Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

"Nên tổ chức diễu binh 10 năm một lần"

13/08/2012 20:51
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nên quy định cụ thể việc tổ chức lễ diễu binh, diễu hành nhân dịp Quốc khánh 10 năm một lần để người dân thấy được sự phát triển của đất nước.
Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên tổ chức lễ diễu binh, diễu hành 10 năm một lần và dịp Quốc khánh. "10 năm là khoảng thời gian rất xa. Rõ ràng đó là sự động viên để người dân thấy sự phát triển của đất nước", ông Hiển nói. Ý kiến này sau đó được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa tán thành.
Cũng theo ông Hiển, việc quy định trong văn bản này cần cụ thể với nghi lễ như giới thiệu nhân sự, thủ tục tiến hành... Việc giới thiệu trong phần mở đầu các buổi lễ quá dài trong khi có những người không được giới thiệu.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K"sor Phước cho rằng, có những cuộc có mặt cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội nên rất khó quyết định người chủ trì. Quy định cụ thể để tránh trường hợp Thủ tướng có mặt quá nhiều ở chỗ này, Chủ tịch Quốc hội lại quá nhiều chỗ kia...
"Diễn văn trong các buổi lễ, cần phải gọn lại, chỉ giới thiệu người đứng đầu trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao tham dự bởi có những cuộc giới thiệu nhân sự mất tới 30 phút", ông Phước nói.
Góp ý cho dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần mở rộng quy định về tuyên truyền, đưa tin vì hiện có tình trạng sự kiện nào cũng truyền hình trực tiếp, sự kiện nào cũng muốn lên kênh VTV1, vào giờ vàng... Trong khi đó, có những sự kiện lớn lại không được đưa tin đúng tầm. "Như sự kiện thắp nến tri ân nhân dịp 27/7 vừa rồi được truyền hình trực tiếp trên VTV6, trong khi trên VTV1 đang chiếu phim Hàn Quốc", bà Ngân nói.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (chủ trì cơ quan soạn thảo Nghị định), thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn mà còn cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua tràn lan, thiếu lành mạnh. Các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng thường xuyên tổ chức ngày kỷ niệm, ngày truyền thống. Tần suất tổ chức lễ kỷ niệm do vậy quá dầy.
Dự thảo này quy định khá cụ thể về các ngày kỷ niệm của đất nước; ngày sinh của các lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; ngày mất của các danh nhân; ngày lễ quốc tế...
Theo số liệu thống kê của NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2009, tổng số ngày kỷ niệm trong nước và quốc tế tại Việt Nam là 428, trong đó có 120 ngày lễ kỷ niệm trong nước (sự kiện quốc gia; ngày thành lập ngành, thành lập, tái lập tỉnh, thành phố), 308 ngày lễ kỷ niệm quốc tế (sự kiện quốc tế; quốc khánh các nước). Số liệu này còn chưa bao gồm những hoạt động mang tính chất kỷ niệm diễn ra thường xuyên như kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, kỷ niệm năm chẵn ngày Việt Nam tham gia các Tổ chức quốc tế lớn (ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, WTO…), các hoạt động giao lưu năm quốc gia, ngày văn hóa các nước tại Việt Nam, kỷ niệm các tổ chức kinh tế, văn hóa...
Ngoài ra, có nhiều ngày được tổ chức kỷ niệm trong các năm tròn, chẵn, lẻ tại Hà Nội và TP HCM. Các bộ, ngành, địa phương kỷ niệm ngày thành lập ngành, ngày nâng cấp thành phố, thị xã, ngày thành lập, tái lập tỉnh, ngày thành lập đơn vị, ngày đón nhận danh hiệu của Nhà nước, chủ yếu dựa vào khả năng, điều kiện của bộ, ngành, địa phương theo xu hướng tự phát. Số lần tổ chức có xu hướng gia tăng.

Nguyễn Hưng/Vnexpress