Nếu SSC làm tốt vai trò sẽ không có sai phạm của Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng ?

05/05/2022 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật sư Trương Thanh Đức đã có những phân tích xoay quanh việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh.

Một loạt vụ án, vụ việc được khởi tố gần đây cho thấy, hành vi móc ngoặc giữa doanh nghiệp với quan chức đang gây nhiều hệ lụy, gây lo lắng cho xã hội.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư không thể dự đoán trước được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh bởi phương thức kinh doanh thiếu liêm chính.

Tình trạng doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp "sân sau" với nhiều ưu ái bất bình thường của những cán bộ thoái hóa, biến chất đã được cử tri phản ánh từ lâu.

Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến các quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp có liên quan đến hành vi móc ngoặc đã cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước có những thành công được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Ngày 29/4, theo Cổng thông tin Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Cố ý làm lộ bí mật công tác”, xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QD-ANĐT ngày 29/4/2022.

Căn cứ vào kết quả điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 21/QĐ-ANĐT ngày 29/4/2022, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Hùng (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài Chính, về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại khoản 1, Điều 361 Bộ luật Hình sự.

Kiểm soát mục đích sử dụng vốn để chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Để chống tham nhũng có hiệu quả, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) đã có những phân tích chia sẻ về các biện pháp phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước để có hiệu quả.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, thực tế hiện nay, ngân hàng kiểm soát khá chặt chẽ về mục đích sử dụng vốn vay, nếu cán bộ ngân hàng không làm đúng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích.

Trong khi đó, trái phiếu là mảng được cho sử dụng vốn sai mục đích nhiều nhất. Vì hoạt động cho vay của ngân hàng là giải ngân theo từng nhu cầu, từng khoản sử dụng vốn và thường giải ngân bằng chuyển khoản thẳng cho bên thụ hưởng là người bán hàng hóa, dịch vụ, chứ không giải ngân cho doanh nghiệp vay, trừ một số khoản đặc biệt như trả tiền lương.

Còn tiền bán trái phiếu thu về một lúc hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho chương trình, dự án nhưng thời gian triển khai thường kéo dài, thậm chí trong nhiều năm.

Vì vậy tất yếu là doanh nghiệp thường tạm thời mang số tiền này sử dụng cho mục đích khác, chứ không ai để một đống tiền trong két hoặc đóng băng trong tài khoản.

Nếu quá chặt chẽ thì việc mang tiền bán trái phiếu chưa sử dụng đến để mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu ngân hàng, thậm chí gửi vào ngân hàng, cho dù là rất an toàn, nhưng vẫn có thể bị coi là sử dụng vốn không đúng mục đích.

Phân tích cụ thể về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng trả lời báo chí rằng, 3 công ty con của Tân Hoàng Minh đăng thông tin trái phiếu lên trang web của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng không thông báo cho đơn vị này, luật sư Đức cho hay, Ủy ban Chứng khoán chỉ nắm tình hình thông qua thông tin, báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán, mà không có vai trò trực tiếp quản lý hay thẩm định xét duyệt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

“Về cơ bản, nếu doanh nghiệp có báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì cũng không có tác dụng gì. Bởi lẽ, quan trọng nhất để biết được có sai phạm hay không thì phải thanh kiểm tra”, luật sư Đức chia sẻ.

Đối với hoạt động chứng khoán của FLC từng bị xử phạt hành chính vào năm 2017 do hành vi “bán chui” cổ phiếu, luật sư cho hay, việc bảo đảm các điều kiện để được niêm yết và giám sát giao dịch trên sàn là trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán.

Còn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty phi đại chúng thì không phải trách nhiệm quản lý của đơn vị này.

Dư luận cũng đặt câu hỏi, hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” của lãnh đạo tập đoàn FLC, cơ quan quản lý liệu có dễ nắm bắt được việc này hay không?

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Đức cho rằng nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi chặt chẽ thì dễ dàng phát hiện ra những giao dịch bất thường, giao dịch vượt quá giới hạn hay giao dịch của người quản lý và người có liên quan, vì giao dịch với số lượng lớn và đã có danh sách giám sát từ trước.

