Những nữ chiến sĩ quả cảm trên con Đường Trường Sơn huyền thoại

29/04/2019 07:00
Tùng Dương
(GDVN) - Trong chiến công vĩ đại trên đường Trường Sơn, lịch sử luôn ghi nhớ hơn 2 vạn nữ chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân.

Ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến đường vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và giúp các bạn Lào, Campuchia. Đây là con đường chiến lược đặc biệt, nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn, con đường mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại.

Từ năm 1959 đến năm 1975 trên tuyến đường Trường Sơn đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất, gây mưa nhân tạo, tạo bùn nhằm cản trở tuyến vận tải này.

Nhưng bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được ý chí sắt đá của những con người mang khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn hiên ngang vươn tới các chiến trường.

Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang nối Đông với Tây Trường Sơn, nối các chiến trường ta và bạn với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được ý chí sắt đá của những con người mang khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ảnh minh họa: Thông Tấn Xã Việt Nam.
Bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được ý chí sắt đá của những con người mang khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ảnh minh họa: Thông Tấn Xã Việt Nam.

Nhiều đơn vị hoàn toàn là nữ

Trong chiến công vĩ đại của con đường Trường Sơn mang tầm vóc lịch sử, ngoài các chiến sỹ nam giới, chúng ta không thể không nhắc đến hơn 2 vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả sự hy sinh của bản thân mình.

Họ là những nữ Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh…

Các nữ công binh nguyện làm “Tường đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, dành giật lại từng mét đường, khi một đường bị đánh chặn thì có ngay hai, ba đường mới được mở ra. Đường chạy đêm bị đánh thì có ngay đường kín được mở.

Các nữ giao liên luôn đảm bảo đưa đón, bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh ra vào các chiến trường an toàn bí mật.

Các nữ thông tin, cơ yếu, quân y…Ngày đêm bán sát tuyến đường, phục vụ đắc lực cho các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Các chị em làm nhiệm vụ vận tải lấy sức người thay phương tiện, đã bắt chấp máy bay, bom đạt để vận chuyển vũ khí, hàng hóa về tới đích kịp phục vụ chiến trường.

Những chị em làm công tác văn hóa nghệ thuật, báo chí đã không nề gian khổ hy sinh, xung phong vào các tuyến đường để nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và các lực lượng.

Những nữ chiến sĩ quả cảm trên con Đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 2Bom đạn, chất độc hoá học không ngăn được bước chân người lính

Những tác phẩm nhiệt huyết, những vần thơ, tiếng hát trẻ trung đầy sức sống, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, tha thiết với quê hương đất nước của các chị tại mặt trận, dưới bom đạn đã động viên cổ vũ, góp phần làm nên những chiến công huyền thoại của tuyến đường.

Khi quy mô chiến trường mở rộng, yêu cầu chi viện ngày càng cao, vậy nên các chiến sĩ nữ tham gia trên chiến trường ngày càng nhiều.

Thực tế chiến trường cho thấy nữ chiến sĩ tỏ ra không thua kém nam giới trên tất cả các mặt trận, ngày càng có nhiều nữ chiến sĩ được bổ sung cho các đơn vị.

Năm 1965, đợt tuyển thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đầu tiên ở 14 tỉnh miền Bắc đã huy động được trên 5 vạn người tham gia và một nửa trong số đó là nữ.

Trong các đơn vị chuyển giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, các Công ty Giao thông và các địa phương, nữ chiếm một tỉ lệ khá cao, có những đơn vị phần lớn là nữ. Đội Thanh niên xung phong giải phóng Miền Nam cũng chiếm một tỉ lệ nữ khá lớn.

Quyết định đưa lực lượng nữ thanh niên vào Trường Sơn thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ vào nữ chiến sĩ và chủ trương phát huy vai trò nữ chiến sĩ trong sự nghiệp cách mạng nói chung, trên tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn nói riêng.

Mọi cung đường, tuyến, lĩnh vực hoạt động trên đường Trường Sơn, kể cả ở những tuyến trọng điểm ác liệt nhất, nữ chiến sĩ có mặt càng nhiều.

Có những đơn vị cấp Tiểu đoàn hoàn toàn là nữ. Nữ chiến sĩ tham gia mở đường, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, vận tải, quân y, lái xe, kho tàng, nuôi quân, văn công, đường ống xăng dầu và cả các đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ và mở rộng tuyến đường.

Năm 1965, đợt tuyển thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đầu tiên ở 14 tỉnh miền Bắc đã huy động được trên 5 vạn người tham gia và một nửa trong số đó là nữ. Ảnh minh họa: Thông Tấn Xã Việt Nam.
Năm 1965, đợt tuyển thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đầu tiên ở 14 tỉnh miền Bắc đã huy động được trên 5 vạn người tham gia và một nửa trong số đó là nữ. Ảnh minh họa: Thông Tấn Xã Việt Nam.

Những cái nhất của nữ chiến sĩ

Nữ chiến sĩ vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất là Trung đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế (Đại đội 759 Thanh niên xung phong) Vinh dự 5 lần ra Hà Nội báo công và được gặp Bác Hồ.

Nữ chiến sĩ được truy điệu nhiều nhất là Hồ Thị Thu Hiền (C202 – N241 – P31 Thanh niên xung phong đã 3 lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống khi xung phong nhận những nhiệm vụ nguy hiểm.

