Những hy sinh thầm lặng trong “điểm nóng” Chí Linh

18/02/2021 07:11
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các y bác sĩ luôn nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, tận tụy phục vụ, thương yêu chăm sóc người bệnh.

Nước ta, sau khi đi qua 2 làn sóng lây nhiễm Covid-19, đang bước vào làn sóng thứ 3. Làn sóng lây nhiễm thứ 1 đạt đỉnh ngày 2/4/2020, với 158 người được điều trị. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 đạt đỉnh ngày 17/8/2020, với 492 người được điều trị.

Làn sóng thứ 3, bắt đầu 27/1/2021, tính đến ngày 16/2, Bộ Y tế cho biết, có 679 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó Hải Dương 501 ca, Quảng Ninh 59 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 36 ca, Hà Nội 34, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca… Những con số nêu trên cho thấy chưa bao giờ có đợt lây nhiễm COVID-19 lớn như vậy.

Tuy nhiên, dưới sự quyết tâm của Chính phủ, các ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của hàng trăm y bác sĩ đã góp phần quan trọng khống chế và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế đều đã có những nỗi niềm riêng, hi sinh thầm lặng, góp phần cho thắng lợi của dịch COVID-19.

Anh Vũ Quy Bắc (Bác sĩ Khoa Khám bệnh) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ánh (Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm) đều làm việc tại Trung tâm Y tế Thành phố Chí Linh (Hải Dương).

Tết này có lẽ là đặc biệt nhất của họ khi cùng nhau điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại điểm nóng nhất của tâm dịch Chí Linh.

Khi phát hiện những ca lây nhiễm đầu tiên và nhận được nhiệm vụ từ cấp trên, anh chị chỉ kịp gọi về cho ông bà để dặn dò và gửi gắm con nhỏ.

“Mọi thứ diễn ra trong một khoảng thời gian quá gấp gáp. Chúng tôi phải làm việc với một cường độ gần như quá tải so với ngày thường. Số lượng bệnh nhân đông mà lại là bệnh nhân COVID-19 nên khoảng thời gian đầu cũng khá căng thẳng”, anh Bắc tâm sự.

Điều lo lắng nhất của anh chị hiện giờ là các con đang là F2 tự cách ly tại nhà.

Cặp vợ chồng diệt COVID -19 Vũ Quy Bắc và Nguyễn Thị Ánh. Ảnh: Bộ Y tế.

Cặp vợ chồng diệt COVID -19 Vũ Quy Bắc và Nguyễn Thị Ánh. Ảnh: Bộ Y tế.

Nên duyên vợ chồng từ năm 2007, trong 14 năm qua có lẽ đây là khoảng thời gian thử thách nhất với chị Ánh.

Gọi là “đồng đội” cùng chung chiến hào chống Covid, nhưng đã qua 20 ngày làm việc chung trong một bệnh viện họ lại không được gặp mặt trực tiếp. Hai vợ chồng vẫn thường nhắn tin động viên nhau và gia đình ở hậu phương cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đêm 30 Tết, chị Ánh nhận được tin nhắn của chồng: “Làm sao cùng nhau đón Giao thừa được nhỉ?”.

Chị Ánh nhắn lại: “Em có cách rồi. Chồng ra ngoài đi!”. Từ tầng 2 của khu xét nghiệm, vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, chị Ánh gọi chồng bằng cách mà như chị nói “từ hồi lấy nhau giờ mới gọi lại”: “Người yêu ơi! Quay lại đây, em nhìn một tý!”.

Anh Bắc quay lại, chị Ánh và chồng trao đổi ánh mắt trong phút chốc rồi vội vàng trở về với nhiệm vụ quen thuộc.

Cuộc chiến với COVID-19 tuy không có bom đạn, nhưng sự hy sinh lại là điều không tránh khỏi. Họ cống hiến hết mình vì trách nhiệm và vì sứ mệnh thiêng liêng của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng.

Bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong số ít những bác sĩ thuộc thế hệ 9x đã 2 lần chi viện cho điểm nóng là Đà Nẵng và Hải Dương.

Nhiệm vụ của anh là chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.

Từng là một trong những bác sĩ trẻ trong đoàn công tác chống dịch của Bệnh viện Bạch Mai chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng năm 2020, 20h30 phút ngày 6/2, bác sĩ Toàn nhận được tin nhắn từ lãnh đạo một lần nữa tiến vào tâm dịch: “Toàn về Hải Dương nhé”.

Bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những bác sĩ trẻ nhất từng 2 lần chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng – Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế

Bác sĩ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những bác sĩ trẻ nhất từng 2 lần chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng – Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế

Là người đã từng đồng hành cùng Đà Nẵng suốt quá trình gần 2 tháng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, thời kỳ đỉnh điểm có đến 12 ca tại khoa ICU, bác sĩ Toàn cho biết: “Dịch ở bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương đều rất nhanh. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng virus lan nhanh trong bệnh viện, đặc biệt lại là Khoa thận nhân tạo, các bệnh nhân tử vong trong đợt dịch đó đa phần đều mắc suy thận mạn và những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng xấu ngay từ đầu”.

Còn ở “chiến trường” Hải Dương, bác sĩ Toàn cho rằng điều may mắn là tại ổ dịch Poyun đa phần người mắc là công nhân đều khỏe mạnh, ít bệnh lý nền, sức đề kháng tốt, khả năng diễn biến nặng thấp hơn so với Đà Nẵng.

Đêm 29 Tết, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái.

Nhận định sơ bộ tình hình, bác sĩ Toàn thấy bệnh nhân có triệu chứng giảm ô xy máu thầm lặng khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn.

Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu đồng thời bổ sung thêm thầy thuốc để theo sát bệnh nhân liên tục.

Bác sĩ Toàn nhớ lại “đêm trắng” hôm đó: “Tôi đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân diễn biến cực kỳ nhanh, buổi sáng chỉ có biểu hiện khó thở nhưng đến chiều chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60%, so với 95% của người bình thường, đây là con số vô cùng thấp. Tôi và ê-kíp đã túc trực cùng bệnh nhân đến sáng sớm. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị”.

Nhà chỉ cách nơi bác sĩ Toàn “chống giặc” chỉ 15km, nhưng bác sĩ Toàn không thể về nhà. Bố mẹ muốn lên thăm, bác sĩ Toàn nhất định không chịu bởi bác sĩ biết mình là một trong những đối tượng có nguy cơ nhất nên cần giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Sau nhiều năm, lần đầu tiên bác sĩ Toàn đón một cái Tết đặc biệt như vậy.

Mặc dù đã dự định ngày cưới, nhưng vì lời kêu gọi cho tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) đã gác lại chuyện riêng, hoãn cưới và xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Năm 2020 đã qua là năm vô cùng đáng nhớ đối với bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân vì chị đã 3 lần hoãn cưới để lao vào điểm nóng chống dịch.

Trong năm 2020, bác sĩ Ngân đã có kế hoạch tổ chức đám cưới cùng chồng đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh.

Tuy nhiên dịch bệnh bất ngờ bùng phát, không một chút ngần ngại chị đã ngay lập tức tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Quảng Ninh.

“Đợt dịch đầu tiên, tôi vào viện từ giữa tháng 2/2020, lúc đấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp đồng hành chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi bệnh mới chịu rút quân và khi tôi hết thời gian cách ly thì đã là tháng 5/2020”, bác sĩ Ngân chia sẻ.

Bác sĩ Ngân chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Y tế

Bác sĩ Ngân chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Y tế

Sau khi đợt dịch đầu tiên đã được kiểm soát, còn chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (8/2020) lại bùng phát, bác sĩ Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch, cùng với những diễn biến phức tạp, chị lại hoãn cưới lần 2.

Tưởng chừng như đám cưới đã 2 lần lỡ dở sẽ được tổ chức êm đẹp, thì một lần nữa dịch bệnh lại ập tới đầu năm nay, tâm dịch lần này ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bệnh viện Phổi nơi bác sĩ Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Gác lại những nỗi niềm riêng, bác sĩ Ngân và chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong người vòng ngoài.

“Đám cưới lại thêm một lần trì hoãn, vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức được. Nhưng vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vì vậy câu chuyện cá nhân của bản thân có thể gác lại sau cũng được. Chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi được đại dịch”, bác sĩ Ngân tâm sự.

Phẩm chất của các thầy thuốc Việt Nam đã được phát huy rạng ngời trong dịch COVID-19. Luôn nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Những phẩm chất ấy đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân về một thắng lợi “vang dội” nữa của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh quái ác này.

Trần Phương