Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”?

16/03/2017 06:21
Kỳ Duyên
(GDVN) - Điều rất đáng buồn, rằng tội ác cứ tìm được chỗ để chui qua hàng rào pháp luật mà xâm hại trẻ.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Kỳ Duyên, một nhà bình luận với nhiều tác phẩm sắc sảo.

Bài viết này là các phân tích của tác giả trước việc các bé gái bị xâm hại ở góc độ xã hội và pháp luật.

Nhận thức, văn phong, quan điểm và các lập luận là của riêng tác giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Những ngày này, dư luận xã hội cả nước bất bình và phẫn nộ khi liên tiếp những vụ việc đau lòng và đáng xấu hổ xảy ra, làm tổn thương đặc biệt đến tâm sinh lý của các em gái nhỏ và gia đình các em.

Đó là một loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng.

Những vụ việc kiểu này không có gì là mới mẻ, tựa như… “điệp khúc” của những kẻ có dấu hiệu bệnh hoạn, biến thái. 

Một áp phích kêu gọi cộng đồng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại. (Ảnh: Hanoimoi.com.vn)
Một áp phích kêu gọi cộng đồng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại. (Ảnh: Hanoimoi.com.vn)

Cách đây vài năm, xã hội cũng từng xôn xao về những “ca” tương tự. Báo chí truyền thông khi đó đồng loạt lên tiếng. 

Và không ít cơ quan chức năng, các nhà quản lý xã hội, nhà tâm lý giáo dục cũng lên tiếng. Thế nhưng đến nay, những vụ việc suy đồi đó lại tiếp diễn, xã hội lại… lên tiếng bất bình. Đó là điều rất đáng buồn và đáng suy ngẫm.

1-Nổi bật nhất là vụ việc mà Báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 2014 đã có hàng loạt bài phản ánh, vụ “Dâm ô trẻ em tại Vũng Tàu”, nghi can là ông N.K.T, sinh năm 1940, nguyên là quan chức của ngành ngân hàng, ngụ tại chung cư Lakeside Vũng Tàu. 

Bị hại là một bé gái 5 tuổi. Người trực tiếp phát hiện là anh ViJay, một người quốc tịch nước ngoài sống tại chung cư này. 

Sự việc vỡ lở, cho thấy có tới 09 em bé gái là nạn nhân của ông N.K.T. 

Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”? ảnh 2

Nhà trường, Phòng Giáo dục Thủ Đức vẫn im lặng trước nghi án học sinh bị xâm hại

Đáng tiếc, vụ việc điều tra kéo dài một cách lạ lùng và khó hiểu, thậm chí dư luận xã hội cho rằng có nguy cơ chìm xuồng. 

Mới đây, Chủ tịch nước đã phải vào cuộc, chỉ đạo lãnh đạo Bộ Công An, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ và có kết luận. 

Trước đó, tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc cũng đã vào cuộc xác minh thông tin sau khi nhận được thư của Hãng Luật GOLD KEY (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), nơi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bé T.N.T- một nạn nhân trong vụ việc

2- Câu chuyện trên chưa lắng xuống, mới đây, lại một vụ việc khác xảy ra ở quận Hoàng Mai. 

Chị Nguyễn Thị L., mẹ của bé Y.N (sinh năm 2008) tháng 1/2017, tố cáo với cơ quan điều tra vụ Cao Mạnh H. (sinh năm 1983, quê Thái Bình, thường trú ở quận Hoàng Mai) có hành vi dâm ô với cháu Y.N. 

Sự việc xảy ra đã hai tháng nhưng công tác điều tra đến nay vẫn chưa sáng tỏ.

Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ xâm hại này. 

Được biết, ngày 14/3, cơ quan chức năng đã chính thức khởi tố vụ án hình sự. 

3- Cũng những ngày này, dư luận xã hội một lần nữa lại xôn xao trước một nghi vấn mới nhưng có vẻ rất phức tạp. 

Chị C., mẹ của cháu N., học sinh Trường tiểu học L.T.V (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm đơn tố cáo nghi ngờ con bị xâm hại tình dục. 

Cơ quan chức năng xem lại camera ghi hình vào ngày được cho là xảy ra sự việc, thì phát hiện camera (số 4) đặt ở vị trí gần cháu N. bị mất dữ liệu từ 11:18’ đến 12h:22’ ngày 14/2/2017, đó cũng là thời điểm nghi vấn bé bị xâm hại. 

Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”? ảnh 3

Ý kiến của Giám đốc Sở Giáo dục TP.Hồ Chí Minh về nghi án bé gái bị xâm hại

Công văn của nhà trường gửi cho cơ quan chức năng khẳng định việc camera số 4 tự dưng mất dữ liệu thời gian mà chị C. tố cáo, là do cô lao công dọn phòng cắt cầu dao (?). 

Còn trong một văn bản được cho là phát đi từ Phòng Giáo dục quận Thủ Đức không hiểu sao lại nhanh chóng khẳng định - bé N. bị… té ngã (VietNamNet, ngày 12/3). 

