cũng chỉ ra sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Các hiệp định thương mại về điện trong khu vực nên được khuyến khích như thỏa thuận mua bán điện giữa Ấn Độ và Bhutan.

El Nino rõ ràng là một hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhưng nó là sự phản ánh mối quan hệ giữa khí hậu trái đất với kinh tế. Trong lần xuất hiện năm 1997-1998, El Nino đã gây ra thiệt hại lên tới 45 tỉ USD. Trong lần trở lại này, mức thiệt hại được sự đoán sẽ còn tăng gấp 3 lần. 

Các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương cần phải phối hợp với nhau để chuẩn bị đối phó và hành động chung nhằm giảm thiểu tác động của El Nino.

El Nino là một sự ấm lên bất thường của đông Thái Bình Dương, chủ yếu dọc theo đường xích đạo.

Những vùng nước ấm hơn thường giới hạn ở phía tây Thái Bình Dương bởi những cơn gió thổi từ phía đông đến phía tây.

Nhưng khi El Niño xảy ra, những cơn gió này sẽ yếu đi và thậm chí có thể thổi theo hướng ngược lại, khiến các dòng nước ấm lan đến phía đông.

El Nino xảy ra theo chu kỳ 2-7 năm một lần với các cường độ khác nhau. Các vùng biển ở đông Thái Bình Dương có thể tăng lên đến 4 độ C (7 độ F) so với bình thường.

Nguyễn Hường