Nhân dân bức xúc vì luật chờ thông tư

23/03/2016 12:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Trần Du Lịch chỉ rõ, xây dựng luật phải có tính đồng bộ chứ cứ nay sửa mai sửa thì không phát triển được.

Thành tựu lớn nhất của Quốc hội trong nhiệm kỳ này là xây dựng Hiến pháp và hệ thống luật, với 100 bộ luật và luật.

Việt Nam có 6 bộ luật thì trong nhiệm kỳ này đã viết lại 5 bộ luật gồm: Bộ luật dân sự, Bộ luật dân sự tố tụng, Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hàng hải, chỉ còn Bộ luật lao động nữa thôi.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại trong nhiệm kỳ này của Quốc hội (dù đã nhận thấy nhưng chưa sửa được) đó là luật chi tiết quá yếu, dẫn tới chuyện có 4.774 văn bản dưới luật. Nếu tính đến tháng 7 tới đây, thông qua một số bộ luật khác nữa thì sẽ có trên 5000 văn bản dưới luật để triển khai luật.

“Làm luật nhiều nhưng yêu cầu bớt đi văn bản dưới luật chưa đạt được kết quả đáng kể, vì vậy luật vẫn chờ thông tư, đây là điều bức xúc rất lớn của cử tri. Tôi nói ở cấp bộ có gần 4.000 thông tư, mà thông tư mới là hướng dẫn chứ chưa chi tiết”, ông Lịch chỉ rõ.

Từ đó, Đại biểu Trần Du Lịch nêu quan điểm (đồng thời cũng là lời gửi gắm tới các Đại biểu Quốc hội khóa XIV) đó là, làm luật phải có tính hệ thống xuyên suốt, không thể cứ sửa đi sửa lại liên tục.

Ông Lịch nói thẳng: “Tôi nói xin lỗi là làm luật đôi khi phải có tính bảo thủ một chút, phải có tính đồng bộ chứ cứ nay sửa mai sửa thì không phát triển được.

Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng luật chờ thông tư - đó là vấn đề búc xúc của nhân dân. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng luật chờ thông tư - đó là vấn đề búc xúc của nhân dân. ảnh: Ngọc Quang.

Tôi cũng đề nghị phải tiếp tục khắc phục tình trạng luật chờ thông tư. Thí dụ, Luật Doanh nghiệp thì tương đối chi tiết, nhưng quay sang Luật Đầu tư thì lại chờ thông tư. Nói tóm lại cứ cái gì khó thì để lại Chính phủ, còn cái gì dễ thì Quốc hội thông qua, như vậy là không ổn”.

Trong phát biểu của mình, Đại biểu Trần Du Lịch cũng đánh giá rất cao báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

“Chủ tịch nước rất gương mẫu khi thực hiện vai trò Đại biểu Quốc hội. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng không bỏ một cuộc tiếp xúc cử tri nào. Tôi đánh giá rất cao điều đó, và cử tri cũng rất trân trọng. Tôi nói xin lỗi là thậm chí Chủ tịch nước còn làm tốt hơn rất nhiều Đại biểu Quốc hội khác”, ông Lịch nói.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Du Lịch cũng đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ với ba điểm nổi bật:

Thứ nhất, Chính phủ điều hành linh hoạt và ứng phó với tình hình biến động trong 5 năm qua rất hiệu quả.

Thứ hai, kiên trì chủ trương tích cực hội nhập, đàm phán ký kết các hiệp định quan trọng.

Thứ ba, Chính phủ kiên trì đổi mới quản lý kinh tế theo hướng thị trường, điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt. 

Thứ tư, Chính phủ đã thể hiện thái độ rất mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Cũng tại buổi thảo luận của đoàn TP. Hồ Chí Minh, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ này, đồng thời cho rằng: “Chính phủ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, cảm ơn nhân dân đã chịu đựng nhiều khó khăn, ủng hộ nhà nước trong tất cả các thời điểm. Tôi đề nghị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ phải thể hiện rõ sự cảm ơn đó”.

Theo ông Nghĩa, nhân dân phải chịu đựng mọi biến động của thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nhân dân vẫn tin tưởng, ủng hộ nhà nước, vẫn tạo ra nhiều sản phẩm, đóng thuế...

Khi đất nước bi xâm phạm chủ quyền, nhất là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì nhân dân đã thể hiện nhiều hành động mạnh mẽ, vừa đóng góp tinh thần, vừa đóng góp vật lực vào công cuộc gìn giữ chủ quyền lãnh thổ.

Đề cập tới hoạt động của các bộ ngành và địa phương, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cho dù có cố gắng nhưng không thể đánh giá hài lòng, bởi vì nếu đem so sánh với sự phát triển của các nước xung quanh thì như chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Nghĩa nêu thí dụ: “Có thời điểm chúng ta nằm trong top đầu những nước xuất khẩu ở một số mặt hàng, nhất là nông nghiệp. Lẽ ra từ đó phải chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến, chi phối được thị trường, từ dệt may, da dày, gạo, cà phê, cao su... rồi tiến tới tăng thương hiệu công nghệ, Đáng tiếc là thời cơ đó đã mất”.

Ngọc Quang