Nguyên Đại sứ Australia tại Việt Nam nói về thanh niên Việt Nam

26/03/2013 07:14
Nguyễn Huệ (Thực hiện)
(GDVN) - Thế kỷ XXI, thế kỷ của hội nhập và phát triển, đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức. Trong dòng chảy của sự phát triển ấy, thanh niên – những người chủ tương lai của đất nước đã đóng góp một phần không nhỏ sức lực và trí tuệ của mình làm nên những “thay da đổi thịt” của quê hương.

Nhân dịp kỉ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2013), phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng Ông Allaster Cox – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Australia tại Việt Nam về thanh niên Việt Nam thời đại mới.

Ông Allaster Cox – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Australia tại Việt Nam.
Ông Allaster Cox – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Australia tại Việt Nam.

Phóng viên (PV): Xin chào Ông, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Australia tại Việt Nam, Ông thấy cái “Tôi” của thanh niên Việt Nam hiện nay được thể hiện ở những yếu tố nào?

Ông Allaster Cox: Giống như một số nước khác ở khu vực châu Á, tuổi trẻ Việt Nam ngày nay rất thân thiện. Các bạn đã bắt kịp nhanh với những tiến bộ của khoa học để đưa những chính kiến của mình tới với mọi người bằng những con đường ngắn và nhanh nhất.

Tôi đã tham dự nhiều sự kiện do các bạn tổ chức. Ví dụ như buổi hòa nhạc của MTV, nhiều hoạt động về môi trường… Tất cả các buổi ấy, thanh niên tham gia rất đông và nhiệt tình. Các bạn trẻ Việt Nam ngày nay đã tìm được nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng xung quanh mình. Đồng thời,  cũng mở ra những vấn đề mang tầm quốc tế để có cơ hội giao lưu, hội nhập và phát triển chính lực lượng của mình.

Đứng giữa đám đông của tuổi trẻ Việt Nam, tôi cảm nhận được sự tôn trọng, lịch sự của các bạn với những người xung quanh mà khô thể hiện mình quá. Các bạn luôn tự chủ trong việc điều tiết tình cảm của mình để thể hiện có chuẩn mực nhất trong mọi môi trường, trước mọi đám đông.

Tuy vậy, cũng còn nhiều bạn vẫn giữ thái độ ngượng ngùng khi đứng trước đám đông. Nhưng theo tôi thấy, điều đó cũng đã có những sự thay đổi nhanh chóng bằng cách thể hiện sự tự tin của mình khi đứng thuyết trình trước rất nhiều người bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thậm chí, các bạn có thể giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài.

Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay rất thân thiện. Các bạn luôn tham gia nhiệt tình các phong trào do Đoàn thanh niên tổ chức.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay rất thân thiện. Các bạn luôn tham gia nhiệt tình các phong trào do Đoàn thanh niên tổ chức.

PV: Say mê + Năng động = Thành công, với thanh niên Việt Nam ngày nay, Ông thấy công thức này đã đúng và đủ chưa?

Ông Allaster Cox : Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Để có được thành công trong cuộc sống, con người ta nên đi theo những đam mê và những điều mình đã làm tốt. Trong cuộc sống, người trẻ thường được cha mẹ, thầy cô định hướng. Nhưng nếu chỉ đi theo những gì đã được định hướng, nhiều bạn sẽ thấy chưa hoàn toàn hài lòng với những gì mình đang có.

Thực tế đã chứng minh người ta chỉ làm tốt điều gì đó nếu như họ thực sự có niềm đam mê và có năng lực để thực hiện điều đó. Nếu không có được những yếu tố trên thì mọi thứ sẽ rất khó khăn và con đường đi đến thành công sẽ không như họ mong muốn.

PV: Trong giới trẻ Việt Nam đang xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám, Ông có thể chia sẻ bí quyết ở nước ông để thu hút nhân tài ở lại với nước mình.

Ông Allaster Cox: Trên thực tế Australia cũng có nhiều người ra nước ngoài sinh sống và học tập, trong đó có cả những “nhân tài”. Theo tôi nghĩ, Chính phủ nên tạo điều kiện cho những người tài có cơ hội đi ra nước ngoài học tập để tăng sự hiểu biết của mình, giúp họ học hỏi kiến thức trên thế giới. Phương pháp để không làm mất họ là phải duy trì được mối quan hệ với họ.

