Nhân viên văn thư, y tế học đường học bồi dưỡng sư phạm để đứng lớp được không?

29/10/2018 06:14
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc cho nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng... đi học bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc rồi chuyển đổi qua làm giáo viên là “tối kiến” cần được dẹp bỏ.

LTS: Chia sẻ về việc tỉnh Đắk Nông cho nhiều nhân viên trường học trên địa bàn tự nguyện đi học bồi dưỡng kiến thức sư phạm để trở thành giáo viên và giữ suất biên chế, cô Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Câu chuyện 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk bị tinh giản biên chế viết tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm nhiều người quan tâm.

Dù giảm biên chế nhưng chính tỉnh Đắk Lắk vẫn thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên mầm non (khi thực hiện chương trình dạy học mới).

Thiếu giáo viên đứng lớp đương nhiên giáo viên biên chế phải dạy tăng tiết, tăng giờ. Nếu dạy quá nhiều cũng khó mà đảm bảo chất lượng dạy học.

Không làm như tỉnh bạn, tỉnh Đắk Nông đã giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bằng cách cho nhiều nhân viên trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tự nguyện đi học bồi dưỡng kiến thức sư phạm để trở thành giáo viên và giữ suất biên chế.

Quan điểm của Bộ Nội vụ về việc 500 giáo viên mất việc ở Đắk Lắk

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo năm học 2018-2019 toàn tỉnh có 11.872 giáo viên, trong đó có 11.544 biên chế. Tính theo định mức, toàn ngành hiện thiếu 1.093 biên chế.

Riêng bậc mầm non thiếu 839 biên chế, trong đó bậc mẫu giáo thiếu nhiều nhất với 783 biên chế và nhà trẻ thiếu 56 biên chế.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song cho biết, trong thời gian chờ tăng biên chế giáo dục, huyện Đắk Song đã vận động, khuyến khích nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng… tham gia học văn bằng hai hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để chuyển sang giảng dạy.

Năm học này, toàn huyện có gần 50 nhân viên đang tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và sẽ được xét duyệt để chuyển đổi.

Tính tới thời điểm hiện tại, huyện Cư Jút chuyển đổi được 15 người, thị xã Gia Nghĩa 6 người và Đắk R’Lấp 5 người...

Người mừng vui, người sẽ gánh hậu quả

Việc cho nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng... đi học bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc rồi chuyển đổi qua làm giáo viên ở huyện Đắc Nông, có thể nói đây chính là “tối kiến” cần được dẹp bỏ.

Có lẽ tỉnh này đã rất mừng vì vừa giải quyết được việc tinh giản biên chế nhân viên hành chính mà không làm mất lòng ai, vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên hiện tại.

Nhân viên văn thư, y tế học đường học bồi dưỡng sư phạm để đứng lớp được không? (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Nhân viên văn thư, y tế học đường học bồi dưỡng sư phạm để đứng lớp được không? (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Những nhân viên trong dạng được bố trí đi chuyển đổi sẽ rất mừng vì đã không bị giảm biên chế mà còn được chuyển ngạch sang làm giáo viên.

Thế nhưng việc đáng mừng của người lớn đã đẩy gánh nặng về chất lượng đội ngũ cho nhà trường.

Điều đáng lo ngại nhất sẽ trực tiếp tác động đến chất lượng dạy và học của học sinh.

Nhiều người cứ nghĩ đơn giản “dạy trẻ con ấy mà. Trẻ con thì ai mà chẳng dạy được”. Nếu cứ đơn giản thế, sao cứ phải tổ chức thi tuyển và đào tạo giáo viên từ 3-4 năm?

Và Bộ Giáo dục còn đang đưa đề xuất nâng trình độ chuẩn của giáo viên các bậc học lên đại học mới đáp ứng được việc dạy học chương trình mới.

Nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng… trường học không ít người trước đây chỉ học lớp 12 (thậm chí lớp 8, lớp 9…) rồi qua vài lần chuẩn hóa có bằng phổ thông, rồi bằng nghề.

Nay cho họ đi học vài tháng bồi dưỡng và bố trí đứng lớp như giáo viên học chính quy vài năm liền liệu có hợp lý chăng?

Đó là chưa nói đến việc bồi dưỡng văn hóa của chúng ta hiện nay, thời gian học thì ít, chất lượng bồi dưỡng cũng chẳng cao.

Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với!

Không ít người chỉ học như chơi chủ yếu kiếm cái chứng chỉ công nhận là đạt.

Trẻ nhỏ kiến thức không nhiều nhưng lại rất cần kĩ năng sư phạm của người thầy. Điều này cũng chẳng bỗng dưng có được mà phải được đào tạo, bồi dưỡng và được tích lũy lâu dài trong thực tế.

Nay vì giải quyết tình trạng người biên chế thất nghiệp, tình trạng thiếu giáo viên mà tỉnh Đắk Nông áp dụng biện pháp này cho thấy họ đang quá xem nhẹ môi trường giáo dục. Ai cũng có thể dạy được và ai cũng có thể làm thầy.

Nhiều tỉnh thành thực hiện việc luân chuyển giáo viên ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông xuống mẫu giáo và tiểu học.

Những giáo viên ở hai bậc học trên học cũng có cả 4 năm học trong trường sư phạm. Thế nhưng khi xuống dạy những đứa trẻ còn gặp khá nhiều khó khăn.

Huống hồ họ chỉ là nhân viên sau vài tháng bồi dưỡng là bỗng nhiên thành giáo viên được chăng?

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu giáo viên?

Đã thực hiện việc tinh giản biên chế cần thực hiện triệt để. Nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng… dư thừa nếu không bố trí được những công việc liên quan thì mạnh dạn cho nghỉ theo chế độ.

Không thể vì giữ biên chế cho họ mà đẩy trách nhiệm sang cho ngành giáo dục.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh Đắk Nông buộc phải tuyển mới giáo viên. Đó có thể là giáo sinh khá giỏi (hiện đang thất nghiệp khá nhiều) hoặc có thể thực hiện việc luân chuyển giáo viên ở vùng dư thừa qua vùng thiếu (thực hiện chính sách biệt phái theo nhiệm kì quy định).

Đừng vì việc phải thực hiện đề án tinh giản biên chế, đừng vì cái lợi của người lớn mà để hậu quả cho học sinh phải gánh chịu.

Khi ta chấp nhận đầu tư cho giáo dục một cách chính đáng thì kết quả mang lại chắc chắn sẽ là thành quả ngọt ngào.

Phan Tuyết