Đến thời điểm này, vụ việc của bé N. chưa rõ ra ngô ra khoai. Chỉ biết nỗi ám ảnh tinh thần cháu N., và sự hoài nghi đau khổ của gia đình cháu là có thật!

Chỉ biết nỗi đau của xã hội về hiện tượng những kẻ xấu xa xâm hại tình dục những đứa bé gái non nớt, dại khờ, còn đang tuổi làm nũng cha mẹ, là rất thật.

Bởi những số liệu chính thức về tội ác của những kẻ này với những em gái nhỏ - theo bà Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) ở đây là Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, là không hề nhỏ.

Hẳn khiến người lớn chúng ta, nếu có lương tâm phải nhức nhối vì “tội ác… không sợ bị trừng phạt”. 

Từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi, từ 867 vụ lên đến 1.544 vụ vào năm 2014. 

Như vậy, chia ra thì mỗi ngày có 03 đứa trẻ bị xâm hại, và cứ 8 giờ trôi qua, có ít nhất một đứa trẻ trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”. 

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình và trẻ em (CSAGA), trẻ bị xâm hại tình dục chiếm tới trên 70% trẻ bị xâm hại nói chung và đang ở mức báo động. 

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong năm 2016, có tới gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 24 vụ hiếp dâm, 47 vụ giao cấu (Tuổi trẻ, ngày 14/3).

Một điều rất đáng chú ý, nếu trước đây, những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, thường bị cho thuộc lớp du thủ du thực, lưu manh càn quấy, thì bây giờ, giật mình là những kẻ đó lại có thể là bất kể ai. 

Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”? ảnh 4

Những dấu hiệu bất thường từ nghi án bé gái học lớp 1 bị xâm hại tại trường học

Có thể là cán bộ, nhân viên văn phòng, và số ấy có người là người thân, họ hàng và cả ruột thịt của các em bé. 

Ai đó rất có lý khi nhận xét rằng, thật ra, những tội ác đó ở thời nào cũng có, ở thành phần nào cũng có. 

Có điều nhất là khi đạo lý văn hóa xã hội xuống cấp, các luồng thông tin văn hóa phẩm đồi trụy không được quản lý, cứ trôi nổi khắp ngang cùng ngõ hẻm, và ở thời thế giới phẳng, thì chỉ một cú nhấp chuột, vụ việc lập tức loang ra, cả cộng đồng đều biết.

Nhưng đáng chú ý nhất, cũng theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, nhiều vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu “chìm xuồng” hoặc bị xử lý theo hướng làm nhẹ? 

Vì sao? 

Vì đối tượng xâm hại phải chăng chỉ là đứa trẻ non nớt chưa bị gây ra hậu quả nghiêm trọng - theo “cách nghĩ” của những người có trách nhiệm? 

Hay vì điều tra ở những vụ việc này rất khó, do tâm lý các em bé quá hoảng sợ, mà công việc điều tra không "đi đến nơi về đến chốn"?.

Hay còn vì những nguyên nhân gì gì nữa rất khó hiểu, rốt cuộc gia đình các em bé không may đành phải nuốt nỗi đau đớn, tủi hận trong lòng?

Điều đáng suy nghĩ, Việt Nam là quốc gia thứ hai và là quốc gia đầu tiên ở châu Á ký kết Công ước Quyền Trẻ em năm 1990. 

Không chỉ thế, Nhà nước còn có tới mấy bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em, nhưng tội ác vẫn cứ tìm được cách… chui qua hàng rào pháp luật mà xâm hại trẻ. 

Những kẻ xấu xa và “lỗi chị lao công”? ảnh 5

Im lặng là tội ác!

Chỉ khi các vụ việc xảy ra, theo lệ thường, các giải pháp quản lý và bảo vệ trẻ em lại được… nhắc đi nhắc lại, bài bản đến thuộc lòng (!)

Nhưng liệu nó có đủ sức ngăn ngừa tội phạm không?

Ở ngay Hà Nội, mà giờ ra chơi, các em bé gái tiểu học được cô giáo dặn rất kỹ, nếu đi vệ sinh, phải rủ nhau 2-3 bạn cùng đi. 

Ngay ngôi trường tiểu học cũng khó có thể là nơi có thể bảo vệ được những đứa bé gái quá non dại, thì đâu mới là nơi cho các em trú ẩn an lành?

Còn ở tận chót mũi Cà Mau, một bé gái 13 tuổi đã phải uống thuốc tự tử vì tố cáo bị hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần, nhưng kết luận của cơ quan chức năng là không đủ cơ sở khởi tố vụ án? 

Cái chết đầy tuyệt vọng, mất hết niềm tin của em liệu có thức tỉnh được nhân tâm những người lớn đang sống không?

Và những kẻ xấu xa, bệnh hoạn liệu vẫn cứ nhởn nhơ "như chưa có bao giờ… may như hôm nay"?

Làm thế nào đây để tội ác này bị diệt trừ?

Kỳ Duyên