Nhân văn trong Giáo dục là phải làm đến cùng và công khai gian lận điểm thi

01/06/2019 06:36
TRẦN PHƯƠNG
(GDVN) - Các cơ quan chức năng cần làm quyết liệt, làm rõ ràng những sai phạm liên quan đến điểm thi, đó mới là nhân văn và trả lại đúng vị trí cho Giáo dục

Đó là ý kiến bày tỏ về việc giải quyết gian lận điểm thi của Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng, nguyên Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, đến nay, việc giải quyết gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt.

Đặc biệt, những thông tin công bố gần đây trên báo Tuổi trẻ đã gây sốc dư luận khi trung bình số tiền chạy điểm tại Sơn La được cho là trung bình lên tới 1 tỷ đồng và nhiều thủ đoạn sửa điểm theo “đơn đặt hàng” đã khiến dư luận bàng hoàng.(1)

Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm

Những đối tượng nằm trong đường dây gian lận điểm thi năm 2018 tại Sơn La quá trắng trợn. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những thủ đoạn, số tiền chạy điểm tại Hà Giang, Hòa Bình.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây tranh cãi thời gian qua chính là việc công khai điểm thi và danh tính của các phụ huynh và thí sinh sai phạm ở 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Tuy nhiên, việc công khai hay không công khai danh tính thí sinh và phụ huynh có con gian lận điểm thi vẫn là vấn đề gây tranh cãi bởi lý do được cho là nhân văn.

Con số sai phạm lên đến hàng trăm thí sinh liên quan đến hàng trăm phụ huynh.

Việc công bố hay không công bố trở thành vấn đề được coi là nhạy cảm trong suốt một thời gian dài và đến nay vẫn chưa có quan điểm chính thức từ phía cơ quan chức năng.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trước hết cần phải nhìn nhận rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng làm xấu hình ảnh của giáo dục nước nhà.

Để lấy lại hình ảnh đó, các cơ quan chức năng cần giải quyết sai phạm một cách quyết liệt, đảm bảo xử lý không có vùng cấm đối với sai phạm.

Cần làm rõ sai phạm của từng cá nhân, tập thể để đưa ra những hình thức kỷ luật thích đáng.

Không chỉ công khai những kẻ trực tiếp vi phạm mà cần phải công khai cả những phụ huynh tiếp tay cho vi phạm. (Ảnh: Tổng hợp từ Giaoduc.net.vn, cand, TTXVN)
Không chỉ công khai những kẻ trực tiếp vi phạm mà cần phải công khai cả những phụ huynh tiếp tay cho vi phạm. (Ảnh: Tổng hợp từ Giaoduc.net.vn, cand, TTXVN)

“Xử lý vụ việc này không còn là câu chuyện nhân văn hay không nhân văn nữa mà nó là vấn đề công bằng xã hội.

Để xây dựng một nền giáo dục tử tế tiếp cận với thế giới cần tạo sự công bằng.

Cần làm căng, làm rất rõ các sai phạm, cần công khai rõ các em chạy điểm, phụ huynh chạy điểm để cho cả xã hội biết, thậm chí công bố cả số tiền mà họ đã bỏ ra để chạy điểm, tiếp tay cho gian lận.

Bên cạnh đó cũng cần công bố cả những người nhận hối lộ đó. Họ nhận được bao nhiêu, nhận từ đâu, làm rõ ra. Nghĩa là đưa cả hệ thống đó ra ánh sáng để nhân dân thấy rằng ngành Giáo dục có quyết liệt với sai phạm và chúng ta muốn sự công bằng trong giáo dục.

Việc công bằng sẽ đảm bảo những ai có tài năng thật sự, nhân tài thực sự sẽ dùng còn những người dùng tiền để mua địa vị chỉ là những kẻ vứt đi. Làm được việc này đó mới là nhân văn”, Tiến sĩ Hùng nêu quan điểm.

Giáo dục đại học dành cho “đa số”, nhưng ai hưởng lợi? ai trả giá?

Cũng theo ý kiến của Tiến sĩ Hùng, việc giải quyết cần phải quyết liệt đến những năm trước đó: “Không chỉ năm nay, những năm trước nữa cũng cần phải làm rõ, rà soát lại những trường đại học trong ngành công an, ngành quân đội và ngành y.

Để những kẻ chỉ có tiền, dùng tiền của bố mẹ chiếm chỗ những em có tài năng thật sự thì đất nước sẽ đi về đâu?”.

“Đất nước còn đang khó khăn mà để những kẻ không có trí tuệ, có năng lực vào những vị trí quan trọng thì khác nào giết đất nước đâu.

Theo tôi, việc công bố, công khai tất cả những sai phạm vừa qua đến với quần chúng nhân dân đó mới là nhân văn và trả lại vị trí cho Giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho rằng việc làm nhân văn nhất lúc này là phải công khai toàn bộ các sai phạm để đảm bảo những sai phạm ấy không lặp lại. (Ảnh: NVCC)
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho rằng việc làm nhân văn nhất lúc này là phải công khai toàn bộ các sai phạm để đảm bảo những sai phạm ấy không lặp lại. (Ảnh: NVCC)

Tính nhân văn ở đây là gì? Đó chính là bênh vực những con người có năng lực thật sự, công bằng trong giáo dục sẽ được thể hiện. Ai có tài năng, có năng lực sẽ có một vị trí, một chỗ ngồi đàng hoàng và được xã hội trọng vọng. Đó chính là nhân tài thực sự để giúp đất nước phát triển”, Tiến sĩ Hùng nêu quan điểm.

“Người xưa nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và Hoàng đế Quang Trung cũng đã từng nói: “…dựng nước lấy dạy học làm đầu, muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc…” bây giờ Giáo dục để những kẻ gian lận ấy chiếm chỗ những người xứng đáng hơn thì Giáo dục sẽ đi về đâu? Do đó, phải làm thật quyết liệt và công khai tất cả cho nhân dân thấy đó mới chính là nhân văn trong giáo dục”, Tiến sĩ Hùng một lần nữa khẳng định lại quan điểm.

Tổng số thí sinh gian lận tại kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018:

Hà Giang có tổng cộng 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, ít nhất từ 1 đến cao nhất 8,75 điểm (một môn) đã được công khai.

Hòa Bình có 64 thí sinh, Sơn La có 44 thí sinh nhưng tất cả nằm trong bí mật vì được cho là nhân văn khi không công bố. 

Tổng các trường hợp gian lận này lên tới 221 thí sinh năm 2018 và 1 thí sinh năm 2017.

* Tài liệu tham khảo:

(1)//tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm

TRẦN PHƯƠNG