Nhiều lao động nghe tăng tuổi hưu rất hãi, sợ không đủ sức làm việc đến 60

21/09/2019 07:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là nhấn mạnh của Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đề nghị phân biệt rõ từng đối tượng áp dụng.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Quochoi.vn
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Quochoi.vn

Với cán bộ công chức thì tất cả đều tăng, với viên chức thì tăng đối với một bộ phận lớn, còn với người lao động phổ thông thì việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ.

“Nhiều người lao động nghe thấy tăng tuổi nghỉ hưu thì rất "hãi" vì sợ không đủ sức làm việc đến 60”, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói.

Về vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, ông Hiểu nêu quan điểm, chúng ta từ một nước thu nhập thấp đã trở thành nước thu nhập trung bình nên có lẽ cần tính đến việc giảm giờ làm để đảm bảo công bằng giữa người lao động trong và ngoài Nhà nước.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động dẫn nghiên cứu cho thấy càng làm việc kéo dài, nguy cơ tai nạn lao động càng tăng lên và năng suất lao động thấp đi.

Kèm theo đó là rất nhiều hệ lụy như sức khỏe người lao động giảm sút, người lao động không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhiều phụ nữ không có điều kiện đi tìm bạn đời, con cái phải gửi ở quê, con mắc bệnh tự kỷ, suy dinh dưỡng…

"Nhiều người lao động bày tỏ tâm tư với chúng tôi là làm việc hết ngày thứ 7 gần như đi làm về chỉ đi ngủ lấy sức để tuần tới lại làm việc tiếp, không có thời gian nào cho con cái", ông Hiểu nói.

Tiếp cận vấn đề ở góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng chúng ta phải tạo áp lực cho doanh nghiệp, rằng muốn cạnh tranh được phải bằng công nghệ và năng lực quản trị chứ không phải chỉ chủ yếu là đổ gánh nặng lên vai người lao động. Đó cũng là mục tiêu để phát triển bền vững và lâu dài.

Cũng cho ý kiến tại phiên họp về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Quy trình này làm rất thận trọng, biết được thời gian kết thúc, lộ trình rất từ từ tịnh tiến, trong 1 năm không có gì xáo động lắm, không có tác động gì lớn đến quỹ bảo hiểm, những biến động khác không có gì biến động.

Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) nêu quá trình hoàn thiện dự thảo vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu giáo viên nếu không giảm được thì xin đừng tăng
Tuổi nghỉ hưu giáo viên nếu không giảm được thì xin đừng tăng

Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Cụ thể, dự thảo Luật đang có 2 phương án.

Phương án 1: quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo phương án này thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Phương án 2 như Chính phủ trình, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của nghị quyết số 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới. Hiện tại, đa số trong Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành phương án 1.

Đỗ Thơm