Người dân khiếu nại Cảnh sát giao thông quận Tân Bình trong giải quyết tai nạn

14/11/2017 07:04
Phương Linh
(GDVN) - Do biên bản giữ phương tiện không có đóng dấu mộc treo, nạn nhân yêu cầu cảnh sát giao thông ở lại, mà vị Trung tá vẫn lên xe tải, nên 2 bên đã có xô đẩy nhau.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của anh Nguyễn Văn Thìn (ngụ đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, cách hành xử kỳ lạ của cảnh sát giao thông, Công an quận Tân Bình khi giải quyết tai nạn giao thông.

Giải quyết tai nạn, cảnh sát giao thông xô đẩy với dân

Đơn của anh Thìn cho biết, 15h40 ngày 9/11/2017, anh Thìn điều khiển xe ô tô 4 chỗ mang biển kiểm soát 51G -  424.94 lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.

Khi đi đến giao lộ Hoàng Văn Thụ - Út Tịch, theo hướng vòng xoay Lăng Cha Cả hướng về Ngã tư Bảy Hiền thì bất ngờ có một chiếc xe tải mang biển kiểm soát 54V – 3229 va chạm vào xe anh Thìn.

Sau đó, 2 bên có xuống cùng nhau giải quyết hậu quả của vụ va quẹt này. Do hiện trường vào giờ tan tầm đông xe, nên cả 2 bên có chạy xe nhích lên, đến khu vực vắng hơn để nói chuyện về vụ tai nạn.

Đơn khiếu nại của anh Nguyễn Văn Thìn về việc tai nạn giao thông (ảnh: P.L)
Đơn khiếu nại của anh Nguyễn Văn Thìn về việc tai nạn giao thông (ảnh: P.L)

Khi đang làm việc, thì chủ xe tải và Công an phường, cảnh sát giao thông quận Tân Bình xuất hiện, yêu cầu chạy xe quay lại hiện trường để đo vẽ.

Xong xuôi, Trung tá cảnh sát giao thông Lê Văn Nhân của Công an quận Tân Bình yêu cầu cả anh Thìn và bên gây ra va chạm phải đưa xe về bãi Tiên Tiến, tạm thời giữ phương tiện, hẹn ngày lên làm việc.

Ở bãi xe, ông Nhân mới lập biên bản tạm giữ xe ô tô, cùng toàn bộ giấy tờ xe có liên quan của anh Thìn.

Tuy nhiên, điều đáng nói, biên bản này không có đóng dấu mộc treo của Công an quận, khiến cho anh Thìn băn khoăn, lo lắng.

Đơn khiếu nại (trang 2) về việc tai nạn giao thông mà anh Thìn gặp (ảnh: P.L)
Đơn khiếu nại (trang 2) về việc tai nạn giao thông mà anh Thìn gặp (ảnh: P.L)

Theo anh Thìn giải thích, nếu biên bản tạm giữ phương tiện mà không có dấu của Công an quận, thì liệu làm sao biết được đây là biên bản có giá trị hay không, có thể là biên bản giả được không?

Khi nhìn thấy Trung tá Nhân lên xe bán tải của cảnh sát, định chạy xe đi, thì anh Thìn có chạy lại đòi biên bản phải có dấu.

Hiện trường vụ tai nạn xe của anh Thìn và 1 xe tải khác ở quận Tân Bình (ảnh: CTV)
Hiện trường vụ tai nạn xe của anh Thìn và 1 xe tải khác ở quận Tân Bình (ảnh: CTV)

Lúc này, vị Trung tá đã dùng tay bóp cổ, lấy chân đạp vào ngực anh Thìn, tạo nên những hình ảnh chưa đẹp của lực lượng thực thi công vụ.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm hành vi chưa khéo

Ngày 13/11, Thiếu tá Bùi Ngọc Giàu – Phó Đội trưởng phụ trách cảnh sát giao thông, Công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những khiếu nại của anh Nguyễn Văn Thìn.

Đầu tiên, Thiếu tá Giàu thừa nhận những điều mà anh Thìn phản ánh là hoàn toàn chính xác.

Trong việc này, dù luật không qui định bắt buộc phải đóng dấu mộc treo của Công an quận, nhưng cá nhân vị Thiếu tá này vẫn cho rằng, trong khi đi làm, lập biên bản mà có đóng dấu vẫn tốt hơn.

Nói thêm về vụ tai nạn của xe ô tô anh Thìn đang sở hữu, Thiếu tá Bùi Ngọc Giàu nói thêm: 2 xe va quẹt ở ngã tư Hoàng Văn Thụ -  Út Tịch, rồi di chuyển xe lên một chút để thương lượng với nhau, nhưng không được.

Biên bản tạm giữ phương tiện không có đóng dấu của Công an quận Tân Bình (Ảnh: CTV)
Biên bản tạm giữ phương tiện không có đóng dấu của Công an quận Tân Bình (Ảnh: CTV)

Công an phường và cảnh sát giao thông ra, 2 lái xe có quay trở về chỗ xảy ra tai nạn để đo vẽ lại hiện trường. Xong xuôi, Trung tá Lê Văn Nhân mới đưa xe về kho tạm giữ phương tiện, lúc này mới lập biên bản.

Quy trình là phải tạm giữ xe của cả 2 bên, để chờ giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, lúc này, anh Thìn và người nhà phát hiện biên bản không có đóng dấu, nên mới hỏi lại Trung tá Nhân.

Trung tá Lê Văn Nhân lên cabin xe tải cảnh sát định lái xe về quận Tân Bình, thì anh Thìn và người thân do quá bức xúc, nên không cho vị Trung tá này lên và đóng cửa xe.

Trung tá Nhân liền xô và đẩy anh Thìn ra rất mạnh, để có thể đóng cửa xe tải đi được.

Sợ xe tải chạy đi mất, anh Thìn đã nằm dưới gầm xe để ngăn cản. Khi được giải thích mọi chuyện rõ ràng, anh Thìn đã đồng ý đứng dậy cho xe đi về Công an quận Tân Bình.

Đại diện cho lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông quận Tân Bình, Thiếu tá Bùi Ngọc Giàu thừa nhận, việc cán bộ chiến sĩ đang làm việc với người dân, mà có hành động giằng co (chứ không phải bóp cổ, lấy chân đạp như anh Thìn nói), là một việc cư xử chưa khéo léo, cần phải được rút kinh nghiệm.

Hướng giải quyết vụ việc sắp tới, theo Thiếu tá giàu, cảnh sát giao thông sẽ mời hai bên lên để nắm lại vụ việc, với một tinh thần, thái độ cầu thị nhất.

“Nếu cán bộ, chiến sĩ sai tới đâu thì sẽ xử lý tới đó, Đội sẽ có đề xuất với Ban chỉ huy Công an quận Tân Bình hướng xử lý, sau khi xem xét kỹ vụ việc này” – Thiếu tá Giàu nhấn mạnh.

Phương Linh