Nhiều cha mẹ lựa theo thế mạnh, không ép con vào đại học

09/07/2021 06:19
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh chia sẻ, không bằng mọi giá để ép các con vào đại học, mà cần tôn trọng năng lực và sở thích của các em.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, với sự tham dự của khoảng 87.000 thí sinh tại 155 điểm thi.

Tuy nhiên, lúc này có một vấn đề cần đặt ra đó là các bậc phụ huynh sẽ làm gì khi các con không đậu vào những trường đại học danh tiếng như mong muốn?

Chiều ngày 8/7, trong khi con đang làm bài thi môn Anh văn tại điểm thi trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, chị Nguyễn Thị Lan Hương (ở quận 10) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: "Nhà tôi có hai con gái. Cô chị học lớp 12 và cô em học lớp 10. Tất cả đều học ở trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1, một trong những trường có sức học tốt nhất của thành phố.

Khác với cô em có năng khiếu về môn cầu lông, thì cô chị lại giỏi về các môn khối tự nhiên.

Sau kỳ thi tốt nghiệp quan trọng này, bao nhiêu học sinh sẽ được đi theo nghề mình yêu thích? (ảnh: P.L)

Sau kỳ thi tốt nghiệp quan trọng này, bao nhiêu học sinh sẽ được đi theo nghề mình yêu thích? (ảnh: P.L)

Chị Lan Hương cho biết luôn tôn trọng và phát triển sở thích, thế mạnh của các con, không bao giờ ép buộc phải học môn này giỏi, môn kia giỏi, phải theo ngành này, ngành kia.

Theo chị Hương, mọi người cứ hay nghĩ rằng giỏi thể thao là không cần thiết bằng kiến thức sách vở, nhưng không biết rằng có biết bao nhiêu hệ lụy khi sức khỏe của các con không đảm bảo.

“Giáo dục cần phát triển năng lực toàn diện theo hướng cả trí, đức, thể, mỹ chứ đâu phải chỉ lúc nào cũng chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức. Tôi nghĩ cần phải định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai cho học sinh, làm sao phải phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của học sinh, tránh tình trạng áp đặt”, chị Hương khẳng định.

Đồng quan điểm nay, anh Nguyễn Tuấn Anh (ở quận Tân Bình), một phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh nói rằng, các bậc phụ huynh hoàn toàn không nên áp đặt, mà cần lắng nghe nguyện vọng, tìm hiểu điểm mạnh, sở thích của con em mình.

Từ đó, phụ huynh cần sát cánh, đồng thời hướng dẫn, giúp cho các con được những tích lũy, trải nghiệm trong thực tế, từ đó sẽ có cái nhìn rõ nét hơn, đúng đắn hơn về nghề nghiệp mà con mong muốn được theo trong tương lai.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải tìm hiểu, phân tích tiềm năng phát triển của nghề mà con mình muốn theo học, nhu cầu thực tế trong xã hội như thế nào.

Hướng nghiệp không hề dễ dàng, nhưng nếu có sự chuẩn bị chủ động phụ huynh hoàn toàn có thể giúp các con phát huy được năng lực, thế mạnh riêng.

Cũng như vậy, anh Nguyễn Anh Tuấn (ở quận Bình Tân), hiện có con đang học lớp 11 Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thì nói rằng: Hiện nay rất nhiều cử nhân, có bằng đại học ra trường nhưng vẫn thất nghiệp.

Đó chính là do các em không được định hướng nghề nghiệp, khả năng và công việc phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.

Chính vì vậy, học sinh cần được định hướng nghề nghiệp càng sớm càng tốt, ngay từ những năm đầu tiên của bậc trung học phổ thông, giúp các em không bị chọn sai ngành, sai nghề mà mình theo đuổi.

Việt Dũng