Năm 2021, nhiều quan chức "nhúng chàm" vì 'đất vàng' được lôi ra 'ánh sáng

01/01/2022 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong năm 2021, nhiều vụ án sai phạm về đất đai liên quan đến nhiều lãnh đạo tỉnh, thành đã bị khởi tố, đưa ra xét xử.

Sai phạm tại 6 dự án “đất vàng” ở Khánh Hòa

Trong nhiệm kì 2010-2015 và 2015-2020, các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có sai phạm liên quan đến 6 dự án, được nêu tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương (năm 2019) và Thanh tra Chính phủ (năm 2020).

Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án liên quan đến 4 dự án: Nha Trang Gold Coast (khu đất Trường Chính trị Khánh Hòa cũ, số 1 Trần Hưng Đạo), Nha Trang Golden Gate (28E Trần Phú) và 2 dự án trên núi Chín Khúc là Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung.

Cụ thể, năm 2018, dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (rộng 19,65 ha) được đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã cho thi công xây dựng như san nền…

Đối với dự án Cửu Long Sơn Tự (rộng 513ha trên núi Chín Khúc, phần lớn là đất trồng rừng), đã được ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kí đầu tư 7.500m2 đất ở lâu dài trên đỉnh núi vào tháng 10/2015, dù chưa chuyển mục đích đất rừng sang đất ở.

Ngày 18/9/20219, ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định điều chỉnh cho công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa thuê đất trên và ghi khu đất này là "đất trồng rừng sản xuất".

Dự án Nha Trang Golden Gate sai phạm khi không thông qua đấu thầu lự chọn đầu tư và sai phạm khi xây dựng đất ở. (Ảnh: TP)Dự án Nha Trang Golden Gate sai phạm khi không thông qua đấu thầu lự chọn đầu tư và sai phạm khi xây dựng đất ở. (Ảnh: TP)

Đối với dự án Nha Trang Golden Gate, là khu phức hợp khách sạn, căn hộ cao cấp 5 sao, mức đầu tư 1.250 tỉ đồng được được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư, không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, vào năm 2016, ông Đào Công Thiên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định giao đất, thuê đất cho công ty trên nhưng không qua đấu giá.

Ngày 10/5/2021, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong quá trình giao và cho thuê khu đất này.

Dự án BT Trường Chính trị (cũ) tại số 1 Trần Hưng Đạo với nhiều sai phạm liên quan đến việc giao đất đã bị khởi tố. (Ảnh: TP)

Dự án BT Trường Chính trị (cũ) tại số 1 Trần Hưng Đạo với nhiều sai phạm liên quan đến việc giao đất đã bị khởi tố. (Ảnh: TP)

Đối với sai phạm tại khu đất Trường Chính trị Khánh Hòa (số 1 Trần Hưng Đạo, diện tích 7388m2), vào năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT chỉ định Công ty Cổ phần Thanh Yến (Long An) xây dựng mới Trường Chính trị Khánh Hòa với mức đầu tư 149 tỉ đồng ở xã Phước Đồng. Đổi lại, tỉnh hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng khu "đất vàng" 7388m2.

Mặc dù khu đất trên được xây dựng làm cơ sở giáo dục nhưng ông Đào Công Thiên đã “biến” thành đất ở và đất phi nông nghiệp cho công ty trên. Bên cạnh đó, việc không tổ chức đấu giá đất, dẫn đến việc giá thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất thực tế thấp so với giá thị trường cùng thời điểm, gây thất thu lớn cho ngân sách.

Ngày 30/3/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án "vi phạm trong quản lý đất đai" xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo.

Liên quan đến vụ án, ngày 20/5/2021, Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 ông Đào Công Thiên - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và ông Võ Tấn Thái - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa.

Tiếp đó, ngày 8/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cựu chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa là các ông Nguyễn Chiến Thắng (nhiệm kì 2011-2016) - Lê Đức Vinh (nhiệm kì 2016-2021) và cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa Lê Mộng Điệp.

Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã kỷ luật 10 lãnh đạo cấp sở, ngành thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có vi phạm liên quan đến các vụ việc trên.

Cựu bí thư tỉnh ủy Bình Dương “nhúng chàm” do đất đai

Ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, từ khi giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đến khi nắm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Trần Văn Nam đã mắc sai phạm liên quan đến đất đai gây thất thoát cả nghìn tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, năm 2010, ông Nam được bổ nhiệm giữ chức phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai.

Ông Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Năm 2012, ông Nam đã kí ban hành công văn chấp thuận giá đất dịch vụ tại khu liên hợp với giá được tỉnh này ban hành từ năm 2006 là 51 nghìn đồng/m2 để Cục thuế tính tiền sử dụng đất đối với 2 khu đất có tổng diện tích 188 ha cho Tổng công ty 3-2.

