Người tài làm việc nước thì phải trách nhiệm, tinh thần dân tộc và có trí tuệ

27/07/2019 06:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: “Chính sách thu hút nhân tài ngoài thành phần là cán bộ, Đảng viên thì cần có người ngoài Đảng".

Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” Bộ Nội vụ đang chủ trì soạn thảo lấy ý kiến để trình Chính phủ đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp nhân sĩ, trí thức.

Với tinh thần: “Trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài;

Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước” – cho thấy được sự cấp tiến trong việc nhìn nhận và phát huy thế mạnh vai trò của con người Việt Nam trong thời đại mới.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ảnh nguồn quochoi.vn).

Xung quanh quan điểm này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hòa, (đại biểu đoàn Đồng Tháp).

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa thì chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam cần thiết phải mở rộng, nhất thiết không phải là người trong Đảng mà cần thu hút người ngoài Đảng, những người Việt Nam ở nước ngoài có tinh thần dân tộc, yêu nước.

Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập với bè bạn quốc tế, năm châu nên việc thu hút nhân tài để phục vụ, cộng sự cho đất nước, cho nhân dân là tất yếu.

“Tôi cho rằng, đây là việc hệ trọng để phát triển kinh tế của Việt Nam lâu dài, củng cố nâng cao vai trò, vị trí của hệ thống chính trị của Việt Nam” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định.

“Đâu cứ phải Đảng viên thì mới là nhân tài, trọng dụng họ là đúng đắn
“Đâu cứ phải Đảng viên thì mới là nhân tài, trọng dụng họ là đúng đắn

Cũng theo vị này, hiện trong các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có rất nhiều là nhân sĩ trí thức, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, có những người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên nhưng họ là người ngoài Đảng.

Do đó, theo ông Hòa: “Chính sách thu hút nhân tài ngoài thành phần là cán bộ, Đảng viên thì cần có người ngoài Đảng.

Nhưng những người ngoài Đảng phải là những người có trách nhiệm cao, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, nhiệt huyết để giúp cho Việt Nam, cùng với Việt Nam, Chính phủ Việt Nam xây dựng kinh tế.

Thu hút nhân tài mà chỉ thu hút người trong Đảng không có người ngoài Đảng là bỏ sót nhân tài.

Cho nên quan điểm của Bộ Nội vụ - “Trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài” thì tôi rất ủng hộ".

Để thu hút nhân tài, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị của chúng ta cần đổi mới hơn nữa.

Phải tìm và phải biết nhân tài đó là người giỏi chuyên môn, có tâm huyết.

Nhân tài thực sự khi tuyển dụng không cần phải thi tuyển mà tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước, các tập đoàn nhà nước. Cải cách chế độ chính sách tiền lương đãi ngộ xứng đáng để giữ chân người tài”.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh quan điểm mới này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ông rất ủng hộ.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức”

Bởi theo ông Lê Quý Đức: “Đâu cứ phải Đảng viên thì mới là nhân tài. Bất cứ người Việt Nam nào dù trong nước hay nước ngoài nếu có tài năng và đức độ, có lợi cho đất nước, cho nhân loại thì được trọng dụng không cần phải là Đảng viên.

Cha ông ta ngày xưa bao nhiêu nhân tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi … đâu có ai là Đảng viên.

Do đó, Bộ Nội vụ đưa ra như vậy là đúng”.

Để thu hút nhân tài Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, phải làm sao để người tài phát huy được tài năng.

“Tất nhiên, những người tài phải là người chân chính và hết lòng hết sức với đất nước và cũng phải thông cảm với đất nước.

Đất nước cũng cần tạo điều kiện cho nhân tài phát triển, đóng góp cho đất nước cho nhân loại.

Nhân tài chân chính cũng phải biết khó khăn cho đất nước và nhân dân.

Tài đức phải đi liền với nhau và tài ấy mới đáng tôn vinh” - thầy Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Trinh Phúc