Có nhiều hành vi thao túng không dễ phát hiện, nhưng việc “bán chui” hay việc vài chục tài khoản liên tiếp giao dịch một vài mã chứng khoán nào đó với số lượng lớn rất bất thường để thao túng thì lại không khó để phát hiện.

“Nếu Ủy ban Chứng khoán giám sát đến nơi, đến chốn thì sẽ nhanh chóng phát hiện được hành vi "thao túng thị trường chứng khoá"’ của ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm", Luật sư Đức nói.

Chia sẻ về giải pháp sau vụ việc của ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho hay, phải thay đổi quy trình tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ hay đại chúng thì đều phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, trong hồ sơ công khai phải có dấu xác nhận thì mới đảm bảo được trách nhiệm quản lí nhà nước.

"Nếu doanh nghiệp đăng thông tin trái phiếu trên Cổng Sở Giao dịch Chứng khoán mà không có xác nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì sẽ không có ý nghĩa", chuyên gia kinh tế đề xuất.

Luật sư Trương Thanh Đức. (Ảnh: NVCC)

Luật sư Trương Thanh Đức. (Ảnh: NVCC)

Ủy ban chứng khoán Nhà nước hủy lô chứng khoán có trái luật?

Trước đó vào ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của 3 công ty con trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, do công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Quyết định huỷ các đợt phát hành trái phiếu như trên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán.

Ngày 25/4, nhiều nhà đầu tư nhiều nhà đầu tư liên quan các lô trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đến trụ sở Bộ Tài chính (Hà Nội) để bày tỏ mong muốn nhận được hướng dẫn, giải pháp về việc hoàn tiền. Đồng thời, nhà đầu tư khẳng định họ mua trái phiếu khi thông tin được công khai trên trang web Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu có đúng quy định pháp luật?

Nêu quan điểm về vụ việc, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng trong vụ án trên, khi lãnh đạo doanh nghiệp Tân Hoàng Minh bị khởi tố đối với hoạt động phát hành trái phiếu thì mọi giao dịch của nhà đầu tư và doanh nghiệp đều bị “đóng băng”.

Luật Chứng khoán chỉ quy định việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ việc phát hành trái phiếu đối với công ty đại chúng (công ty cổ phần có từ 100 cổ đông trở lên), chứ không có quy định về việc huỷ bỏ 9 lô trái phiếu của các công ty phi đại chúng thuộc nhóm Tân Hoàng Minh, nhất là trong trường hợp trái phiếu đã hoàn thành việc phát hành từ lâu.

Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ hay Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng không quy định về việc hủy bỏ giao dịch trong trường hợp này.

Như vậy, ngoài trường hợp Uỷ ban Chứng khoán được phép huỷ bỏ theo Luật Chứng khoán, thì các trường hợp khác chỉ có tòa án hoặc trọng tài kinh tế có thẩm quyền huỷ bỏ giao dịch đã hoàn thành.

“Về nguyên lý, các cơ quan hành pháp không được huỷ bỏ các giao dịch dân sự, mà phải do tòa án hoặc trọng tài kinh tế quyết định việc huỷ bỏ, cùng với việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc đó”, Luật sư Đức cho hay.

Luật sư Đức phân tích thêm, mặc dù 9 lô trái phiếu đã bị huỷ bỏ theo Quyết định 181, nhưng do đang nằm trong vụ án hình sự, nên trong khi cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thì hiện trạng trái phiếu của Tân Hoàng Minh phải được giữ nguyên và “án binh bất động” chờ quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay Tòa án, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng.

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu dẫn đến hậu quả pháp lý phải giải quyết về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, nhưng vì không có quy định nên đang bế tắc.

Nếu không có vụ án hình sự, thì hai bên sẽ tự thương lượng hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài. Nhưng vì đang trong vụ án hình sự, nên các trái chủ chỉ có thể chờ đợi quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các trái chủ sẽ trình báo với cơ quan điều tra yêu cầu bồi thường thiệt hại và sẽ được tòa án xem xét giải quyết yêu cầu về dân sự trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, các trái chủ cũng có thể không yêu cầu xem xét trong vụ hình sự, thì sẽ có quyền khởi kiện đòi tiền gốc và lãi trong một vụ án dân sự.

Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án không tự nguyện trả tiền, thì trái chủ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành bản án của tòa án.

Mạnh Đoàn