Nhật Bản giúp Ấn Độ xây quốc lộ chiến lược ở Arunachal bất chấp TQ

07/11/2014 09:05
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản đã có quyền hiện diện ở tuyến đường chiến lược giáp Trung Quốc, có công nghệ tiên tiến, sẽ đầu tư các loại dự án hạ tầng ở Ấn Độ.
Quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ (ảnh tư liệu)

Đài tiếng nói nước Nga ngày 4 tháng 11 đưa tin, Nhật Bản đã nhận được quyền hiện diện ở biên giới Trung-Ấn bên phía Ấn Độ. Ấn Độ đồng ý cho cơ quan phối hợp quốc tế Nhật Bản tiếp nhận dự án xây dựng quốc lộ biên giới Trung-Ấn, ở khu vực đông bắc nước này. Trong đó, người Nhật Bản sẽ thi công quốc lộ dài 1.800 km nằm ở khu vực bang Arunachal, thuộc khu vực biên giới Trung-Ấn.

Theo bài báo, quyết định này gây ra bất mãn mạnh mẽ cho Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng bang Arunachal là một phần của Tây Tạng. Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện Khoa học Nga, Saumjan cho rằng, Bắc Kinh chưa từng thừa nhận "tuyến McMahon" của  biên giới Trung-Ấn men theo núi Himalaya.

Bà nói: "Mặc dù cấp cao Trung-Ấn thăm nhau không gián đoạn, trong rất nhiều vấn đề có thể đạt được nhất trí và đồng ý với nhau duy trì quan hệ hữu nghị, nhưng xung đột biên giới Trung-Ấn vẫn tồn tại. Ấn Độ phần nào lo ngại Trung Quốc có khả năng có các hành động không hữu nghị ở biên giới".

Theo bài báo, Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng cơ sở tiên tiến ven "tuyến McMahon". Nhưng, Ấn Độ thi công quốc lộ liên kết các trạm gác ở ven biên giới và tiến hành kiểm soát hiệu quả đối với biên giới đã dẫn đến sự lên án của Bắc Kinh. Trung Quốc thậm chí phản đối Ngân hàng phát triển châu Á cung cấp khoản vay cho chương trình xây dựng biên giới của Ấn Độ.

Quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Quân đội Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ (ảnh tư liệu)

Vì vậy, Nhật Bản tham gia xây dựng biên giới phía đông bắc Ấn Độ không thể không khiến cho Bắc Kinh phản đối. Truyền thông Trung Quốc ám chỉ cho rằng, người Nhật Bản lần cuối cùng xuất hiện ở khu vực này là vào thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi đó đã tác chiến cùng với binh sĩ Anh, Ấn Độ ở bang Nagaland, Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo bà Saumjan, lựa chọn Nhật Bản xây dựng quốc lộ ở đông bắc Ấn Độ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Bà giải thích: "Nhật Bản có công nghệ hiện đại và công nghệ xây dựng đường sá. Ngoài ra, quan hệ Ấn-Nhật ngày càng chặt chẽ. Hai nước có lợi ích và quan điểm chung trong rất nhiều vấn đề. Vì vậy, tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ phải thỏa hiệp đối với loại hợp tác này".

Bài báo cho rằng, điều phải chỉ ra là, công ty Nhật Bản sẽ không chỉ xây dựng một con đường bình thường cho Ấn Độ. Tuyến đường quốc lộ chiến lược này xây dựng ở vùng núi khó khăn cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải có liên quan đến cầu và đường hầm. Đối với New Delhi, điều có lợi nhất là ngoài xây dựng quốc lộ, Nhật Bản còn bày tỏ mong muốn đầu tư 35 tỷ USD cho các loại dự án xây dựng hạ tầng cơ sở của Ấn Độ.

Binh sĩ biên phòng Ấn Độ
Binh sĩ biên phòng Ấn Độ
Việt Dũng