Ngô Sỹ Tồn: Năm 2013 Biển Đông vẫn có khả năng "mất kiểm soát"

28/01/2013 06:01
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Theo Ngô Sỹ Tồn, Trung Quốc sẽ không vì duy trì ổn định trong quan hệ với Philippines và Việt Nam mà chấp nhận "lép vế" trong vấn đề Biển Đông.

Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông)
Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông)

Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông -  PV) chia sẻ với Tân Hoa Xã, năm 2013 vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn chưa thể giải quyết, 5 đến 10 năm nữa Biển Đông vẫn chưa thể sóng yên biển lặng, đặc biệt là năm 2013 "nếu không khéo" tình hình tranh chấp Biển Đông có thể "mất kiểm soát".

Theo viên Viện trưởng này, "nhiệm vụ quan trọng hàng đầu" của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông là làm thế nào để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, gác tranh chấp và cùng khai thác trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và các bên có tuyên bố chủ quyền. Nếu không xây dựng được sự tin cậy về mặt chính trị, tình hình Biển Đông hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát và dẫn tới xung đột.
Đánh giá về các yếu tố bên ngoài, Ngô Sỹ Tồn cho rằng Nhật Bản đang "lợi dụng" tranh chấp giữa một số quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc trên Biển Đông để "bao vây Trung Quốc", tuy nhiên theo Ngô Sỹ Tồn, Trung Quốc sẽ không vì duy trì ổn định trong quan hệ với Philippines và Việt Nam mà chấp nhận "lép vế" trong vấn đề Biển Đông.

Năm 2012 được đánh giá là một năm đầy biến động trên Biển Đông với hàng loạt các động thái khẳng định tuyên bố chủ quyền từ các bên tranh chấp. Sau quyết định thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", Trung Quốc tiếp tục khiến công luận quốc tế và các bên liên quan đặc biệt quan tâm với động thái chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển cho phép các cơ quan chức năng tỉnh này có thể giám sát, kiểm tra và bắt giữ các tàu thuyền nước ngoài "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc" ở Biển Đông.

Vấn đề nằm ở chỗ quy định mập mờ, thế nào là "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu điều đó được Bắc Kinh lý giải là bất cứ tàu thuyền nào đi qua "đường lưỡi bò" đều là "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc thì chưa kể các bên tranh chấp, ngay cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ phải nhảy vào cuộc.

Văn bản của tỉnh Hải Nam cũng như chính quyền trung ương Trung Quốc cố tình đưa ra quy định mập mờ này là một cái bẫy ngầm hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp.

Ngô Sỹ Tồn cho rằng, báo chí dư luận các bên liên quan cứ "chuyện bé xé ra to", lực lượng chức năng tỉnh Hải Nam muốn kiểm tra, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài thì cũng phải xem "điều kiện, tình hình thực tế, vi phạm ra sao" mới kiểm tra, bắt giữ. Nhưng chính Ngô Sỹ Tồn cũng không chỉ ra được, thế nào thì bị cho là "vi phạm chủ quyền" Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngô Sỹ Tồn nói với Tân Hoa Xã, Philippines và Việt Nam "lợi dụng" lúc sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông chưa đủ lớn để "bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc" cũng như cái gọi là "hoạt động chấp pháp" trên Biển Đông vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được cục diện để "tranh thủ vơ vét tài nguyên" ở Biển Đông và củng cố lợi ích của mình.

Viên học giả này nhận định, trong năm 2013 sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản vào Biển Đông không những không yếu đi mà còn mạnh hơn trước, Washington "ủng hộ lập trường của Manila về vấn đề Biển Đông" trong khi Nhật Bản, theo Ngô Sỹ Tồn, mong muốn Biển Đông nóng lên hơn nữa để "giảm nhiệt" trong tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông.

Năm 2013, Brunei giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, không còn là Campuchia như 2012 để Bắc Kinh có thể dễ dàng khống chế, can thiệp và chia rẽ nội bộ ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông. Vì vậy, Ngô Sỹ Tồn cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh là phải "bằng mọi cách khác nhau" để giữ mối "liên hệ mật thiết" với Brunei, đặc biệt tập trung củng cố và phát triển mối quan hệ ràng buộc giữa Trung Quốc và ASEAN về mặt kinh tế để làm giảm sự tập trung và sức ảnh hưởng của vấn đề Biển Đông.

Theo Ngô Sỹ Tồn, Bắc Kinh không hy vọng Brunei sẽ "quan tâm tới lợi ích của Trung Quốc" như Campuchia, chỉ cần Brunei trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN mà "giữ quan điểm trung lập" trong vấn đề Biển Đông để không "ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Trung Quốc - ASEAN" đã là một thành công đối với Bắc Kinh.
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)