Hành vi trên của ông Nam được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong giai đoạn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khi cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, ông Trần Văn Nam đã chủ trì tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương tại Công văn 407 CV/TU ngày 29/7/2016.

Theo nội dung Công văn trên, khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.

Đến tháng 4/2017, mặc dù biết Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, đã quyết toán thuế vào niên độ tài chính năm 2016, không bàn giao về Công ty Impco là trái chủ trương của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật, tuy nhiên ông Nam còn tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017 để thống nhất và quyết định cho Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 302 tỉ đồng.

Tháng 10 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đối với cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh này.

Sai phạm dự án tại SAGRI Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 6/12 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn.

19 bị can bị truy tố, đưa ra xét xử do liên quan đến sai phạm dự án tại SAGRI gây thất thoát gần 700 tỷ đồng ngân sách.

Theo cáo trạng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao khu đất thuộc sở hữu nhà nước có diện tích hơn 36.676 m2 tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho SAGRI (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu) thực hiện dự án nhà ở. Dự án được SAGRI kí hợp đồng kinh doanh đầu tư dự án với Tổng Công ty Phong Phú vào năm 2008.

Đến năm 2015, dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Khi này, ông Lê Tấn Hùng (Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn – SAGRI) đã kí đề xuất Thành phố chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú; ký hợp đồng và các văn bản khác hoàn tất việc chuyển nhượng dự án hơn 168 tỉ đồng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký đề xuất của ông Hùng.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Việc tự thỏa thuận, thực hiện dự án không qua đấu giá đã làm thất thoát ngân sách nhà nước 672 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) bị truy tố về 2 tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

9 bị cáo bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn, Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên AGRI), Hồ Văn Ngon (cựu Phó tổng giám đốc SAGRI), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Phan Trường Sơn (cựu Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Quốc Đạt (cựu Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng), Lê Tấn Hòa (cựu chuyên viên Sở Xây dựng).

5 bị cáo bị truy tố tội “tham ô tài sản”: Nguyễn Thị Tuyết Mai (cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI), Trần Văn Trường (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Thanh niên xung phong), Đỗ Sĩ Hoài Thanh (cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần du lịch Thanh niên xung phong), Đoàn Quang Hồi (cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc Tế), Nguyễn Thị Nguyên (cựu Kế toán trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế).

2 bị cáo bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”: Dư Huy Quang (cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Thanh An (cựu Phó giám đốc Nhân sự hành chính SAGRI).

Riêng bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm (cựu Phó trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) bị truy tố về tội “che giấu tội phạm”.

Sai phạm đất đai tại Cần Thơ

Ngày 28/6/2021, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã trả hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Uỷ ban Nhân dân quận Bình Thủy để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của các bị cáo trong vụ án.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ ngày 2/11/2015 đến ngày 13/7/2017, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Vũ, Huỳnh Trung Thanh, Lê Văn Trứ, Nguyễn Việt Hòa, Lê Hồng Khánh, Trần Tuấn Anh với chức trách nhiệm vụ được giao, các bị cáo biết rõ kế hoạch sử dụng đất các năm 2015, 2016, 2017 của quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã được triển khai thực hiện, đảm bảo mục đích sử dụng đất, không để tình trạng chia lô, phân nền trái phép, xây dựng nhà và công trình kiến trúc vi phạm quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, các bị cáo vẫn cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở đô thị đối với người sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, với giá trị đất hơn 9,9 tỷ đồng. Cáo trạng cáo buộc hành vi các bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đô thị, làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy).Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy).

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy) nhận trách nhiệm về việc ký 30 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 39 thửa đất. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng cơ quan Cơ quan điều tra đã không căn cứ vào Luật quy hoạch, mà chỉ căn cứ vào Luật đất đai để xử lý.

Bị cáo Tuấn cũng cho rằng, ông ta ký trong hồ sơ đều thể hiện là phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Những quyết định bị cáo ký có sai là do khâu thẩm định, tham mưu từ bên dưới và không có động cơ tư lợi cá nhân. Bị cáo đề nghị xem xét lại giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm đăng ký.

Các bị cáo khác cũng đề nghị xem xét lại việc định giá các thửa đất, các bị cáo mặc dù có vi phạm nhưng không ai có mục đích thu lợi cá nhân.

Căn cứ vào nội dung xét hỏi tại tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào khoảng tháng 11/2015 đến năm 2017, tức trước ngày Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực

Do đó, việc truy tố các bị cáo về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo điều 229 Bộ luật hình sự 2015 là chưa phù hợp.

Từ căn cứ trên, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ căn cứ truy tố các bị cáo theo điều 229 Bộ luật hình sự 2015 và làm rõ hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Tuấn về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Mạnh Đoàn