Mỹ có thể sẽ có điều chỉnh nhỏ về chiến lược châu Á-TBD vì tài chính?

21/03/2013 08:10
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ có khả năng điều chỉnh lại chiến lược quốc phòng trong điều kiện cắt giảm chi tiêu ngân sách, nhưng sẽ không thay đổi chiến lược.
Mỹ có khả năng điều chỉnh lại chiến lược đối với châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ có khả năng điều chỉnh lại chiến lược đối với châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 18/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel yêu cầu Lầu Năm Góc đánh giá lại chiến lược quân sự của Mỹ, nhằm xác định Bộ Quốc phòng liệu có thể còn khả năng thực hiện hiệu quả chiến lược quốc phòng hiện nay trong khi cắt giảm ngân sách hay không.

Cùng ngày, tờ “Bưu điện Washington” cho rằng, do hai đảng thất bại trong đàm phán về ngân sách tài chính, trong 10 năm tới, Lầu Năm Góc sẽ đối mặt với tình cảnh khó khăn là cắt giảm gần 1.000 tỷ USD ngân sách. Theo báo Mỹ, ông Hagel thực ra không muốn thay đổi căn bản chiến lược quân sự của Mỹ, Lầu Năm Góc hy vọng qua đó để Quốc hội Mỹ tiếp tục cung cấp một số kinh phí quân sự bị cắt giảm.

Theo bài báo, ngày 18/3, Thư ký thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ Little tuyên bố, ông Hagel đã yêu cầu Thứ trưởng Quốc phòng Carter và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey cùng tiến hành đánh giá lại, họ sẽ tiến hành đánh giá Báo cáo chiến lược quốc phòng năm 2011 trên các phương diện như chiến lược quân Mỹ, tình hình lực lượng, đầu tư quân sự và quản lý nội bộ, đồng thời đưa ra báo cáo trước ngày 31/5.

Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 của quân Mỹ
Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 của quân Mỹ

Báo cáo chiến lược quốc phòng năm 2011 mà Hagel yêu cầu đánh giá lại có tên là “Duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: nhiệm vụ ưu tiên quốc phòng trong thế kỷ 21”, được ông Obama đích thân đưa ra tại Lầu Năm Góc vào đầu tháng 1/2012.

Căn cứ vào báo cáo này, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ giảm bố trí quân sự ở châu Âu, chuyển trọng tâm quân sự, ngoại giao và kinh tế tới châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, cắt giảm tương ứng quy mô lực lượng mặt đất và giảm các hành động quân sự đơn phương.

Căn cứ vào tư tưởng ban đầu đưa ra chiến lược “trung tâm châu Á-Thái Bình Dương”, Lầu Năm Góc có thể chấp nhận cắt giảm ngân sách 500 tỷ USD trong 10 năm, nhưng do “chiến dịch tài chính” chưa được giải quyết giữa hai đảng, Quân đội Mỹ có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu gấp đôi.

Ngày 18/3, tại “Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế” (CSIS), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey nói: “Khi tôi đang đứng ở đây, tôi còn chưa biết chính sách quốc phòng của chúng ta sẽ có sự thay đổi lớn mức độ nào, chúng ta cần phải điều chỉnh tham vọng để phù hợp với khả năng”.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ vừa tham gia diễn tập quân sự liên hợp Hàn-Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ vừa tham gia diễn tập quân sự liên hợp Hàn-Mỹ

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ hoàn toàn không muốn thay đổi quy mô lớn chiến lược “trung tâm châu Á-Thái Bình Dương” của Obama, nhưng đồng thời cũng cho rằng, cần sẵn sàng cho bất cứ thay đổi nào có thể xảy ra.

Một quan chức giấu tên cho biết: “Điều này tuyệt đối không phải là thay đổi chiến lược quốc phòng, đây là một cuộc “diễn tập ứng phó khẩn cấp” về ngân sách, nhằm xem xét có trách nhiệm chúng tôi muốn làm gì trong tình hình ‘buộc phải giảm chi tiêu theo giai đoạn’”.

Norah Bensahel, nhà nghiên cứu cấp cao “Trung tâm an ninh Mỹ mới” (Center for a New American Security) nói: “Tôi cho rằng, sẽ không xảy ra sự thay đổi chiến lược mang tính căn bản, tuy phương án thay thế là nói rõ chúng tôi không còn muốn làm nước lớn mang tính toàn cầu, chuyển sang trở thành cường quốc mang tính khu vực, nhưng tôi không nghe thấy có ai trong Bộ Quốc phòng nói như vậy”.

Cụm chiến đấu tàu sân bay là lực lượng chủ yếu can thiệp ở nước ngoài của Hải quân Mỹ.
Cụm chiến đấu tàu sân bay là lực lượng chủ yếu can thiệp ở nước ngoài của Hải quân Mỹ.
Việt Dũng