"Nga không can thiệp vào Biển Đông, khuyến cáo đừng nước nào can dự"

10/02/2017 10:36
Hồng Thủy
(GDVN) - Nga can dự hay không can dự là việc của Nga, không ảnh hưởng gì đến những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông từ các cường quốc có trách nhiệm.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 9/2 đưa tin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov trả lời phỏng vấn báo này đã nói rằng:

"Lập trường của Nga về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thay đổi và sẽ không thay đổi. Nga không can thiệp vào những tranh chấp này, đồng thời cảnh báo các nước khác cũng đừng can thiệp".

Hoàn Cầu dẫn lời ông Andrey Denisov nói rằng, sở dĩ lập trường của Moscow về Biển Đông không đổi vì nó "cân bằng, hợp lý và được tính toán rất kỹ càng".

Theo ông Andrey Denisov, bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào Biển Đông đểu chỉ gây "phá hoại", bởi "thế lực ngoại lai" không thể không lựa chọn đứng về bên nào, sẽ làm căng thẳng thêm tranh chấp.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov, ảnh: China Daily.
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov, ảnh: China Daily.

Ông Andrey Denisov nói:

"Chúng tôi trân trọng quan hệ đối tác cao độ với các nước liên quan (ở Biển Đông), trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phương châm này, tạo ra bầu không khí lành mạnh và có tính xây dựng, cho dù chưa thể lập tức giúp giải quyết vấn đề, nhưng cũng giúp các bên kiềm chế".

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, Đại sứ Andrey Denisov còn nói thêm rằng những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước láng giềng thông thường "vì cuộc sống rồi cũng dần được loại trừ", vì quan hệ tổng thể giữa các quốc gia này bao giờ cũng quan trọng hơn những tồn tại, tranh chấp.

Các nước này vừa giải quyết sự khác biệt, đồng thời sẽ đẩy những khác biệt này ra ngoại vi của quan hệ song phương để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương. [1]

Còn theo Nhân Dân nhật báo ngày 10/2, Đại sứ Andrey Denisov cho biết trong năm 2017 Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có 2 lần thăm Trung Quốc.

Lần đầu tiên diễn ra vào tháng Năm này, ông Putin sẽ dự hội nghị thượng định về sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

"Nga không can thiệp vào Biển Đông, khuyến cáo đừng nước nào can dự" ảnh 2

Có cần thiết giải thích thêm lập trường của Tổng thống Putin về Biển Đông?

(GDVN) - Việt - Nga có rất nhiều điểm chung có thể mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, không nên để những khác biệt nho nhỏ trở thành rào cản.

Về các câu hỏi của phóng viên đề nghị đánh giá quan hệ Nga - Mỹ sẽ như thế nào sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, ông Andrey Denisov cho biết, hiện chưa thể đánh giá về quan hệ Nga - Mỹ sẽ thế nào dưới thời Donald Trump, vì chưa có cải thiện nào thực chất. [2]

Người viết cho rằng, nếu những gì Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn trên đây đúng là phát biểu của ông Andrey Denisov, thì nó chỉ là một sự tái khẳng định sự ủng hộ ra mặt của Nga đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nga nói họ không can thiệp vào Biển Đông, nhưng cách nói của ông Đại sứ lại là một kiểu can thiệp rõ ràng.

Đó là cách Nga tiếp tục ủng hộ Trung Quốc đánh đồng các tranh chấp phức tạp khác nhau thành một: tranh chấp lãnh thổ.

Sự ủng hộ này sẽ giúp Bắc Kinh dễ bề đục nước béo cò, né tránh trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện đúng và bảo vệ UNCLOS 1982 ở Biển Đông, đặc biệt là thực hiện Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

Mục đích này của Nga nhằm đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc trong việc hỗ trợ họ ngăn chặn sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ vào việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, duy trì luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông.

Đổi lại, Trung Quốc có thể mang lại cho Nga những lợi ích nào đó về kinh tế, địa chính trị, địa chiến lược trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên Nga can dự hay không can dự là việc của Nga, không ảnh hưởng gì đến những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông từ các cường quốc có trách nhiệm khác.

Tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia hay tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 giữa các thành viên Công ước chỉ có thể không ảnh hưởng đến quan hệ song phương nếu cả hai bên thực sự có thiện chí tìm cách giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế với tinh thần khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật.

Còn nếu một bên nào đó sử dụng quan hệ tổng thể để ép đối phương “gác tranh chấp”, còn mình vẫn leo thang, lấn tới, thì không bao giờ có được sự tin cậy, hợp tác thực chất, và cũng khó để có hòa bình, ổn định một cách lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://oversea.huanqiu.com/article/2017-02/10095832.html

[2]http://world.people.com.cn/n1/2017/0210/c1002-29071344.html

Hồng Thủy