Nữ chiến sĩ bắn máy rơi bay địch bằng súng trường tại A Lưới là chị Hồ Kan Lịch.

Còn có Đại đội 29 nữ công binh thuộc Tiểu đoàn 2 – Binh trạm 13 đã bắn hạ máy bay F4H của địch.

Trung đội 20 – Đại đội 21 – Tiểu đoàn 1 – Binh trạm 11 đã bắn rơi một chiếc máy bay F4 bằng súng bộ binh.

Nữ kiện tướng gùi hàng là đồng chí Nguyễn Thị Bích Lạp thuộc C1 – D72 – Thanh niên xung phong Quảng Bình, mặc dù chỉ tiêu gùi hàng của nữ là 25 kg, mỗi ngày 7 chuyến với cự li 2 km, nhưng chị thường xuyên gùi 70 – 80 kg và 21 chuyến mỗi ngày, có nhiều chuyến chị gùi trên quãng đường 30 – 40 km.

Đồng chí Nguyễn Thị Huấn – Chính trị viên phó C2 – Tiểu đoàn 232 trung bình mỗi năm gùi khoảng 200 tấn hàng, bằng gần 3 lần khối lượng vận tải trung bình của đồng đội.

Năm 1970, khi tham gia chiến dịch Chu Lai, chị Huấn đã xung phong cõng 2 thân DKB, 1 đầu đạn DKB và 2 ngòi nổ, với trọng lượng 125 kg đi ròng rã nửa tháng trời.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, sáng 16/5/2019 sẽ diễn ra triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, với rất nhiều kỷ vật và những câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hoà bình, độc lập dân tộc. Ảnh minh họa:Thông Tấn Xã Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, sáng 16/5/2019 sẽ diễn ra triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn" tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, với rất nhiều kỷ vật và những câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hoà bình, độc lập dân tộc. Ảnh minh họa:Thông Tấn Xã Việt Nam.

Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng

Nhiều tập thể, cá nhân đã làm nên những chiến công huyền thoại, lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những hình ảnh “Mười cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc”, Can Lộc, Hà Tĩnh có tuổi đời từ 17 đến 24, do đồng chí Võ Văn Tần làm Tiểu đội trưởng.

Chiều ngày 24/7/1968, Tiểu đội được lệnh san lấp hố bom để sửa chữa đường cho xe qua. Bất ngờ tốp máy bay địch thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình của 10 cô gái. Cả 10 cô gái trẻ đã hy sinh lúc 17h.

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn mang tên người anh hùng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Hạnh gồm 35 người, do đồng chí Phùng Thị Viên làm Đội trưởng, trực thuộc tiểu đoàn 201.

Đội có 24 xe ô tô tải Gat - 51 và xe vượt tuyến. Nhiệm vụ của Đội là đưa bộ đội từ Bắc vào Nam và đón thương binh từ Nam ra Bắc.

Tuyến hoạt động chủ yếu là từ Bến Thủy đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm phải vượt qua mà địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt như Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời…

Tiểu đoàn vận tại 232 thuộc Cục Hậu cần Quân khu V do đồng chí Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, có nhiệm vụ chuyển hàng, tải thương.

Bước chân của các cô gái trong Tiểu đoàn đã in dấu khắp các núi rừng Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi, Gia Lai, Con Tum, Đường 9 Nam Lào…

Những nữ chiến sĩ quả cảm trên con Đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 5Nữ thanh niên xung phong gần 40 năm "ở goá" đi tìm mộ, thờ người yêu

Với khẩu hiệu và phương châm hành động: “Vai tăng cân, chân tăng chuyến” hoặc “Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”.

Lòng quyết tâm đã tạo ra những con người “Vai trăm cân, chân ngàn dặm”, làm nên sức mạnh và những chiến công huyền thoại của “Tiểu đoàn bà Thao”, “Ra quân như biển trào bão lốc, xuống đường như trời lở đất long”.

Ngoài ra còn rất nhiều đơn vị tiêu biểu có số lượng nữ trên 50% như C5 - Đội 25 Thanh niên xung phong.

Tiểu đội tác chiến nữ thuộc Đại đội 317 - Tổng đội 300 Thanh niên xung phong tại Truông Bồn. Tiểu đội anh hùng “Mười cô gái Truông Bồn” thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An đã quyết tử cho cung đường Truông Bồn luôn được thông suốt.

Đại đội 217 - Ban xây dựng 67, các nữ Thanh niên xung phong ở “Hang Tám Cô” trên đường 20 Quyết thắng thuộc xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Các nữ Thanh niên xung phong anh hùng như: La Thị Tám, Nguyễn thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp.

Những nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhạ, Nguyễn Thị Vân Liệu, Hoàng Thị Minh Thú…đã trở thành biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam.

Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân trên khắp chiến trường Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ, hơn 2 vạn cán bộ chiến sĩ, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh. Nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như: Ngã Ba Đồng Lộc, Linh Cảm, Truông Bồn, Ngã ba Khe Ve, Cổng trời đèo Mụ Dạ, Ngã ba Chà Ang, Cua chữa A, Đường 20 Quyết thắng, Phà Xuân Sơn, Phà Long Đại…

Và còn nhiều địa danh, những tên đồi, tên núi, tên sông, tên đường của đường mòn Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử như những kì tích huyền thoại của dân tộc.

(Bài viết có sử dụng tài liệu từ cuốn sách Nữ chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy bây giờ)

Tùng Dương