Nam Định: công chức được cử đi học Tiến sĩ được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng

26/04/2022 06:25
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức hỗ trợ tối đa cho công chức có trình độ Tiến sĩ là 100 triệu đồng, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp 2 là 50 triệu đồng và chuyên khoa cấp 1 là 25 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 758/QĐ-UBND về việc thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng tốt nghiệp sau đại học ở tỉnh này.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trực thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên, thuộc quyền quản lý của tỉnh Nam Định, được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo trình độ Tiến sĩ.

Bên cạnh đó, viên chức ngành Y tế được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo trình độ Điều dưỡng chuyên khoa cấp 1, Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 cũng nằm trong số đối tượng được hỗ trợ.

Ngoài ra, người có trình độ Tiến sĩ được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh này tuyển dụng, tiếp nhận làm công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể chính trị - Xã hội từ cấp huyện trở lên.

Điều dưỡng chuyên khoa cấp 1, Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh tuyển dụng, tiếp nhận vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế cũng được cũng được hưởng theo chính sách này.

Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng sau đại học ở tỉnh này. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 100 triệu đồng/ người. Ảnh: Chụp màn hình

Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng sau đại học ở tỉnh này. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 100 triệu đồng/ người. Ảnh: Chụp màn hình

Mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức được Quyết định này nêu rõ, với trình độ Tiến sĩ là 100 triệu đồng. Trình độ Bác sỹ, Dược sỹ chuyên khoa cấp 2 là 50 triệu đồng.

Với trình độ Bác sỹ, Điều dưỡng chuyên khoa cấp 1 là 25 triệu đồng.

Đối với trường hợp là Tiến sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ, Điều dưỡng chuyên khoa cấp 1, cấp 2 đã được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo trước ngày Nghị Quyết này có hiệu lực, sau khi tốt nghiệp được hưởng mức hỗ trợ theo Quyết định 3825/2005/QĐ-UBND ngày 14/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Về nguồn kinh phí hỗ trợ, theo Quyết định này được biết là lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh Nam Định theo quy định của Luật Ngân sách hiện hành.

Mức hỗ trợ này được xác định dựa trên sự tương quan mức học phí toàn khóa học trung bình của các cơ sở đào tạo thời điểm năm 2005 với hiện nay theo hướng hỗ trợ 100% học phí.

Ngoài ra, việc hỗ trợ này còn được căn cứ vào tương quan hệ số lương cơ sở giữa năm 2005 và hiện nay (Hệ số lương cơ sở hiện nay đã tăng gấp khoảng 10 lần).

Liên quan đến vấn đề này, trước đó vào ngày 23/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã có Tờ trình số 136/TTr-UBND kèm theo Đề án số 42/ĐA-UBND gửi Hội đồng nhân dân tỉnh này về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có bằng tốt nghiệp sau đại học.

Trong đó nêu rõ điều kiện đối với các đối tượng được hỗ trợ, đó là phải cam kết công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên thuộc quyền của tỉnh này quản lý.

Với các công chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, tối thiểu từ 5 năm trở lên sau khi nhận hỗ trợ, trừ các trường hợp đặc biệt điều động về các cơ quan trung ương do tỉnh quyết định.

Nếu không đảm bảo thời gian công tác đủ 5 năm sau khi nhận hỗ trợ do cá nhân tự thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp huyện trở lên thì phải bồi hoàn kinh phí đã được hỗ trợ theo quy định.

Ngoài ra, người nhận hỗ trợ cũng phải đạt điều kiện còn đủ từ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Việc thực hiện hỗ trợ khi cá nhân có bằng tốt nghiệp sau đại học đối với các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cử đi đào tạo hoặc có quyết định tuyển dụng, tiếp nhận.

Được biết, Đề án này ban hành được căn cứ dựa trên hiện trạng về trình độ sau đại học của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và chính sách hỗ trợ hiện hành của tỉnh Nam định.

Theo đó, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Nam Định hiện có 1.826 cán bộ công chức, viên chức có bằng sau đại học trên tổng số 11.025 cán bộ, công chức, viên chức, đạt tỷ lệ 16,6%.

Số lượng này được phân bổ trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:

Khối Đảng, đoàn thể có 222 người gồm 5 Tiến sĩ và 217 Thạc sĩ. Khối chính quyền có 1.604 người gồm 23 Tiến sĩ, 1.370 Thạc sĩ và 211 Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng chuyên khoa cấp 1 + 2.

Ngành Giáo dục và Đào tạo có 710 người với 12 Tiến sĩ và 698 Thạc sĩ.

Ngành Y tế có 325 người với 2 Tiến sĩ, 112 Thạc sĩ; 191 Bác sĩ, Dược sĩ, Điều Dưỡng chuyên khoa cấp 1; 20 Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp 2.

Các ngành khác có 569 người với 9 Tiến sĩ và 560 Thạc sĩ.

Theo tỷ lệ phân bổ này, số người có bằng Tiến sĩ không nhiều lại tập trung chủ yếu ở ngành Giáo dục và Đào tạo (chỉ 12 người), các ngành Kỹ thuật – kinh tế, cơ quan tham mưu, tổng hợp có số lượng Tiến sĩ rất ít nên cần phải tiếp tục tăng cường thêm.

Bên cạnh đó, số người có trình độ tay nghề cao của ngành Y tế trong tỉnh Nam Định được thống kê là chưa nhiều, chiếm tỷ lệ chỉ 2% trong tổng số người có bằng sau đại học. Do vậy, quan điểm nêu trong Đề án này là cần có những ưu đãi nhất định trong chính sách để xây dựng nguồn nhân lực ngành Y tế của tỉnh này có chất lượng hơn.

Chủ trương này của tỉnh Nam Định được cho là sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn có trình độ Tiến sĩ làm nòng cốt trong công tác chuyên môn ở các lĩnh vực.

Đồng thời, tăng cường đội ngũ nhân lực ngành Y tế có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại địa phương.

Trung Dũng