Đồng thời, Chính phủ cũng tạo động lực, xây dựng những chính sách thu hút nhân tài để họ có động lực quay trở lại Việt Nam. Tôi được biết người Việt Nam có tình yêu rất lớn với quê hương nên tôi tin, nơi mà họ muốn về, muốn cống hiến tuổi trẻ và sức lực luôn là đất nước của mình. Trường hợp của Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ sinh động cho điều này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra những chính sách khuyến khích người tài của nước ngoài tới nước mình để cùng học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Tất cả những điều trên là sự hội nhập quốc tế, chứ chúng ta cũng không nên quá  nặng nề và nghĩ đó là “chảy máu chất xám”.

Các bạn trẻ trường Đại học Y tế Công cộng chung tay cùng cộng đồng để xoa dịu nỗi đau da cam.
Các bạn trẻ trường Đại học Y tế Công cộng chung tay cùng cộng đồng để xoa dịu nỗi đau da cam.

PV: Hiện nay ở Việt Nam có nhiều cuộc thi để tìm kiếm tài năng, qua mỗi cuộc thi ông thấy tri thức Việt Nam  được thể hiện như thế nào?

Ông Allaster Cox: Trong nhiều lĩnh vực như thể thao, giải trí, học tập… tôi thấy, các bạn trẻ Việt Nam ngày càng được khẳng định được mình. Sở dĩ tôi nhận định được điều này là thông qua các chương trình học bổng do Chính phủ Úc hỗ trợ.

Trong các chương trình học bổng đó, người học phải cạnh tranh với những nước như Ấn độ, Trung Quốc… Các bạn Việt Nam đã cho tôi thấy, các bạn không thua kém bất kì “đối thủ” nào, thể hiện qua tỉ lệ người được nhận học bổng vượt trội so với các nước tham gia.  

Trong một số môn thể thao, Việt Nam có rất nhiều vận động viên tài năng nhưng họ lại thiếu cơ hội tập huấn để phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa họ thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tương tự như thế là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Theo thống kê của Tổng cục DS – KHHGĐ, tính đến tháng 01/2013, dân số Việt Nam đạt 88,78 triệu người. Đây là nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, thiết nghĩ, Chính phủ Việt Nam nên đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng và kĩ thuật để những tài năng ấy có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế, để họ thấy được mình đang đứng ở đâu và khả năng của mình như thế nào. Đây là việc tối quan trọng. Nếu như không đầu tư để đào tạo nhân lực thì bạn có thể rất tốt nhưng không bao giờ là người xuất sắc cả.

Qua đó, tôi muốn nhấn mạnh, cách đây 10 năm, 20 năm, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng còn lúng túng nhưng sau đó họ đã có được vị trí khá ổn trên trường quốc tế. Vì thế, tôi tin Việt Nam với tiềm năng của mình, nếu các bạn đầu tư đúng mức nguồn nhân lực thì có thể làm được những gì các bạn đã đặt ra và hơn thế nữa.

Các bóng áo xanh tình nguyện luôn có mặt trên mọi nẻo đường với khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Các bóng áo xanh tình nguyện luôn có mặt trên mọi nẻo đường với khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

PV: Ông có lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam?

Ông Allaster Cox: Hình ảnh áo xanh tình nguyện tại các nút giao thông rồi trên miền quê nghèo của đất nước Việt Nam… đã thể hiện tinh thần vì cộng đồng. Nhưng sự đóng góp của những “áo xanh” ấy cũng không thể làm thay đổi tất cả mà chủ yếu là xuất phát từ ý thức của người dân.

Các bạn trẻ Việt Nam hãy đi theo những niềm đam mê của mình. Các bạn hãy đầu tư vào giáo dục thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống, hãy đào tạo bạn, hãy đặt bạn trong bối cảnh cạnh tranh lành mạnh với bạn bè quốc tế và làm tốt nhất những gì mình có thể. Hãy làm những gì mình muốn làm và nói cho người khác biết bạn có thể làm được điều gì và làm tốt điều gì.

Đồng thời, các bạn cũng nên tôn trọng nền văn hóa cũng như cộng đồng của mình và đừng ngại chia sẻ thông tin với bạn bè quốc tế. Trong quá trình chia sẻ hãy lồng ghép vào đó hình ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế để giúp Việt Nam trở thành nước phát triển. Và sau khi được học tập, đào tạo ở nước ngoài, chúng ta hãy nghĩ tới phương án “hồi hương” để giúp Việt Nam phát triển tốt hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Huệ (Thực hiện)