Nhà vệ sinh "dát vàng" và lời xin lỗi người dân về sự thất thoát!

11/06/2013 07:36
Phạm Nguyễn
(GDVN) - Thông tin xung quanh vụ việc nhà vệ sinh ở trường THCS Long Hiệp xây dựng cả vài trăm triệu được báo chí đồng loạt đăng tải; dư luận cả nước “sôi sùng sục” la làng: Toa – lét dát vàng à!? Thưa không! Cũng chỉ gạch gỗ bình thường như mọi công trình đầu tư công, lấy vốn từ các chương trình mục tiêu khác (ở công trình này là Chương trình nước sạch).
Ngoài nhà vệ sinh được thông tin là xây dựng hết 560 triệu đồng ở trường Tiểu học Đức Thắng.
Ngoài nhà vệ sinh được thông tin là xây dựng hết 560 triệu đồng ở trường Tiểu học Đức Thắng.

1. Mới đây, qua đợt giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi tại trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long), đoàn giám sát “bất ngờ” với các thông tin phản ánh các nhà vệ sinh 29m2 nhưng có vốn đầu tư gần 600 triệu đồng?

Thông tin nóng được báo chí đồng loạt đăng tải; dư luận cả nước “sôi sùng sục” la làng: Toa – lét dát vàng à!? Thưa không! Cũng chỉ gạch gỗ bình thường, vừa dùng đã hỏng, như mọi công trình đầu tư công, lấy vốn từ các chương trình mục tiêu khác (ở công trình này là Chương trình nước sạch).

Và không chỉ có thế, tìm hiểu kỹ, người ta còn biết rằng, ngoài công trình trên, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn có 13 dự án nhà vệ sinh tương tự, đã được xây dựng với chi phí nhiều tỉ đồng. Lạ hơn, có trường đã có hai nhà vệ sinh nhưng vẫn được Sở GD-ĐT “ấn” tiếp cho cái thứ ba mà chả hiểu vì sao Sở lại ưu ái đến thế?

Dân thì ngơ ngác, nhưng hỏi ông Phó Giám đốc Sở GD - ĐT một cái thì ra liền. Ông bảo, chẳng có gì là bất bình thường cả, đắt như thế là vì phải thiết kế và thi công theo yêu cầu của… đơn vị tài trợ ở nước ngoài!

Đó là giải thích của cấp quản lý. Chỉ có một điều ông Phó Giám đốc Sở không biết, đó là tiền vay nước ngoài, tiền dân chứ không ai tài trợ cả!

2. Trong lúc xã hội ầm ĩ vì “sự kiên nhà vệ sinh” nêu trên vì cho rằng đó là biểu tượng của đầu tư công và lãng phí, thất thoát (chưa dám nói là tham nhũng, vì chưa có điều tra, kết luận) thì trên diễn đàn Quốc hội, các dân biểu cũng đang bàn thảo sôi nổi, gay gắt về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 – 2012.

Bàn từ chính công trình “chuyện nhỏ, nghĩa lớn” này, TS Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc "kê tăng" giá trị công trình lên nhiều lần như vậy không còn là chuyện lãng phí mà là tiêu cực, tham nhũng.

Các công trình có vấn đề thường liên quan đến nhiều cơ quan, từ dự toán đến thi công và nghiệm thu, ai tham gia cũng có tiền. Cũng theo ông Thạch, những công trình mà chủ đầu tư ở Trung ương thì nơi thụ hưởng là cơ sở thường không dám lên tiếng về những bất hợp lý. Kêu, sợ lần sau không đến lượt. 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) thì nói thẳng: Việc phát hành trái phiếu Chính phủ (để đầu tư công) thực chất là vay nợ, nhiều năm qua có dư luận rằng, hễ có công trình xây dựng cơ bản thì phải chi phần trăm, có người nói 10%, có người 30%, nhưng qua kiểm tra, giám sát thì lại dường như không có tham nhũng. Nói đoạn, ông đặt câu hỏi và tự trả lời: “Việc này có tin được không? Tôi không tin, nhiều cử tri không tin” 

Phân tích cụ thể hơn về cái sự thất thoát lãng phí, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nêu ví dụ: “Dự án đường cao tốc Hà Nội - Cần Thơ có rất nhiều dự án thành phần trong đó và có khoảng 17 cây cầu. Cứ mỗi cây cầu thông thường phải tổ chức ba lễ là khởi công động thổ, rồi hợp long và lễ thông xe, 17 cây cầu là 51 lễ, như vậy từ nay cho đến khi thực hiện xong toàn bộ dự án đường cao tốc này thì không biết bao nhiêu lễ, tốn kém vô cùng”.

Và nếu theo cách tính của ông Học, (chưa kể bao nhiêu thứ “chấm mút” không tên khác cũng phải trông cả vào cái “nhà vệ sinh”), chỉ cần theo cái lệ “cờ đèn kèn trống” nêu trên, thì đúng là cái nhà vệ sinh 600 triệu chẳng có gì là đắt khi nó cũng đường hoàng là một dự án “cấp Nhà nước” và phải có một lần khởi công, một lần khánh thành, dăm lần thanh kiểm tra, tham quan học mô hình… và đều phải có có cái thủ tục “đầu tiên” cả. 

3. Đau xót trước những thông tin dư luận việc cảnh tiền của Nhà nước – Nhân dân bỏ vào xây dựng cơ bản bị sử dụng lãng phí, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), yêu cầu: “Cần xin lỗi người dân về sự thất thoát, lãng phí!”..

Xin lỗi thì đúng rồi! Nhưng nghe lời bà Dung nói, chợt nghĩ: “Xin lỗi mà hết chuyện thì...!” 

Phạm Nguyễn